Ngọc Lan ·
4 tuần trước
 9834

Giá lúa gạo hôm nay: Tiếp tục tăng giá

Giá lúa gạo hôm nay tại thị trường trong nước đều tăng từ 50 - 500 đồng/kg với mặt hàng lúa, giá gạo tiếp đà tăng nhẹ 50 - 150 đồng/kg.

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ở An Cư (Sóc Trăng) và Lấp Vò (Đồng Tháp), nguồn lúa gạo về ít, giao dịch chậm, gạo đẹp giá cao khó mua.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Với mặt hàng gạo, giá gạo ghi nhận có điều chỉnh so với ngày hôm qua. Theo đó, gạo nguyên liệu IR 504 Hè Thu ở mức 11.700 - 11.750 đồng/kg, tăng 50 - 100 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 ở mức 13.750 - 13.850 đồng/kg, tăng 150 đồng/kg.

Tại các chợ lẻ, giá gạo ghi nhận không có sự điều chỉnh với các mặt hàng gạo lẻ. Hiện gạo Nàng Nhen có giá niêm yết cao nhất 30.000 đồng/kg; gạo Jasmine 18.000 - 20.000 đồng/kg; gạo Nàng hoa 20.000 đồng/kg; gạo tẻ thường dao động quanh mốc 15.000 - 16.000 đồng/kg; thơm thái hạt dài 20.000 - 21.000 đồng/kg; gạo Hương lài 20.000 đồng/kg; gạo thơm Đài Loan 21.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 18.500 đồng/kg; gạo Sóc Thái giá 20.000 đồng/kg; gạo Nhật giá 22.000 đồng/kg.

Đối với mặt hàng lúa, ở Kiên Giang, giá neo ở mức cao, chủ yếu là lúa gần ngày cắt. Tại An Giang, đa số là lúa cọc chờ cắt, giá neo cao, nông dân chào bán giá ở mức cao. Tại Sóc Trăng, nông dân chào giá cao, giá ổn định.

Cụ thể, cập nhật từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho thấy, giá lúa hôm nay ghi nhận có điều chỉnh. Lúa IR 50404 giá dao động quanh mốc 7.500 - 8.000 đồng/kg, tăng 100 - 400 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 ở mức giá 8.300 - 8.400 đồng/kg, tăng 100 - 500 đồng/kg; lúa OM 5451 giá ở mức 8.000 - 8.150 đồng/kg, tăng 50 - 200 đồng/kg; lúa OM 18 có giá 8.300 - 8.400 đồng/kg, tăng 100 - 300 đồng/kg; lúa OM 380 dao động ở mức 6.800 - 7.100 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; lúa Nhật ở mốc 7.800 - 8.000 đồng/kg; Nàng Hoa 9 giá 6.900 - 7.000 đồng/kg, và lúa Nàng Nhen (khô) ở mức 20.000 đồng/kg.

Thị trường nếp ghi nhận có điều chỉnh so với ngày hôm qua. Nếp IR 4625 (tươi) 7.800 - 7.900 đồng/kg, tăng 100 - 300 đồng/kg so với ngày hôm qua. Nếp An Giang (tươi) 7.000 - 7.200 đồng/kg, đi ngang so với ngày hôm qua.

Mặt hàng phụ phẩm hôm nay ghi nhận có điều chỉnh so với ngày hôm qua. Hiện, giá tấm OM 5451 giữ ở mức 9.450 - 9.550 đồng/kg, tăng 50 đồng/kg; giá cám khô duy trì ổn định giữ ở mức 7.300 - 7.350 đồng/kg, tăng 50 đồng/kg.

Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam duy trì ổn định so với ngày hôm qua. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, gạo 100% tấm ở mức 440 USD/tấn; gạo tiêu chuẩn 5% tấm giữ vững ở mức 570 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 536 USD/tấn.

Xuất khẩu gạo tăng mạnh về lượng và giá

Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) cho hay, trong tháng 7/2024 xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng 46,3% về lượng, tăng 39,7% kim ngạch so với tháng 6-2024 nhưng giá giảm 4,5%, đạt 751.093 tấn, tương đương 451,77 triệu USD. Giá gạo trung bình tháng 7 đạt 601,5 USD/tấn.

Tính chung cả 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo tăng 8,3% về lượng, tăng 27,7% về kim ngạch và tăng 17,9% về giá so với 7 tháng năm 2023, đạt gần 5,3 triệu tấn, tương đương gần 3,34 tỷ USD, giá trung bình 630,2 USD/tấn.

Trong các tháng qua, gạo của Việt Nam tiếp tục xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Philippines, chiếm 43,6% trong tổng lượng và chiếm 42,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước. Thị trường này đã nhập trên 2,31 triệu tấn gạo từ Việt Nam, tương đương trên 1,42 tỷ USD, giá 615 USD/tấn, tăng 19,4% về lượng, tăng 44,4% về kim ngạch và tăng 21% về giá so với 7 tháng năm 2023.

Tính riêng tháng 7-2024, xuất khẩu đạt 372.289 tấn, tương đương 215,03 triệu USD, giá 577,6 USD/tấn, tăng 241,3% về lượng, tăng 225,2% kim ngạch nhưng giảm 4,7% về giá so với tháng 6-2024.

Xuất khẩu gạo sang Indonesia đứng thứ 2 thị trường, chiếm 14,7% trong tổng lượng và chiếm 14,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước. Xuất khẩu gạo sang thị trường Malaysia cũng tăng 129,3% về lượng, tăng 176,6% kim ngạch và tăng 20,6% về giá so với 7 tháng năm 2023.

Tại hội nghị mới đây về xuất khẩu gạo bền vững, nhiều ý kiến cho rằng, dù xuất khẩu gạo của nước ta tăng trưởng mạnh nhưng gạo Việt vẫn chủ yếu vào các thị trường “dễ tính”. Một số thị trường “khó tính” dù đã được cấp phép song doanh nghiệp lại ngại khai thác.

Do đó, gạo Việt vẫn thiếu vắng những thương hiệu tên tuổi trên thị trường quốc tế.

Theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, tại Việt Nam, trong bối cảnh dự báo sản xuất, xuất khẩu lúa gạo thời gian tới sẽ có những biến động lớn về thị trường. Vì vậy, nếu hướng mạnh vào xuất khẩu là gạo thơm, gạo dẻo, gạo đặc sản, gạo dinh dưỡng thì cần có một hội đồng với nhiều góc nhìn và quyết sách về thị trường, khoa học kỹ thuật…

Chuyên gia Hoàng Trọng Thủy kỳ vọng hội đồng sẽ tham vấn và tham mưu cho Chính phủ về thị trường, sản lượng lúa gạo để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, xuất khẩu và gia tăng thu nhập của người trồng lúa. Hội đồng cũng sẽ tạo nên mối liên kết trong chuỗi giá trị, từ chuỗi cung ứng vật tư đầu vào để đảm bảo ổn định sản xuất; liên kết nông dân thành lập hợp tác xã; nông dân với doanh nghiệp, nhà khoa học... Đó là xã hội hiện đại về kinh tế thị trường.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, rất cần một Hội đồng lúa gạo quốc gia để tham mưu những chính sách, xử lý những vấn đề phát sinh của ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Hội đồng lúa gạo quốc gia là đơn vị hoạch định, tham mưu những chính sách lớn, giải quyết những vấn đề phát sinh, vấn đề ngoại giao, hình ảnh của ngành hàng lúa gạo cho Chính phủ, Thủ tướng để phát triển ngành hàng lúa gạo bền vững.