Minh Phương ·
3 năm trước
 1419

Giảm khí metan: Đòn bẩy để ứng phó với biến đổi khí hậu

Theo Liên hợp quốc (UN), các biện pháp giảm thiểu khí metan hiện tại có thể hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu thêm 0,3 độ C vào năm 2045.

Báo cáo do Liên minh Khí hậu phối hợp với Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) cho thấy việc giảm lượng khí thải metan lên tới 45% trong thập kỷ tới sẽ ngăn chặn mức tăng nhiệt của Trái Đất lên tới 0,3 độ C vào năm 2045. Theo báo cáo, điều đó sẽ đặt mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt 1,5 độ C theo Thỏa thuận Khí hậu Paris trong tầm tay.

Khí thải metan do con người gây ra chủ yếu đến từ nhiên liệu hóa thạch, chất thải và nông nghiệp. Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho thấy việc giảm khí metan có thể đạt được với chi phí hợp lý bằng cách bịt các đường ống bị rò rỉ, ngừng thoát khí tự nhiên trong quá trình khoan, thu nạp khí đúng cách từ các bãi chôn lấp và cắt nguồn khí metan từ chăn nuôi.

Giảm phát thải khí mê tan giúp ứng phó với tình trạng nóng lên toàn cầu.

Trong một tuyên bố, bà Inger Andersen, Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc nói rằng cắt giảm khí metan là đòn bẩy mạnh nhất mà chúng ta có để làm chậm biến đổi khí hậu trong 25 năm tới và bổ sung cho những nỗ lực cần thiết để giảm lượng khí Cacbon đioxit. Những lợi ích cho xã hội, nền kinh tế, môi trường là rất nhiều và vượt xa chi phí. Chúng ta cần hợp tác quốc tế để khẩn cấp giảm lượng khí thải metan càng nhiều càng tốt trong thập kỷ này.

Metan là một loại khí gây hiệu ứng nhà kính cực mạnh và là nguyên nhân gây ra khoảng 30% sự ấm lên của Trái Đất. Không giống như CO2 tồn tại trong bầu khí quyển trong nhiều thế kỷ, metan phân hủy nhanh và rời khỏi bầu khí quyển sau khoảng một thập kỷ.

Ước tính, việc cắt giảm 45% lượng khí thải metan có thể ngăn chặn 260 nghìn ca tử vong sớm, 775.000 ca phải nhập viện liên quan đến bệnh hen suyễn và 25 triệu tấn hoa màu thiệt hại hàng năm.

Theo nghiên cứu Dữ liệu hoa học hệ thống Trái Đất cũng cho thấy, phát thải khí metan tăng mạnh nhất ở châu Phi và Trung Đông; Trung Quốc; Nam Á và Châu Đại Dương, bao gồm Úc và nhiều đảo Thái Bình Dương. Mỗi khu vực trong số ba khu vực này đã tăng lượng khí thải ước tính khoảng 10 đến 15 triệu tấn mỗi năm. Hoa Kỳ theo sát phía sau, lượng phát thải khí metan tăng 4,5 triệu tấn, chủ yếu là do khoan, phân phối và tiêu thụ khí đốt tự nhiên nhiều hơn.

Châu Âu là điểm sáng khi trở thành khu vực duy nhất có lượng khí thải metan giảm trong hai thập kỷ qua. “Chính sách tốt và quản lý sát sao đã giúp châu Âu giảm lượng khí thải từ các bãi chôn lấp, phân bón và các nguồn khác. Người dân cũng ăn ít thịt bò, tăng cường ăn thịt gia cầm và cá”, Marielle Saunois của Đại học Versailles Saint-Quentin ở Pháp, tác giả chính của nghiên cứu Dữ liệu hoa học hệ thống Trái Đất cho biết.

Trong khi đó, các vùng nhiệt đới và ôn đới chứng kiến sự tăng vọt lớn nhất về khí thải metan.

Theo Jackson, việc hạn chế khí thải metan đồng nghĩa với việc yêu cầu các quốc gia phải giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, kiểm soát khí thải “chạy trốn” như rò rỉ từ đường ống và giếng, cũng như thay đổi cách chúng ta cho gia súc ăn, cách trồng lúa và thành phần bữa ăn của con người. “Chúng ta nên ăn ít thịt hơn và giảm khí thải liên quan đến chăn nuôi gia súc, lúa gạo”, Jackson nói.

Thời gian chống biến đổi khí hậu đang cạn dần

Theo báo cáo "Tình trạng khí hậu toàn cầu 2020" của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết, năm 2020 là một trong những năm nóng nhất được ghi nhận, trong khi lượng khí thải nhà kính vẫn tăng bất chấp đại dịch Covid-19 làm suy giảm các hoạt động kinh tế.

Nhiệt độ toàn cầu trong năm 2020 cao hơn 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Trong 20 năm qua, trên toàn cầu có gần 480.000 ca tử vong có liên quan trực tiếp đến hơn 11.000 hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra. Thiệt hại kinh tế lên tới khoảng 2,56 nghìn tỉ đô la Mỹ (tính theo sức mua tương đương, PPP) - một lần nữa tăng hơn so với năm trước.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo rằng thế giới đang bên bờ vực thẳm khi chứng kiến mức tăng kỷ lục các cơn bão nhiệt đới, sự tan chảy của các dòng sông băng, các đợt nóng kéo dài và cháy rừng.

Theo đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhận định báo cáo cho thấy 2020 là một năm "thời tiết và khí hậu khắc nghiệt, bị thúc đẩy bởi biến đổi khí hậu do con người gây ra, tác động đến cuộc sống, phá hủy sinh kế và buộc nhiều triệu người phải rời bỏ nhà cửa."

Ông Guterres nhấn mạnh: "Năm nay phải là năm hành động. Các quốc gia cần cam kết trung hòa khí thải vào năm 2050... Thời gian đang cạn dần để đạt được các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Chúng ta cần làm nhiều hơn, và nhanh hơn, ngay từ bây giờ".

Nguồn