Lan Anh ·
3 năm trước
 2508

Gia Lai: Bùng nổ đầu tư điện mặt trời, sự lãng phí nguồn năng lượng sạch?

Theo đánh giá của các chuyên gia, Gia Lai có tiềm năng rất lớn để phát triển điện mặt trời với số giờ nắng trung bình mỗi năm khoảng 2.000-2.600 giờ; cường độ bức xạ mặt trời khoảng 4,9-5,7 kWh/m2/ngày. Tuy nhiên, việc điện lực thỏa thuận đấu nối ồ ạt đã gây ra sự lãng phí nguồn năng lượng sạch và lãng phí lớn nguồn lực của các nhà đầu tư. Giải pháp cho vấn đề này là gì?

Ông Phùng Văn Phước, Trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch – Đầu tư Gia Lai cho biết: “Trong khoảng 6 tháng đầu năm 2020, số doanh nghiệp thành lập mới và bổ sung ngành nghề liên quan đến điện áp mái tăng đột biến. Số doanh nghiệp thành lập mới là hơn 200, doanh nghiệp bổ sung ngành nghề trên 500".

Chỉ trong vòng một tháng qua đã có trên 300 chủ đầu tư đăng ký đầu tư dự án với tổng công suất trên 300 MWp.

Được biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 2 dự án điện mặt trời đang vận hành có tổng công suất 84 MWp với tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỉ đồng; bổ sung quy hoạch 3 dự án điện mặt trời với tổng công suất 113 MWp, tập trung tại huyện Krông Pa (Nhà máy điện mặt trời Krông Pa; Nhà máy điện mặt trời Krông Pa 2 và Nhà máy điện mặt trời Chư Ngọc).

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc điện lực thỏa thuận đấu nối ồ ạt, khiến nguồn cung điện dư gấp đôi so với nhu cầu phụ tải đã dẫn đến tình trạng hàng trăm doanh nghiệp bị cắt sa thải (tức là cắt không mua điện) luân phiên. Do đó gây lãng phí nguồn năng lượng sạch và lãng phí lớn nguồn lực của các nhà đầu tư.

Điều đáng nói thêm là việc cắt sa thải thường diễn ra vào giữa ngày, thời điểm bức xạ mặt trời cao nhất, cũng là lúc các hệ thống này cho lượng điện năng suất nhất. Một chủ trang trại đầu tư 15 tỉ đồng làm gần 1 MWp điện năng lượng mặt trời áp mái ở huyện Ia Grai, dù không ký thỏa thuận cắt sa thải, nhưng vẫn thường xuyên bị cắt điện cho biết.

Bên cạnh đó, vấn đề nổi cộm hiện nay là làm sao kiểm soát các dự án núp bóng điện mặt trời áp mái để hưởng chính sách ưu đãi của nhà nước.

nhà máy điện mặt trời tại gia lai

Theo ông Phạm Văn Binh - Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai, việc triển khai đầu tư phát triển ồ ạt hệ thống điện mặt trời mái nhà còn tồn tại nhiều bất cập như: Một số cá nhân, tổ chức đã mua đất, vay vốn tín dụng để triển khai đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, kết hợp với đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà trong khi chưa đảm bảo các hồ sơ thiết kế của công trình theo quy định của pháp luật. Do đó, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn công trình.

Thêm vào đó, một số tổ chức tín dụng, ngân hàng đã ký kết hợp đồng cho vay vốn trong khi các nhà đầu tư chưa đảm bảo đầy đủ các điều kiện của dự án theo quy định, dẫn đến tiềm ẩn rủi ro gây nợ xấu nếu dự án không triển khai được hoặc không đảm bảo khả năng giải tỏa hết công suất của hệ thống điện mặt trời mái nhà. Ngoài ra, một số địa phương khi triển khai đầu tư các dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn chưa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn lúng túng…

Ông Binh cũng thông tin thêm, nhiều trang trại không có mái, nghe vấn đề mái năng lượng không thay được mái nhà thì họ lại áp mái, là áp mái tôn dưới mái năng lượng. Chúng tôi đang chờ hướng dẫn của Bộ Công Thương để tham mưu UBND tỉnh và các sở ngành sẽ thực hiện kiểm tra, hướng dẫn các nhà đầu tư thực hiện đúng chủ trương của Nhà nước, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm.

Quá nhiều nhà máy điện mặt trời được xây dựng và nhiều dự án núp dưới bóng điện mặt trời áp mái để hưởng chính sách ưu đãi của nhà nước đang là vấn đề nổi cộm cần được giải quyết tại tỉnh Gia Lai. Không thể phủ nhận rằng việc đầu vào các dự án xây dựng nhà máy điện mặt trời đem đến những tín hiệu tích cực, tuy nhiên việc lãng phí nguồn năng lượng sạch và nguồn lực đầu tư là không cần thiết và cần giải quyết ngay. Bạn có phương án nào để khắc phục vấn đề này không?