Hồ Hằng ·
1 năm trước
 1395

Hạ giá nhưng bất động sản vẫn khó bán

Sau một thời gian giá bị đẩy lên quá cao, hiện nhà đất thổ cư đã hạ nhiệt, liên tục xuống giá chào khách nhưng vẫn khó bán.

Giảm giá vẫn khó thoát hàng

Giá bất động sản tăng quá cao khiến tính thanh khoản không còn. Điều này đang dẫn đến một thực tế là các khách hàng mua vào thì dễ, nhưng để bán ra được thì vô cùng khó khăn. Cùng với đó, sau một loạt chính sách kiểm soát, giá bất động sản (BĐS) trên thị trường đã chính thức hạ nhiệt.

Theo thông tin cho thấy, trên các trang mạng chuyên về BĐS hay các hội nhóm trên Facebook, Zalo và cả TikTok, người viết dễ dàng thấy hàng loạt thông tin rao vặt với tiêu đề rao bán, cắt lỗ nhà đất. Chẳng hạn, "chủ nhà cần tiền nên bán nhanh căn hộ 2 phòng ngủ, 2 nhà vệ sinh, giảm giá 500 triệu đồng so với giá gốc, từ 3,2 tỷ đồng giờ bán 2,7 tỷ đồng, bao thuế, phí…". Đi kèm với tin rao bán này là bảng giá gốc chủ đầu tư bán cho khách và hợp đồng.

Việc giảm giá bất động sản chưa hẳn là bán lỗ mà chỉ là hạ bớt kỳ vọng so với giai đoạn trước. (Ảnh minh họa)

Ở một thông tin khác cũng khiến người xem ngỡ ngàng: "Shophouse 2 mặt tiền, 3 tầng, trục chính xuyên tâm, đường 20 m, vỉa hè 8 m… giá chỉ hơn 7 tỷ đồng, ưu đãi đến 50% so với giá niêm yết 15,3 tỷ đồng khi thanh toán 95%... Ưu đãi cho 5 khách hàng đầu tiên nhanh chân".

Xu hướng giảm giá, cắt lỗ BĐS đã xuất hiện từ quý III/2022, đến nay chuyển thành làn sóng thật sự khi mức độ khó khăn của thị trường ngày càng tăng. Thống kê của Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho thấy tỷ lệ hấp thụ BĐS trong quý III chỉ đạt 33,5%, giảm mạnh so với đầu năm 2022 và giảm tới 50% so cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu là do dòng vốn trên thị trường đang gặp khó, lãi suất tăng khiến nhà đầu tư không xuống tiền. Một số dự án phải sử dụng chính sách bán hàng linh hoạt, chiết khấu, hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc, cam kết cho vay để kích thích nhu cầu của thị trường nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả.

Cắt lỗ để giảm thiểu rủi ro

TS. Lê Đạt Chí, Trưởng Bộ môn Đầu tư tài chính, Khoa Tài chính doanh nghiệp - Trường ĐH Kinh tế TP.HCM với góc độ chuyên gia kinh tế cho rằng, trong tất cả lĩnh vực đầu tư, dự phòng rủi ro và biết cắt lỗ là điều kiện quan trọng nhất. "Với BĐS, lâu nay người mua để ở hay đầu tư đều cho rằng đây là nơi cất tiền an toàn, không có rủi ro. Thực tế không hẳn như vậy, bởi khi cần thì vẫn phải cắt lỗ để giảm thiểu rủi ro" .

Hiện nay, nhà đầu tư BĐS sẽ không có cơ hội nhiều để đầu cơ, lướt sóng nữa vì thanh khoản của thị trường rất kém. Thay vào đó, nếu đã vay để đầu tư, nhà đầu tư cần xem xét nguồn thu nhập có bảo đảm thanh toán được lãi và vốn hằng tháng không; nếu không thì có thể cắt lỗ vì khả năng lãi suất chưa hạ nhiệt trong thời gian tới. Những người đang "canh" mua BĐS giảm giá để ở hoặc đầu tư trong giai đoạn này cũng nên cân nhắc kỹ, bởi khả năng giảm giá chưa dừng lại, lãi suất vẫn còn cao và việc vay vốn không dễ như trước, theo TS. Lê Đạt Chí.

Một số ý kiến khác cho rằng với những người có sẵn dòng tiền thì đây là thời điểm thuận lợi để tìm mua BĐS tốt với giá phù hợp, nhằm tích lũy dài hạn. Hiện tại, khu vực trung tâm các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM hầu như không còn nguồn cung BĐS. Vì thế, những vùng vệ tinh, lân cận có kết nối thuận tiện, giàu tiềm năng du lịch, cơ sở hạ tầng giao thông và dịch vụ tốt là lựa chọn phù hợp.

Chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty BĐS Việt An Hòa, nhìn nhận trong giai đoạn khó khăn của thị trường hiện nay, cá nhân hay doanh nghiệp có tiền mặt trong tay thì người đó là "vua". Vì vậy, việc nhà đầu tư cá nhân, doanh nghiệp hay chủ đầu tư lớn cần tiền đáo hạn trái phiếu đã chủ động bán rẻ, giảm giá, chiết khấu cao các sản phẩm của mình để bán được hàng, thu tiền về càng nhiều càng tốt là điều dễ hiểu. Thế nhưng, việc giảm giá chưa hẳn là bán lỗ mà chỉ là hạ bớt kỳ vọng so với giai đoạn trước. Đối với họ, lúc này bán được hàng mới là thượng sách, chứ lời ít hay nhiều không còn quan trọng.

Ông Quang nhấn mạnh: "Việc giảm giá BĐS ở các dự án, nhất là những dự án lớn, lúc này có thể làm thị trường xáo trộn. Người mua trước đó với giá cao sẽ không hài lòng nhưng để tăng thanh khoản cho doanh nghiệp thì đó là biện pháp tối ưu. Quan trọng là cũng từ đó, nhiều doanh nghiệp khác cũng phải hạ nhiệt theo".

Theo ông Trần Khánh Quang, khó khăn của thị trường BĐS có thể kéo dài tới quý III/2023, đến khi Chính phủ có giải pháp tháo gỡ những vướng mắc cụ thể. "Trong thời gian đó, doanh nghiệp nhỏ, thiếu vốn đành chịu đựng; còn doanh nghiệp có dự án có thể giảm biên lợi nhuận xuống để ra hàng, thu tiền mặt về mới mong tồn tại được. Nếu trước đây doanh nghiệp kỳ vọng biên lợi nhuận 35%-40% thì nay chỉ cần 15%-20% là may mắn lắm rồi".