TM ·
2 năm trước
 4749

Giải pháp nào xử lý nước thải sinh hoạt tại các đô thị Việt Nam?

Đã đến lúc, việc quản lý và xử lý nước thải cần được quan tâm hơn ở mọi khâu quy hoạch, chính sách, công nghệ, quản lý và vận hành. Trong đó, cần xử lý an toàn, tái sử dụng nước thải đô thị cho các không gian xanh, tưới và làm sạch đô thị.

90% nguồn nước thải đang bị xả thẳng ra môi trường 

Hiện nay, các đô thị tại Việt Nam đang phát triển rất nhanh khiến cho việc thoát nước, xử lý nước thải đô thị ngày càng nan giải, vấn đề đầu tư vào hệ thống kỹ thuật hạ tầng đô thị nói chung và hệ thống cấp thoát nước đô thị nói riêng còn nhiều hạn chế. Nhiều tỉnh, thành phố quy hoạch hạ tầng không đồng bộ, không theo kịp sự phát triển của đô thị.

Cùng với đó, việc thiếu hụt hạ tầng kỹ thuật xử lý nước thải, thiếu cơ chế kêu gọi các nhà đầu tư vào đầu tư hệ thống xử lý nước thải, nhiều hệ thống xử lý công nghệ chưa phù hợp, đã dẫn tới tình trạng nước thải sinh hoạt đô thị không được xử lý vẫn ngang nhiên xả ra môi trường, đe dọa đến môi trường sinh thái và trở thành thách thức lớn cho các đô thị ở Việt Nam.

Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa không đi kèm với phát triển hạ tầng nên việc thu gom nước thải và xử lý nước thải còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, quá trình đô thị hóa nhanh đòi hỏi vấn đề thu gom xử lý mang tính lâu dài. Tại các đô thị ở Việt Nam đa số là hệ thống xử lý nước thải chung mà hiện nay theo quy định, cần hệ thống riêng, tách 2 hệ thống song hành.

Bên cạnh đó, việc hình thành các khu công nghiệp diễn ra nhanh nên mật độ xây dựng tăng, mà đường ống được làm tư lâu nên nhỏ, chưa phù hợp với sự phát triển đô thị, dẫn đến nhu cầu không đủ, do vậy việc nâng cấp mở rộng xây dựng gặp nhiều khó khăn.

Giải pháp nào xử lý nước thải sinh hoạt tại các đô thị Việt Nam? - Ảnh 1
Trong bức tranh toàn cảnh về xử lý nước thải ở các đô thị trên cả nước, khoảng 80% đến 90% đang bị xả thẳng ra môi trường cho thấy năng lực xử lý nước thải đang rất thấp.

Nguyên nhân là do không có kinh phí, chỉ có từ nguồn ngân sách nhà nước, vốn ODA, khó khăn trong quá trình cấp vốn. Hơn nữa, việc quản lý cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, các cơ quan quản lý cần phải có sự đồng bộ. Hiện nay, 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM chuyển đổi thành cống nước thải nhưng cũng làm giảm năng lực thoát nước. Do đó, sự phát triển của các đô thị và sự phát triển của hệ thống thoát nước có khoảng cách lớn.

Theo báo cáo, hiện các tỉnh thành phố mới chỉ xử lý được 15 – 30 % lượng nước thải sinh hoạt đô thị trước khi thải ra môi trường. Số lượng nước còn lại đều được xả thẳng vào hệ thống thoát nước chung rồi chảy ra ao, hồ, sông ngòi làm ô nhiễm nguồn nước.

Những dòng sông, ao hồ, sông ngòi hằng ngày đang oằn mình tiếp nhận hàng triệu m3 nước thải đô thị chưa qua xử lý. Màu đen kịt, bốc mùi hôi thối là những gì mà chúng rất dễ nhận thấy mỗi khi đi qua các con sông, kênh rạch, ao hồ tại các đô thị lớn.

Nước thải sinh hoạt đô thị không được xử lý đạt chuẩn trước khi xả ra môi trường không những gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường nước và cũng là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh tật, giảm chất lượng cuộc sống, đe dọa trực tiếp đến tính mạng con người.

Theo ĐBQH Nguyễn Quang Huân – Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch HĐQT công ty CP Halcom Việt Nam, về bức tranh toàn cảnh về xử lý nước thải ở các đô thị trên cả nước, khoảng 80% đến 90% đang bị xả thẳng ra môi trường cho thấy năng lực xử lý nước thải đang rất thấp, nguy cơ ô nhiễm cực kỳ lớn, có thể thấy về quy hoạch, công nghệ, chính sách, chế tài, cơ chế, năng lực nguồn vốn, nhân lực… đang có vấn đề.

"Nước ta là nước có thu nhập trung bình nhưng vấn đề xử lý nước thải lại tương đương với nước chậm phát triển. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới thì đến 20 – 30 năm nữa chúng ta không có đủ nước sạch để dùng, có thể thấy nguy cơ rất đáng báo động", ông Huân nói.

Tăng cường chế tài đối với các hành vi ô nhiễm

Hiện nay, Bộ Xây dựng cũng đang bắt đầu triển khai các chính sách như sửa đổi các công trình thoát nước bên ngoài, các quy chuẩn hạ tầng kỹ thuật, đầu tư triển khai lĩnh vực thoát nước. Chủ trương đề xuất sửa đổi các Nghị định về Hạ tầng kỹ thuật, cấp thoát nước, cây xanh, trình chính phủ phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng. Đề xuất Luật cấp thoát nước trình Quốc hội thông qua năm 2023-2024, Cục Hạ tầng kỹ thuật sẽ tham mưu. Bên cạnh đó, làm sao nâng cao được chính sách người dân sẽ phải trả tiền để đảm bảo trách nhiệm của người dân đối với bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, Bộ đã ban hành Thông tư số 15/2021/TT-BXD về quản lý công trình thu gom thoát nước. Quản lý nước thải yêu cầu các khu công nghiệp, khu đô thị mới cần sửa chữa, cải tạo cấp thoát nước, làm sao thu gom nước thải riêng và nước mưa riêng. Nếu đã là hệ thống thoát nước chung thì phải có phương án sớm xử lý tách biệt để đảm bảo. Cần khuyến nghị người dân duy trì bể xử lý tự hoại, đây là công nghệ tại chỗ để người dân khi phát thải nước thải sẽ giảm ô nhiễm.

Nếu khu vực nào đã có hệ thống thoát nước riêng thì người dân sẽ không cần phải xây dựng bể tự hoại, việc này sẽ giúp giảm chi phí đầu tư xây dựng ban đầu cho người dân. Các địa phương cần ban hành lộ trình cụ thể để đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước cho người dân sớm nhất có thể, giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường.

Trên cơ sở những hạn chế trong nguồn lực đầu tư, việc lựa chọn các công nghệ phù hợp, nhận thức của cộng đồng cũng như khung chính sách đang là thách thức lớn. Nếu không được quan tâm đúng mức đến xử lý nitơ, photpho trong nguồn nước, bùn xả thải sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng xả thải, chất lượng môi trường. Đã đến lúc, việc quản lý và xử lý nước thải cần được quan tâm hơn ở mọi khâu quy hoạch, chính sách, công nghệ, quản lý và vận hành.

Để bảo vệ nguồn tài nguyên nước lâu dài và bền vững, thiết nghĩ cần tăng cường các biện pháp chế tài đối với các hành vi gây ô nhiễm nguồn nước. Cần xử lý an toàn, tái sử dụng nước thải đô thị cho các không gian xanh, tưới và làm sạch đô thị.

Để giải quyết những bất cập trong công tác xử lý nước thải sinh hoạt đô thị tại Việt Nam, ĐBQH Nguyễn Quang Huân cho rằng: “Chúng ta cần chuyển đổi không sử dụng theo hướng hoạt động công ích, kêu gọi đầu tư tư nhân, cổ phần hóa công ty cấp nước, xử lý nước thải chuyển đổi, theo kinh tế thị trường”.

Hiện nay, có thể thấy chính sách đã có, bắt tay vào thực hiện cần cụ thể hơn, bắt tay vào hướng kinh tế thị trường để thực hiện theo hướng bền vững hơn.

Ngoài ra, với vai trò là Đại biểu Quốc hội, tôi nghiêng về kiến nghị các chính sách, nên học hỏi kinh nghiệm nước ngoài, những nước có kinh nghiệm đi trước. Tuy nhiên, học hỏi áp dụng gắn với thực tế ở Việt Nam. Đặc biệt, gần đây nhất là lưu ý về nghị quyết đại hội XIII kim chỉ nam trong chiến phát triển kinh tế – xã hội 10 năm, trong đó chỉ tiêu xử lý nước thải là 70%, theo đó từ 15% – 70% trong vòng 10 năm tới, cần nguồn đầu tư rất lớn từ 10-20 tỷ đô, như vậy cần những chính sách để thu hút tư nhân đầu tư, áp dụng kinh tế thị trường, dùng các nguồn thu bù cho phí xử lý".

Lan Anh

Nguồn: Kinh tế Môi trường