Linh Chi ·
2 năm trước
 13916

Góc nhìn của "Gen Z" về hoạt động bảo vệ môi trường

Môi trường sống của chúng ta đang dần ô nhiễm. Thế hệ trẻ đã và đang tiến hành bảo vệ môi trường bằng những hành động thiết thực, cụ thể. Tuy nhiên, các hoạt động này cũng tồn tại một số “mặt trái”.

Trong những năm gần đây, song song với sự phát triển của xã hội, môi trường sống đang bị ô nhiễm trầm trọng. Nhận thức được vấn đề này, các bạn trẻ “Gen Z” (nhóm đối tượng có năm sinh từ giữa thập niên 1990 đến những năm đầu thập niên 2010) đã tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. Nhiều tổ chức bảo vệ môi trường, các phong trào sống xanh, những xu hướng xanh đã được triển khai thực hiện.

Tại nước ta có hàng chục đơn vị đang hoạt động với mục tiêu lan tỏa lối sống xanh, lan rộng các kiến thức về bảo vệ môi trường, từ đó tạo nên những thay đổi tích cực trong cộng đồng. 

Gần gũi với thiên nhiên nhưng lại xa cách với xã hội?

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực mà các hoạt động bảo vệ môi trường mang lại cũng có một số “mặt trái”. Một số các bạn trẻ trong quá trình thực hiện các hoạt động này thường vô hình chung xây dựng rào cản giữa những cá nhân trong xã hội. Những cá nhân có các hành động không bảo vệ môi trường thường nhận được những ánh nhìn không mấy thiện cảm. Điều này có thể tạo nên nhiều ảnh hưởng tiêu cực, khiến tình cảm giữa người và người trở nên lạnh nhạt. Có phải chăng chúng ta gần gũi với thiên nhiên hơn nhưng lại dần xa cách những người xung quanh?

Góc nhìn của "Gen Z" về hoạt động bảo vệ môi trường - Ảnh 1
Chung tay bảo vệ môi trường Nguồn ảnh: Báo Giao thông Vận tải

Chia sẻ trong tọa đàm “Gen X - Y - Z bảo vệ môi trường như thế nào?” ngày 29/12/2021, ca sĩ Lê Cát Trọng Lý đã chia sẻ: “Bảo vệ môi trường chứ không tạo khoảng cách với người xung quanh. Bảo vệ môi trường là quá trình cùng nhau tạo nên những thay đổi tốt đẹp trong cuộc sống”.

Nếu như trong quá trình bảo vệ môi trường lại vô tình xuất hiện thêm các vấn đề kết nối xã hội sẽ tạo nên hiệu ứng dây chuyền. Nếu không có những bước đi đúng đắn, kịp thời, có thể trong tương lai vấn đề về mối quan hệ và tình cảm gắn kết cộng đồng sẽ trở nên nghiêm trọng. 

Bạn Dương Hoàn - một thành viên hoạt động lâu năm tại GreenLife (một tổ chức bảo vệ môi trường) chia sẻ thêm với Phóng viên Kinh tế Môi trường: “Cần thay đổi từ chính mình trước, sau đó dần lan tỏa đến mọi người. Ban đầu khi nhìn thấy những hành động phá hại môi trường mình cũng cảm thấy rất khó chịu, nhưng sau đó mình đã thay đổi góc nhìn và suy nghĩ tích cực hơn. Mình bắt đầu thay đổi từ những điều nhỏ trong cuộc sống của bản thân mỗi ngày và lan tỏa nó đến cộng đồng. Mình nghĩ rằng như vậy sẽ tạo nên hiệu ứng tốt hơn, giúp mọi người cùng nhau xây dựng lối sống xanh, cùng nhau bảo vệ môi trường”.

Tại sao giới trẻ cần quan tâm đến bảo vệ môi trường? 

Tại thời điểm này, bảo vệ môi trường trở thành một vấn đề cấp thiết và có những ảnh hưởng nghiêm trọng, trực tiếp đối với sự phát triển của xã hội. Không chỉ trong thời điểm hiện tại mà từ trước đây, môi trường đang dần trở nên ô nhiễm bởi những hoạt động của con người.

Tuy nhiên, qua từng thế hệ, kinh tế xã hội càng phát triển, môi trường càng trở nên ô nhiễm hơn. Đến thời gian gần đây, những biểu hiện của ô nhiễm môi trường đã trở nên rõ rệt ví dụ như những dòng sông đen, những lớp bụi mờ trong thành phố. Giới trẻ cần quan tâm, có những nhận thức kịp thời cũng như hành động để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. 

Góc nhìn của "Gen Z" về hoạt động bảo vệ môi trường - Ảnh 2
Giới trẻ cần chung tay bảo vệ môi trường xanh. Nguồn: Báo Phụ nữ

Chia sẻ trong tọa đàm này, anh Hoàng Đức Minh (Quản lý gây quỹ Momo đã có nhiều năm kinh nghiệm trong hoạt động môi trường) chia sẻ: Trong xã hội hiện đại, khi mà tiêu dùng nhanh phát triển lên đến đỉnh cao dẫn đến lượng rác thải nhựa thải ra môi trường ngày càng nhiều, môi trường ngày càng bị phá hủy trầm trọng. Những hộp đựng đồ ăn nhanh dùng một lần, dịch vụ giao đồ ăn nhanh trở nên bình thường quen thuộc trong cuộc sống. Giới trẻ có vẻ như đã có những nỗ lực trong hoạt động bảo vệ môi trường xong chưa triệt để. 

Giới trẻ thường lựa chọn lối sống thuận tiện với những sản phẩm nhanh, đồ dùng một lần,....Khác với các thế hệ trước vẫn giữ các thói quen sinh hoạt truyền thống, thân thiện hơn với môi trường như sử dụng làn đi chợ, tái sử dụng túi nilon... Hiện nay các phong trào về môi trường nhận được sự hưởng ứng cao nhưng chưa thực sự tạo nên những thay đổi trong thói quen sinh hoạt và nhận thức của mỗi người.

“Ngày nay, mỗi cá nhân đều có những ảnh hưởng lớn hơn đến cộng đồng. Với sự phát triển của mạng xã hội như facebook, tiktok, mỗi cá nhân đều có thể trở thành một người truyền cảm hứng và lan tỏa lối sống xanh đó đến cộng đồng và những người xung quanh. Mỗi cá nhân là một đốm sáng nhỏ tạo nên những tác động lớn, có ý nghĩa đến toàn bộ cộng đồng”, anh Hoàng Đức Minh chia sẻ.  

Ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, Trưởng nhóm Thanh niên Liên hợp quốc phát biểu tại Lễ kỷ niệm ngày quốc tế thanh niên (2020): “Những người trẻ hiện nay có vai trò đặc biệt trong các đối thoại toàn cầu về biến đổi khí hậu và các bạn đang thể hiện tiếng nói của mình theo những cách truyền cảm hứng nhất. Các tham vọng để có thể thực hiện một cách hiệu quả chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự tham gia có ý nghĩa của thanh niên. Thanh niên phải tham gia vào mọi bước để đảm bảo rằng tiếng nói và nguyện vọng của thanh niên được đưa vào quá trình xây dựng chiến lược giúp bảo vệ các thế hệ trong tương lai”.

Giới trẻ cần có sự nhìn nhận sâu hơn về bảo vệ môi trường

Bảo vệ môi trường là vấn đề cấp thiết hiện nay. Giới trẻ bắt đầu có nhiều hoạt động và xu hướng, hướng đến những mục đích xanh vì môi trường, tuy nhiên một số hoạt động chưa thực sự triệt để. Các sự kiện được tổ chức chỉ duy trì trong vòng 1 vài tháng và chưa có những kết quả hay ảnh hưởng đáng kể. Tại nơi sự kiện được tổ chức thậm chí còn để lại một lượng rác thải lớn và không được xử lý, thu gom. Gen Z bắt đầu hành động nhiều hơn và có nhiều phong trào tập trung bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, tác động của những hành động này đến môi trường chưa thực sự triệt để, ngược lại còn mang đến nhiều hệ lụy tiêu cực. 

Theo bạn Quang Thanh Thu (Cộng đồng Liên kết vì môi trường Vert Xanh) chia sẻ: Ví dụ như thời bắt đầu xuất hiện phong trào sử dụng ống hút tre, mọi người thường có xu hướng đi mua và sử dụng thay thế cho các sản phẩm nhựa hằng ngày nhằm bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, khi mất 1 chiếc ống hút tre, mọi người sẽ đi mua một bộ ống hút tre mới để thay thế vào chiếc đã mất (vì ống hút tre thường không bán lẻ - PV). Điều này vô hình chung tạo nên nhiều ảnh hưởng xấu tới môi trường. Gen Z bắt đầu có những nhận thức và hành động về môi trường, tuy nhiên chỉ mang tính bề mặt, chiều rộng. Các bạn cần tập trung phân tích và có những nhận thức sâu sắc hơn, đi sâu vào trong những giá trị thực chất. 

Để có thể thực sự thay đổi và tác động tích cực đến môi trường, giới trẻ nói chung và gen Z nói riêng cần có những góc nhìn sâu sắc hơn về chủ đề này cũng như những hoạt động bảo vệ môi trường mà cá nhân họ đang thực hiện. Liệu rằng những hoạt động đó có thực sự là bảo vệ môi trường hay không hay chỉ đang là một “xu hướng” mang tính “phong trào”? 

Giáo dục bảo vệ môi trường là cần thiết và quan trọng 

Hoạt động bảo vệ môi trường trong giới trẻ hiện nay thực sự phát triển nhưng chưa mang lại những hiệu quả rõ rệt, xuất phát từ nhận thức chưa sâu về vấn đề bảo vệ môi trường. Vì vậy, xuất hiện tình trạng một số bạn trẻ tham gia bảo vệ môi trường chỉ để “lấy thành tích” hoặc chỉ hùa theo các phong trào đang “hot” trong thời điểm đó. 

Giới trẻ ngày nay vẫn không thể thoát khỏi sự thuận tiện của cuộc sống hằng ngày từ bỏ thói quen sinh hoạt vốn có và thay đổi bằng những lối sống xanh hơn. Ví dụ như việc sử dụng túi nilon. Các bạn vẫn thường sử dụng túi nilon nhiều hơn thay vì mang túi theo hay tái chế, tái sử dụng chúng... Hơn thế nữa, vì chưa có những nhận thức rõ rệt về hoạt động xanh nên các “phong trào xanh” mà các bạn tham gia thường mang tính theo “xu hướng” chứ chưa có những thay đổi đáng kể, ngược lại còn tạo ra thêm nhiều ảnh hưởng xấu đến môi trường. 

Góc nhìn của "Gen Z" về hoạt động bảo vệ môi trường - Ảnh 3
Giáo dục bảo vệ môi trường là vô cùng cần thiết. Nguồn: Báo Lao động

Bảo vệ môi trường cần gắn liền với cuộc sống. Bên cạnh việc tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, cần tích cực ứng dụng các hoạt động đó trong đời sống hằng ngày, nhằm giảm thiểu lượng rác thải, hạn chế các tác động tiêu cực đến thiên nhiên. Để có thể tạo nên những thay đổi từ trong suy nghĩ của từng người, cần trú trọng phát triển các hoạt động bảo vệ môi trường và giáo dục bảo vệ môi trường trong trường học. Ngành Giáo dục và Đào tạo cũng đã có nhiều đề án, chương trình nhằm phát triển hoạt động này.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hồ Chí Minh: Giáo dục bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của ngành Giáo dục và Đào tạo. Học sinh các cấp học đều được tiếp xúc với các kiến thức cụ thể về bảo vệ môi trường lồng ghép trong từng môn học. Đồng thời, các em cũng được tham gia nhiều chương trình bổ ích vì môi trường xanh như phong trào “Nói không với rác thải nhựa”, chương trình “Trường học xanh”... Từ đó, giúp học sinh xây dựng lối sống thiết thực, thân thiện với môi trường, tạo nên những thay đổi cụ thể trong thói quen sống hằng ngày của các em. 

Thực trạng bảo vệ môi trường hiện nay

Trong cuộc sống hiện đại, các bạn trẻ đã có nhiều hành động thiết thực nhằm bảo vệ môi trường. Có thể kể đến như phong trào “bỏ phố về quê” hay thời trang tối giản, không lỗi thời giúp giảm thiểu lượng rác thải từ ngành công nghiệp may mặc. Không thể không kể đến một số tổ chức vì môi trường tiêu biểu như GreenID, GreenLife, WWF Vietnam,..... Các tổ chức này đã hoạt động trong suốt thời gian qua và có nhiều kết quả tích cực, lan truyền lối sống xanh đến mọi người. Ví dụ như trong 3 năm hoạt động, tổ chức GreenLife đã thu được 500 tấn rác được phân loại tại nhà, tổ chức 100 sự kiện “đổi rác lấy cây”, trao đi gần 200.000 phần quà và cây xanh, thu hút hơn 123.000 người quan tâm và theo dõi hoạt động, đồng hành cùng hơn 2 triệu người dân Việt Nam trong quá trình thu gom rác thải và thay đổi thói quen sống. 

Nguồn