Kim Chi ·
2 năm trước
 6035

Hà Giang: Rao bán mật gấu, cao hổ trên Facebook, một đối tượng bị xử phạt 70 triệu.

UBND tỉnh Hà Giang đã quyết định xử phạt bà Nguyễn Thị Thu Hà (sinh năm 1982, trú tại phường Minh Khai, thành phố Hà Giang) 70 triệu đồng sau khi bà này bị phát hiện quảng cáo, rao bán các sản phẩm động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm trên Facebook

Cụ thể, bà Nguyễn Thị Thu Hà bị xử phạt theo quy định tại Khoản 2 Điều 33 Nghị định 38/2021/NĐ-CP thuộc trường hợp quảng cáo “hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh” (các loại “hàng cấm” theo quy định hiện hành của pháp luật bao gồm các sản phẩm ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm).

Trước đó, từ tháng 04/2022,  nhận được tin báo từ người dân về việc bà Hà sử dụng tài khoản Facebook với tên “Dược liệu Hà My” để đăng tải hàng trăm bài viết quảng cáo bán ĐVHD. Các sản phẩm ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm như cao hổ, mật gấu, túi mật gấu liên tục được bà Hà quảng cáo là có tác dụng chữa nhiều loại bệnh thậm chí cả “phòng ngừa” hay “điều trị” ung thư.

Hình ảnh mật gấu, túi mật gấu đối tượng đăng tải lên trang Facebook để quảng cáo, rao bán trái phép

 

Các loài hổ, gấu đều là những loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm được bảo vệ ở cấp độ cao nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế. Các loài này được liệt kê trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 64/2019/NĐ-CP) và Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Theo đó, hành vi tàng trữ, buôn bán các sản phẩm như cao hổ, mật gấu hoàn toàn bị nghiêm cấm và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt lên đến 5 năm tù đối với cá nhân theo quy định tại Khoản 1 Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017. Ngay cả khi quảng cáo rao bán (dù là trên Internet), đối tượng vi phạm cũng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với cá nhân theo Điều 33 Nghị định 38/2021/NĐ-CP nêu trên.

Hiện nay, hoạt động quảng cáo, buôn bán các sản phẩm từ ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm như cao hổ, mật gấu vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, đẩy các loài ĐVHD này đến gần hơn với nguy cơ tuyệt chủng. Các đối tượng buôn bán thường tìm mọi cách để quảng cáo, “thần thánh hóa” tác dụng chữa bệnh của các sản phẩm từ ĐVHD. Tuy nhiên, trên thực tế, chưa có những căn cứ khoa học vững chắc cho thấy công dụng chữa bệnh của các loại “thần dược” có nguồn gốc từ ĐVHD. Một số tác dụng (nếu có) của các sản phẩm ĐVHD cũng hoàn toàn có thể được thay thế bằng các loại thảo dược được khai thác bền vững hoặc các phương thuốc hiện đại xây dựng trên cơ sở nghiên cứu khoa học.

Đáng tiếc, niềm tin vô căn cứ cùng nhu cầu sử dụng ĐVHD để chữa bệnh của một bộ phận người dân đang thúc đẩy, tiếp tay cho các hoạt động buôn bán, săn bắt, chế biến ĐVHD trái phép.