Gián Đức, gián Mỹ, gián đất hay bất cứ loại gián nào khác trong số hơn 4,500 loài gián đã được biết đến đều là những sinh vật trung gian mang nhiều mầm bệnh nguy hiểm với sức khỏe con người, chẳng hạn như tiêu chảy, kiết lỵ, hen suyễn, viêm đường ruột, dị ứng, v.v.
Đặc biệt, nhờ vào cấu trúc cơ thể khác lạ và một bộ gen khổng lồ mà chúng còn có khả năng “bất tử”, khiến mức độ ám ảnh của loài sinh vật này tăng lên gấp nhiều lần.
Có rất nhiều cách để xua đuổi gián như giữ nhà cửa sạch sẽ và khô thoáng, đậy kín và bảo quản thức ăn cẩn thận, sử dụng các loại tinh dầu, … Tuy nhiên, một khi chúng đã bất ngờ xuất hiện thì bạn chỉ có thể chọn cách đập chết hoặc dùng bình xịt côn trùng.
Nhưng, bạn đã bao giờ gặp phải tình cảnh mặc cho bạn đã xịt rất nhiều thuốc diệt côn trùng thì chúng cũng chỉ bị “bất tỉnh” một thời gian, sau đó lại tiếp tục tung hoành và sống sót khỏe mạnh?
Một nghiên cứu mới đây được công bố trên tờ Journal of Economic Entomology đã chỉ ra rằng: gián, đặc biệt là gián Đức (là một loài gián nhỏ với sức sống dai dẳng, phân bổ ở khắp mọi nơi trên thế giới), có khả năng “miễn nhiễm” với năm loại hóa chất diệt côn trùng thường gặp.
Để nghiên cứu về khả năng kháng thuốc diệt côn trùng hóa chất của gián, giáo sư côn trùng học đô thị Chow-Yang Lee tại Đại học California đã cùng nhóm nghiên cứu của mình làm một thí nghiệm. Họ dùng máy hút bụi thu gom một lượng lớn gián Đức quanh các khu nhà ở thuộc bốn thành phố Los Angeles, San Diego, Vista và San Jose, là những khu vực người dân thường tự diệt gián bằng thuốc xịt mua tại cửa hàng tiện lợi thay vì sử dụng dịch vụ diệt côn trùng chuyên nghiệp.
Số gián này sau đó được đưa về phòng thí nghiệm, chia thành sáu nhóm và xịt ngẫu nhiên sáu hóa chất diệt côn trùng phổ biến.
Thí nghiệm cũng được lặp lại tương tự trên hàng chục con gián Đức được nuôi trong phòng thí nghiệm và chưa từng tiếp xúc với hóa chất diệt côn trùng khác.
Kết quả là những con gián nuôi trong phòng thí nghiệm chết rất nhanh.
Ngược lại, với số gián bắt được, có đến năm trong sáu nhóm đã khôi phục lại trạng thái bình thường chỉ sau hai tuần. Duy chỉ có nhóm dùng thuốc trừ sâu thế hệ mới Abamectin là có hiệu quả.
Mặc dù vậy, đã có một nghiên cứu khác diễn ra vào năm 2019 cho thấy cứ qua mỗi hai thế hệ, khả năng kháng Abamectin của gián lại tăng thêm một bậc.
Hầu hết các loại thuốc diệt côn trùng đều chỉ nhắm vào một bộ phận cơ thể cụ thể, chẳng hạn như hệ thần kinh của chúng. Vì vậy, loài gián với bộ gen khổng lồ có thể bị đột biến tại khu vực chịu ảnh hưởng và hình thành nên các đặc điểm khiến nó ít nhạy cảm hơn với hóa chất diệt côn trùng.
Nhìn chung, việc tiêu diệt gián bằng hóa chất không những kém hiệu quả mà còn có khả năng gây hại đến sức khỏe con người. Tiếp xúc với một lượng lớn và lâu dài với những loại hóa chất này có thể gây đau đầu, chóng mặt, buồn nôn hoặc thậm chí là làm tăng nguy cơ ung thư ở người.
Các nhà khoa học cũng đang cố gắng tìm ra giải pháp mới hiệu quả và bền vững hơn để thay thế cho hóa chất diệt côn trùng.
Vào năm 2020, người ta đã thử nghiệm một dung dịch bao gồm tinh dầu chiết xuất từ thực vật kết hợp với hydrogel và nhận thấy rằng dung dịch này có tác dụng làm giảm khả năng sinh sản cũng như giảm tuổi thọ của gián Đức ít nhất là 34%.
Loại tinh dầu này có chứa hoạt chất Carvacrol – tìm thấy ở một số loài thực vật và thảo mộc, có vị hơi cay và ấm - được biết đến với khả năng giảm đau, trừ giun sán, kháng khuẩn, kháng nấm, chống viêm hay lợi tiểu.
Tuy nhiên, tinh dầu mặc dù có thành phần tự nhiên và ít độc hơn so với hóa chất diệt côn trùng, một phần nào đó nó vẫn có những tác động tiêu cực không thể tránh khỏi.
Vì vậy, cách tốt nhất để tránh chạm mặt với những sinh vật đáng sợ này là luôn giữ cho ngôi nhà của bạn sạch sẽ và khô thoáng, đặc biệt là ở những khu vực thường xuyên ẩm ướt như bếp hoặc phòng tắm.
Thêm vào đó, vì gián có xu hướng bị thu hút bởi mùi của thức ăn vật nuôi nên nếu có nuôi thú cưng trong nhà thì bạn nên bảo quản thức ăn cho chúng thật cẩn thận. Tốt nhất là nên có khu vực đựng thức ăn riêng biệt, kín đáo để tránh bị gián tấn công.