Thông tin về kết quả thực hiện Quyết định 08 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, tính đến hết ngày 31/8 đã có hơn 3 triệu người lao động được nhận hỗ trợ tiền thuê nhà, đạt gần 87,2% kế hoạch (thống kê có khoảng 3,4 triệu lao động thuộc diện thụ hưởng của chính sách với kinh phí 6.600 tỷ đồng).
Gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đã kết thúc từ tháng 8 nhưng nhiều tỉnh chưa hoàn thành chi tiền cho người lao động, cá biệt có nơi giải ngân dưới 70%. (Ảnh minh họa)
Trong đó, tiền hỗ trợ thuê nhà đã đến với 359.867 lượt người lao động quay trở lại làm việc tại nhà máy, nhà xưởng với mức 1 triệu đồng/người/tháng (tối đa 3 tháng).
Báo cáo nêu rõ, có 39/60 tỉnh thành giải ngân 100% số hồ sơ đề nghị hỗ trợ gồm: Bắc Ninh, Bắc Giang, Tiền Giang, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Quảng Nam, Vĩnh Long, Cà Mau, Trà Vinh, Hòa Bình, Phú Thọ, Hậu Giang, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Sóc Trăng, Nam Định, Thừa Thiên Huế, Đồng Tháp, Bình Định, Hà Tĩnh, Thái Bình, Lâm Đồng, Lào Cai, Quảng Bình, Quảng Trị, Yên Bái, Lạng Sơn, Bình Thuận, Phú Yên, Đắk Lắk, Bạc Liêu, Kon Tum, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Hà Giang, Sơn La, Đắk Nông.
Tuy vậy, vẫn còn 5 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 70% là Đồng Nai, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hưng Yên.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã cử nhiều đoàn công tác đến TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương, Long An… để nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện hỗ trợ người lao động tiền thuê trọ.
Một số nguyên nhân được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ ra là có cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức, tinh thần trách nhiệm chưa cao, chưa quyết liệt trong việc triển khai chính sách. Việc thực hiện chính sách còn chậm song song với việc tuyên truyền chưa đầy đủ, kịp thời.
Báo cáo nêu rõ: "Nhiều cán bộ, công chức tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cấp huyện còn lúng túng, chưa nắm vững chuyên môn trong việc hướng dẫn doanh nghiệp, có tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ trách nhiệm trong việc triển khai chính sách".
Cùng với đó, việc bố trí, sử dụng kinh phí triển khai hỗ trợ chậm nên nhiều người lao động không kịp thời được hỗ trợ lúc khó khăn nhất.
Thủ tục đã được đơn giản hóa nhưng một số nơi, doanh nghiệp lại yêu cầu người lao động bổ sung hợp đồng thuê nhà, giấy đăng ký tạm trú… khiến thời gian thẩm định hồ sơ kéo dài.
Cùng với đó, người sử dụng lao động lập danh sách và gửi hồ sơ muộn do muốn gộp 3 tháng/lần; có trường hợp còn sợ bị thanh tra, kiểm tra, liên đới trách nhiệm nên chưa chủ động hướng dẫn công nhân lao động làm hồ sơ.
Trong khi đó một số người lao động e ngại khi lập đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà sẽ gặp khó khăn trong việc cư trú vì liên quan đến việc đăng ký tạm vắng, tạm trú.
Đặc biệt, các địa phương báo cáo số lượng lao động và dự kiến kinh phí hỗ trợ lên tới gần 6.600 tỷ đồng chưa sát thực tế, nên sau đó đề nghị giảm số lượng người hưởng chính sách. Ví dụ như An Giang (giảm 87 tỷ đồng, tương đương 91,9%); Kiên Giang (giảm 93 tỷ, tương đương 86,6%); Quảng Ninh (giảm 65 tỷ, tương đương 71,9%)…
Tại cuộc họp đôn đốc triển khai chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định 08 hôm 12/8, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng nhấn mạnh, do TP.HCM có số lượng doanh nghiệp và lao động rất lớn, với gần 1 triệu người thụ hưởng hỗ trợ thuê nhà với số tiền trên 1.700 tỷ đồng, tức là chiếm 1/3 cả số lượng đối tượng cả nước, nên thành phố có thể chậm một chút so với các địa phương khác, nhưng phải xong trong đầu tháng 9. |