Trang Linh ·
2 năm trước
 1487

Du khách Việt Nam ngày càng yêu thích du lịch bền vững

Gần 100% du khách Việt Nam mong muốn được nghỉ dưỡng ở những địa điểm lưu trú sinh thái và bền vững với môi trường ít nhất một lần. Đây là kết quả khảo sát được Công ty du lịch kỹ thuật số Booking.com thực hiện trực tuyến trong tháng 3/2021.

Khu nghỉ dưỡng đạt chứng nhận Vàng của Green Growth 2050. (Ảnh: Booking.com)

Cuộc khảo sát của Booking.com thực hiện với  29.349 người tham gia từ 30 thị trường du lịch cho kết quả là 81%  khách du lịch toàn cầu khát khao được nghỉ ở địa điểm lưu trú sinh thái và bền vững với môi trường ít nhất một lần. Trong đó, hầu hết 1.005 du khách Việt Nam từ 18 tuổi trở lên tham gia khảo sát đều bày tỏ mong muốn được tới các điểm lưu trú sinh thái bền vững với môi trường. Trong khi đó, con số này tại Thái Lan là 98%, Singapore là 90% và Hàn Quốc là 81%.

Trước đó, cuộc khảo sát thực hiện theo hình thức trực tuyến trong tháng 7/2020 của Booking.com với 20.934 người tại 28 quốc gia và vùng lãnh thổ cho thấy, hơn 53% du khách toàn cầu thừa nhận rằng vì đại dịch mà họ muốn đi du lịch bền vững hơn. Trong đó, có 59% du khách Việt Nam, 68% du khách ở Thái Lan và 60% du khách tại Đài Loan (Trung Quốc).

Theo ông Anthony Lu, Giám đốc Khu vực Mê Công và Trung Quốc của Booking.com: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy nhiều hạn chế ban hành trên toàn cầu đã truyền cảm hứng cho 59% du khách Việt Nam ưu tiên du lịch bền vững trong tương lai. Đây là dấu hiệu lạc quan cho thấy khách du lịch sẽ cân nhắc hơn khi đưa ra quyết định về chuyến du lịch trong tương lai, đồng thời ý thức rằng mọi hành động bền vững mà họ thực hiện sẽ giúp điều chỉnh tác động của họ đối với môi trường. Dù nhỏ nhoi và đơn giản đến mức nào, chúng tôi tin rằng du khách Việt Nam sẽ có tác động lớn đến môi trường và ngành du lịch”.

Ngày Trái đất, từ 20 đến 22/4 hằng năm, là thời điểm quan trọng để người dân nhìn nhận nhiều hơn về các chuyến đi trong tương lai nhằm tác động tích cực hơn đối với cả môi trường và cộng đồng địa phương. Đại dịch Covid-19 khiến người dân toàn cầu nhìn nhận lại những tác động tới môi trường chung quanh và du khách ngày càng  mong muốn du lịch bền vững hơn trong tương lai khi các lệnh hạn chế đi lại được gỡ bỏ.

Thực tế, Việt Nam là quốc gia có lợi thế để phát triển du lịch bền vững. Tại Việt Nam, hệ thống chín khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận và hơn 30 vườn quốc gia, trong đó có sáu vườn di sản ASEAN còn giữ gần như nguyên vẹn về hệ sinh thái, đa dạng và giá trị nổi bật quần thể. Đặc biệt, tài nguyên 400 nguồn nước nóng từ 40-150 độ, đứng thứ 27 trong số 156 quốc gia có biển trên thế giới với 125 bãi tắm biển, hầu hết là các bãi tắm đẹp và là 1/12 quốc gia có vịnh đẹp nhất thế giới là vịnh Hạ Long và vịnh Nha Trang.

Trong những năm qua, hoạt động du lịch tại Việt Nam đã tập trung phát triển theo hướng du lịch bền vững, với nhiều khu nghỉ dưỡng được nhận các chứng chỉ xanh quốc tế như EarthCheck và Green Growth 2050. Có thể kể tới một số điểm lưu trú tại Việt Nam đạt các chứng chỉ xanh trong những năm qua gồm: khu nghỉ dưỡng Banyan Tree Lăng Cô, Khách sạn Caravelle Saigon; Angsana Lăng Cô (đạt Chứng nhận Vàng của EarthCheck); Khu nghỉ dưỡng Avani Quy Nhơn, Anantara Mui Ne Resort and Spa, khách sạn Harbour View Hải Phòng, Anantara Hoi An Resort (đạt chứng nhận Vàng của Green Growth 2050).

EarthCheck là nhóm tư vấn, chứng nhận và đo điểm chuẩn khoa học hàng đầu thế giới về du lịch và lữ hành. Kể từ năm 1987, họ đã giúp các doanh nghiệp, cộng đồng và chính phủ cung cấp các điểm đến sạch sẽ, an toàn, thịnh vượng và lành mạnh cho du khách đến thăm, sinh sống, làm việc và vui chơi. Để đạt được chứng nhận Earthcheck, bất động sản phải có chính sách bền vững: chẳng hạn như phát thải khí nhà kính, tiết kiệm năng lượng, quy hoạch và quản lý sử dụng đất, kiểm soát chất lượng không khí và tiếng ồn, quản lý nước thải... 

Green Growth 2050 (Tiêu chuẩn Toàn cầu về Tăng trưởng Xanh 2050) dựa trên một loạt các tiêu chuẩn bền vững về môi trường và khách sạn được quốc tế công nhận. Green Growth 2050 đã được phát triển để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp du lịch và lữ hành đang tìm kiếm các giải pháp hiện tại cho các vấn đề thúc đẩy thay đổi xã hội, văn hóa và môi trường và vượt ra khỏi các giải pháp một chiều, kế thừa, dựa trên chứng nhận của quá khứ. 

Nguồn