Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Các cuộc thảo luận nội bộ của Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU), Thủ tướng Merkel nhấn mạnh không thể trì hoãn việc cải cách đạo luật bảo vệ khí hậu sau phán quyết của Tòa án tối cao liên bang. Trong tuần tới, Chính phủ Đức sẽ thảo luận về khả năng siết chặt đạo luật này, sau đó luật sửa đổi sẽ nhanh chóng được đưa ra Quốc hội phê chuẩn ngay trong nhiệm kỳ lập pháp hiện nay.
Theo nhà lãnh đạo Đức, liên minh cầm quyền gồm CDU/CSU và đảng Dân chủ Xã hội (SPD) cần đi tới quan điểm chung trong vấn đề bảo vệ khí hậu để có phản ứng kịp thời với phán quyết của tòa án tối cao ngay trong nhiệm kỳ này. Ứng cử viên thủ tướng của liên đảng CDU/CSU, Chủ tịch CDU Armin Laschet lên tiếng ủng hộ các cơ chế dựa trên thị trường nhằm đạt được mục tiêu bảo vệ khí hậu.
Tuần trước, các thẩm phán tại Tòa án Hiến pháp liên bang ở Karlsruhe đã yêu cầu cơ quan lập pháp cho tới cuối năm 2022 phải điều chỉnh cụ thể hơn mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính cho giai đoạn sau năm 2030. Sau phán quyết của tòa, các nghị sĩ CDU và CSU muốn tăng mạnh giá CO2 so với kế hoạch, trong khi giảm giá điện cho người dân và doanh nghiệp. Cụ thể, lãnh đạo CSU kêu gọi bỏ qua kế hoạch tăng giá CO2 trong năm 2022 và 2023 tương ứng lên 30 và 35 euro/tấn, thay vào đó sẽ tăng luôn giá CO2 trong năm tới lên mức 45 euro/tấn - mức theo kế hoạch ban đầu là vào năm 2024.
Tuy nhiên đã có những ý kiến không đồng nhất từ phía SPD về kế hoạch cải cách luật bảo vệ khí hậu của liên đảng bảo thủ, cho rằng kế hoạch này hoàn toàn bỏ qua khía cạnh xã hội, đồng thời cảnh báo về tình trạng mất cân bằng xã hội lớn hơn khi tăng giá CO2. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz kêu gọi mở rộng mạnh mẽ hơn nguồn năng lượng tái tạo ở Đức.
Cho tới nay, Luật Bảo vệ khí hậu mới chỉ quy định lượng khí thải hằng năm cho các lĩnh vực như ngành năng lượng, công nghiệp, giao thông và nông nghiệp cho đến năm 2030 và chưa đưa ra quy định cụ thể cho tới năm 2050. Theo tòa án tối cao, Chính phủ Đức chưa đặt ra được biện pháp cụ thể để giảm lượng khí phát thải sau năm 2030 và xuống mức 0 vào năm 2050 và điều đó là không công bằng với các thế hệ tương lai.
Năm 2019, Chính phủ Đức đã thông qua Luật Bảo vệ khí hậu, trong đó có cam kết giảm lượng khí phát thải CO2 ít nhất 55% vào năm 2030 so với mức của năm 1990, đồng thời đặt mục tiêu về lượng khí phát thải gần như bằng 0 vào năm 2050. Hiện có một số ý kiến kêu gọi đặt mục tiêu tham vọng hơn nữa khi giảm lượng phát thải ít nhất 65% vào năm 2030 và trở thành nền kinh tế trung hòa carbon trước năm 2050.