Ngọc Lan ·
1 năm trước
 6659

Hà Nội dự kiến tái khởi động giãn dân phố cổ

Đề án giãn dân phố cổ được Thành phố Hà Nội phê duyệt vào năm 2013 và dự kiến kết thúc vào năm 2020, tuy nhiên đến nay, Đề án này vẫn còn dang dở, chưa thể hoàn thành do nhiều vướng mắc khác nhau.

Đặc trưng của phố cổ Hà Nội là những con ngõ nhỏ chưa đầy 60cm sâu hun hút, chằng chịt dây diện… (ảnh: T/L).

Có vào tận trong cùng ngõ hẻm của phố cổ mới biết được cuộc sống của người dân nơi đây không như những gì chúng ta thấy qua sự ồn ào, náo nhiệt tại những cửa hàng “mặt tiền” trên phố, bên trong là cả một sự tối tăm, chật chội đến ngột ngạt của những con ngõ chưa đầy 60cm.

Đó là cảm nhận chung của những ai đã từng ghé qua khu phố cổ nằm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, khu vực nằm trong đề án giãn dân được Thành phố Hà Nội phê duyệt từ năm 2013.

Đề án giãn dân được Thành phố Hà Nội phê duyệt vào năm 2013, với mục tiêu đưa ra là giảm mật độ dân cư khu phố cổ từ 823 người/ha năm 2010 xuống còn 500 người/ha vào năm 2020, tương ứng phải di chuyển khoảng 6.550 hộ dân với khoảng 26.200 người dân.

Cụ thể, Đề án được thực hiện thành 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 bắt đầu từ quý IV/2013 và hoàn thành vào quý IV/2016 sẽ thực hiện di dời khoảng 1.153 hộ dân. Để thực hiện kế hoạch này năm 2015, UBND Thành phố Hà Nội chấp thuận cho quận Hoàn Kiếm triển khai xây dựng khu đô thị giãn dân phố cổ tại phường Việt Hưng, quận Long Biên.

Giai đoạn 2 dự kiến bố trí khoảng 30ha để di dời 5.020 hộ dân sau khi dự án giai đoạn 1 kết thúc. Việc thực hiện đề án giãn dân phố cổ dự kiến kết thúc vào năm 2020.

Tuy nhiên đến nay, Đề án này vẫn còn dang dở, chưa thể hoàn thành do nhiều nguyên nhân. Đáng chú ý, một trong số những nguyên nhân khiến kế hoạch giãn dân chậm trễ là do nhiều người dân chưa thật sự đồng thuận, vì đã quen với nếp sống, cũng như thuận tiện trong công việc làm ăn sinh sống hàng ngày.

Theo UBND quận Hoàn Kiếm, có 2 đối tượng cần giãn dân. Một là đối tượng bắt buộc, gồm những hộ dân đang sinh sống trong các di tích, trường học… và hai là đối tượng giãn dân tự nguyện (cư dân sống tại các nhà cũ xuống cấp, có diện tích dưới 5m2). Quy mô giãn dân phố cổ bao gồm 10 phường trong khu vực phố cổ.

Trong thời gian qua, bên cạnh triển khai việc giải phóng mặt bằng, tu bổ di tích, xây dựng các trường học, quận Hoàn Kiếm đã giải phóng được khoảng 300 hộ dân.

Quận Hoàn Kiếm hiện đã có tờ trình và Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội đang xin ý kiến các Sở, ngành liên quan, dự kiến trong tháng 6/2023 sẽ báo cáo lên UBND Thành phố. Sau khi thành phố xem xét chấp thuận, quận Hoàn Kiếm sẽ xây dựng lộ trình cụ thể để triển khai thực hiện Đề án.

Theo đó, Đề án được chia làm 2 dự án thành phần. Một là dự án đầu đi tức là giải phóng mặt bằng các hộ dân bắt buộc và tự nguyện. Hai là dự án đầu đến, là dự án sẽ xây dựng khu nhà ở giãn dân tại Khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội. Quận Hoàn Kiếm cũng đang đề xuất lên thành phố các cơ chế, chính sách để đảm báo giá mua nhà hợp lý và tính khả thi nhất trong thực hiện.

Đưa ra kiến nghị điều chỉnh một số nội dung mục tiêu, từ dự án giãn dân phố cổ trước đây thành mục tiêu mới, quận Hoàn Kiếm đề xuất giãn dân trên địa bàn quận, tức là quận bổ sung thêm đối tượng thực hiện giãn dân là những người dân sinh sống tại các khu chung cư cũ xuống cấp, các hộ nghèo hoặc mong muốn di chuyển sang khu vực giãn dân quận Long Biên.

Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội thông tin thêm, trước đây xác định Đề án giãn dân phố cổ bên khu Việt Hưng quận Long Biên là xây dựng nhà ở tái định cư. Tuy nhiên hiện nay, theo đề xuất của quận Hoàn Kiếm, Sở đề nghị được chuyển thành mô hình nhà ở xã hội để phục vụ cho di dân, giãn dân phố cổ. Các Sở chuyên ngành đánh giá nội dung này cơ bản phù hợp theo quy định hiện hành.

Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội cũng đã nhận được văn bản cuối cùng góp ý của các Sở, ngành. Trong tháng 6 này, Sở sẽ tổng hợp và báo cáo lại UBND Thành phố. Về cơ bản, các Sở, ngành đều đồng tình, ủng hộ với chủ trương tiếp tục triển khai Đề án giãn dân phố cổ.

Có thể thấy, việc giãn dân phố cổ không những giúp cho người dân nơi đây có cuộc sống tốt hơn, chỗ ở rộng rãi, khang trang hơn, mà quan trọng hơn là giúp bảo tồn di sản của Hà Nội.

Nhưng, để triển khai thực hiện Đề án đạt hiệu quả, các chuyên gia về quy hoạch đều cùng chung nhận định, cần phải thay đổi tư duy trong vấn đề giãn dân phố cổ bởi đây là khu vực có tính đặc thù cao và cần có các chính sách, phương án riêng biệt, đột phá.

Bên cạnh đó cũng nên điều chỉnh lại chính sách bồi thường, hoặc có một cơ chế hợp tác giữa người dân, chính quyền và doanh nghiệp để có thể chia sẻ lợi ích, khai thác giá trị khu phố cổ. Hoặc có thể có nhiều cách thức để giảm tải áp lực cho khu phố cổ hiện nay để hài hòa các lợi ích, như giãn dân tại chỗ hoặc di dời…