HD ·
2 năm trước
 4274

Du lịch Việt Nam phục hồi nhanh và bền vững

Du lịch Việt Nam tăng trưởng ấn tượng trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Sự phát triển của ngành du lịch đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá, tài nguyên thiên nhiên đất nước.

Những con số tăng trưởng tích cực

Trong thời gian qua, du lịch Việt Nam đã có bước phát triển rõ rệt và đạt được những kết quả quan trọng. Trong đó đáng chú ý là mức tăng trưởng khách ấn tượng. Trong giai đoạn từ 2001 đến 2016, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 4,3 lần và khách du lịch nội địa tăng 5,3 lần.

Thông tin từ Trung tâm Thông tin Du lịch (Tổng cục Du lịch Việt Nam) cho biết, theo công cụ phân tích xu hướng du lịch Google Destination Insights và kết quả đón khách quốc tế cho thấy, tình hình phục hồi khả quan của du lịch Việt Nam sau khi chính thức mở cửa lại toàn bộ du lịch từ ngày 15/3/2022, trong đó lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam tăng gấp 4 lần.

Dữ liệu từ Google chỉ ra rằng, lượng tìm kiếm từ nước ngoài về du lịch Việt Nam đang trên đà tăng cao qua từng tháng. Đặc biệt, đối với cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam, vào thời điểm đầu tháng 3, lượng tìm kiếm chỉ đạt mức 25 điểm, nhưng chỉ sau đó 1 tháng, đã tăng gần gấp đôi, ở mức 48 điểm.

Lượng tìm kiếm về cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng vào những tháng sau đó: Tháng 5 đạt 78 điểm, tăng gấp 3 lần so với tháng 3, rồi đạt 98 điểm vào đầu tháng 6 và 100 điểm vào đầu tháng 7, tăng gấp 4 lần thời điểm trước khi mở cửa du lịch quốc tế. 

Xu hướng tương tự diễn ra đối với lượng tìm kiếm về hàng không quốc tế tới Việt Nam: Đến đầu tháng 7, lượng tìm kiếm đã tăng gấp 3 lần so với đầu tháng 3.

Sau khi chính thức mở cửa lại toàn bộ du lịch từ ngày 15/3, du lịch Việt Nam phục hồi khả quan, trong đó lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam tăng gấp 4 lần. (Ảnh minh họa)

Theo đó, từ năm 2016 đến trước năm 2019, du lịch tiếp tục tăng trưởng mạnh. Cụ thể, năm 2019 khách quốc tế đến Việt Nam đạt con số kỷ lục với 18 triệu lượt, tăng 16,2% so với năm 2018 và tăng 1,8 lần so với năm 2016. Khách du lịch nội địa đạt 85 triệu lượt, tăng 23 triệu lượt so với năm 2016. Tổng thu từ khách du lịch đạt 755 nghìn tỷ đồng (tương đương 32,8 tỷ USD). Đóng góp trực tiếp của ngành du lịch tương đương 9,2% GDP cả nước. Giai đoạn này tốc độ tăng trưởng khách du lịch của Việt Nam được xếp vào hàng cao nhất trên thế giới theo đánh giá của Tổ chức Du lịch thế giới.

Bên cạnh đó, theo Tổng cục Du lịch, báo cáo chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho thấy, du lịch Việt Nam có 6 chỉ số (trong 17 chỉ số trụ cột,) được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới. Bao gồm: Sức cạnh tranh về giá (hạng 15); tài nguyên tự nhiên (hạng 24); tài nguyên văn hóa (hạng 25); hạ tầng hàng không (hạng 27); an toàn, an ninh (hạng 33). Kỳ đánh giá năm 2019, Việt Nam chỉ có 3 chỉ số được xếp vào nhóm này (sức cạnh tranh về giá, tài nguyên tự nhiên và tài nguyên văn hóa).

Đặc biệt, du lịch đã chứng minh được những nỗ lực vượt bậc để phục hồi nhanh chóng sau đại dịch Covid-19 kể từ khi mở lại hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3/2022. Chỉ 6 tháng đầu năm 2022, ngành du lịch đã phục vụ được 60,8 triệu lượt khách nội địa (tăng 1,9 lần so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 1,3 lần so với cùng kỳ năm 2019), vượt mục tiêu 60 triệu lượt của cả năm 2022. Lượng khách quốc tế tăng lên với tốc độ nhanh chóng qua từng tháng.

Việt Nam cũng đã đạt những danh hiệu của các tổ chức giải thưởng du lịch toàn cầu uy tín: Điểm đến du lịch châu Á 4 năm liền, điểm đến golf tốt nhất châu Á, điểm đến hàng đầu về di sản, điểm đến hàng đầu về ẩm thực… Mới đây nhất theo Báo cáo chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) phát hành ngày 24/5/2022 vừa qua, du lịch Việt Nam xếp hạng thứ 52 trên 117 nền kinh tế, tăng 8 bậc so với năm 2019. Đây là mức tăng cao thứ 3 thế giới.

Báo cáo chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu năm 2021 đánh giá, xếp hạng 117 nền kinh tế trên cơ sở đo lường 17 chỉ số trụ cột. Trong 17 chỉ số trụ cột, du lịch Việt Nam có 6 chỉ số được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới (hạng 1-35).

Liên kết vùng, phát triển du lịch bền vững

Sự phát triển của ngành du lịch đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xuất khẩu tại chỗ; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá, tài nguyên thiên nhiên; tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Hà Văn Siêu, ngành du lịch còn tồn tại một số hạn chế, du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng của xã hội. Các nguyên nhân chủ yếu của những vấn đề vướng mắc mà ngành du lịch đang gặp phải, dẫn đến du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng đó là: Các cấp, các ngành chưa thực sự coi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa và hội nhập quốc tế cao; thiếu chính sách quốc gia phù hợp để du lịch phát triển theo đúng tính chất của một ngành kinh tế vận hành theo quy luật thị trường; thể chế, chính sách phát triển du lịch chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; sự phối hợp liên ngành, liên vùng hiệu quả còn thấp, chưa huy động được nhiều nguồn lực của xã hội cho phát triển du lịch…

Do đó, để huy động các nguồn lực, sự liên kết giữa các địa phương theo tính chất liên vùng, đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả địa phương. Cần phải đầu tư các sản phẩm du lịch liên vùng, chuỗi giá trị các địa phương theo điểm đến để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nghĩa là chuỗi giá trị du lịch Việt Nam phải nằm trên hành trình khách đến Đông Nam Á và kết nối trên phạm vi toàn cầu. Như vậy du lịch Việt Nam mới gắn kết và đặt vào chuỗi kết nối du lịch trong phạm vi toàn cầu.

Thực tế, du lịch là một trong những ngành lớn nhất, không ngừng phát triển và ảnh hưởng tới sự tăng trưởng rộng khắp các lĩnh vực kinh tế, xã hội và văn hóa. Du lịch bền vững tìm cách duy trì số lượng, chất lượng và năng suất của cả hệ thống tài nguyên thiên nhiên và con người theo thời gian, đồng thời tôn trọng và thích ứng với các động lực của hệ thống đó.

Việt Nam là quốc gia rất có lợi thế để phát triển du lịch bền vững. Việt Nam có hệ thống 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận và hơn 30 vườn quốc gia, trong đó có 6 vườn di sản ASEAN còn giữ gần như nguyên vẹn về hệ sinh thái, đa dạng và giá trị nổi bật quần thể. Đặc biệt là tài nguyên 400 nguồn nước nóng từ 40-150 độ. Việt Nam đứng thứ 27 trong số 156 quốc gia có biển trên thế giới với 125 bãi tắm biển, hầu hết là các bãi tắm đẹp và là 1/12 quốc gia có vịnh đẹp nhất thế giới l (Vịnh Hạ Long và vịnh Nha Trang).

Trao đổi về vấn đề này, theo ThS Nguyễn Thị Thùy Linh (Khoa du lịch khách sạn – Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp), một trong những giải pháp phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam là đầu tư đồng bộ để khai thác một cách có hiệu quả tài nguyên sẵn có, tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo gắn với bảo vệ môi trường và thay đổi cách làm du lịch vốn chỉ dựa dẫm vào thiên nhiên.

Thực tế, giải pháp đó đã đem đến cho du lịch Việt Nam một sự thay đổi mạnh mẽ trong vòng 5 năm qua, khi ngành Du lịch mở cửa, mời gọi các nhà đầu tư tư nhân lớn đầu tư vào hạ tầng cơ sở du lịch.

Theo: Kinh tế Môi trường