Thanh Tâm ·
1 năm trước
 3577

Hà Nội: Khẩn cấp xây dựng công trình khắc phục sạt lở đê điều

Thành phố yêu cầu phải có các biện pháp khẩn cấp áp dụng ngay để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai hoặc sự cố sạt lở gây ra.

UBND TP.Hà Nội vừa có các quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở một số vị trí đê tả Đuống, đê hữu Hồng, đê tả Cà Lồ và ban hành các lệnh khẩn cấp xây dựng công trình khắc phục các vị trí đang sạt lở.

Với các vị trí sạt lở theo quyết định, Thành phố yêu cầu phải có các biện pháp khẩn cấp áp dụng ngay để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai hoặc sự cố sạt lở gây ra.

Cùng với đó, duy trì thực hiện việc cảnh báo, lập chốt trực theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở, hạn chế người dân qua lại tại các khu vực xảy ra sạt lở, có biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản trong khu vực sạt lở. Trường hợp phát hiện tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đê điều cần báo cáo ngay về Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố.

Cụ thể, UBND Thành phố công bố tình huống khẩn cấp sạt lở mái hạ lưu đê tả Đuống tương ứng từ K1+050 đến K1+450, xã Xuân Canh, huyện Đông Anh. Theo đó, chiều dài sạt lở khoảng 400 mét, diễn biến rất phức tạp, làm sạt trượt 2 cung sạt trên mái đê với chiều dài 150m và 100m, điểm gần nhất cách mặt đê khoảng 2m, ảnh hưởng trực tiếp đến ổn định, an toàn của tuyến đê tả Đuống khu vực sạt lở.

Công bố tình huống khẩn cấp sạt lở một số vị trí đê tả Đuống, đê hữu Hồng, đê tả Cà Lồ. (Ảnh minh họa)

 

Bên cạnh đó, quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ tả sông Đuống tương ứng từ K12+540 đến K13+000 đê tả Đuống, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Theo đó, diễn biến sạt lở đang rất phức tạp, làm nứt đường dân sinh sát bờ sông và khu dân cư sinh sống tập trung, ảnh hưởng trực tiếp đến 35 hộ dân xã Dương Hà, huyện Gia Lâm đang sinh sống trong khu vực sạt lở.

Thành phố cũng ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ tả sông Đuống tương ứng từ K12+540 đến K13+000 đê tả Đuống, huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội. Theo đó, diễn biến sạt lở đang rất phức tạp, làm nứt đường dân sinh sát bờ sông và khu dân cư sinh sống tập trung, ảnh hưởng trực tiếp đến 35 hộ dân xã Dương Hà, huyện Gia Lâm đang sinh sống trong khu vực sạt lở.

Ngoài ra, Thành phố cũng công bố tình huống khẩn cấp sạt lở kè Xâm Thị tương ứng từ K86+389 đến K87+500 đê hữu Hồng, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín. Diễn biến sạt lở đang rất phức tạp, mái và đỉnh kè chưa được gia cố đã bị sạt lở ảnh hưởng đến khoảng 150 hộ dân gây lún nứt nhà dân, công trình phụ, tường bao, đường dân sinh… ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn về người và tài sản của nhân dân sinh sống trong khu vực sạt lở.

Thành phố cũng công bố tình huống khẩn cấp sạt lở kè Yên Phú tương ứng từ K4+200 đến K4+800 đê tả Cà Lồ, xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn. Theo công bố, diễn biến sạt lở đang rất phức tạp, phần chân kè nhiều đoạn trôi xuống sông. Tại vị trí K4+300 đê tả Cà Lồ đỉnh kè và mái kè bị sạt, chiều dài khoảng 20m, mái kè bị sạt khoảng 25m2. Do mái kè là mái đê, hiện trạng sạt lở, hư hỏng tuyến kè Yên Phú đã làm ảnh hưởng đến khả năng chống lũ của tuyến đê tả Cà Lồ.

Được biết, duy tu, bảo dưỡng là một trong những công việc quan trọng để bảo đảm an toàn hệ thống đê điều. Theo Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội), trên các tuyến sông: Hồng, Đuống, Cầu, Cà Lồ, đoạn thuộc các huyện: Thường Tín, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn đã phát sinh 10 sự cố sạt lở đê, kè, bờ sông, đe dọa an toàn hệ thống đê điều, làm hư hỏng nhiều công trình... Nguyên nhân là từ tháng 5/2022 đến nay, Hà Nội xuất hiện nhiều trận mưa lớn; hồ thủy điện Hòa Bình liên tiếp mở các đợt xả lũ; một số đoạn sông có dòng chủ lưu áp sát bờ... Bên cạnh đó, một số tuyến kè xây dựng đã lâu, chưa được cải tạo, sửa chữa; một số đoạn bờ sông chưa được đầu tư kinh phí xây dựng công trình kè bảo vệ...

Theo các chuyên gia, nguyên nhân xảy ra các sự cố đê điều, sạt lở bờ sông là do phần lớn tuyến đê của Hà Nội được hình thành từ lâu đời với nhiều lần tu bổ bằng phương pháp thủ công, vật liệu không đồng chất. Đặc biệt, gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã khiến lòng dẫn các sông: Hồng, Đà, Đuống... bị hạ thấp, dòng chủ lưu đổi hướng áp sát bờ sông, tuyến kè làm mất ổn định, gây ra tình trạng sạt, trượt bờ sông, mái kè...

Để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, an toàn công trình phòng, chống thiên tai, TP.Hà Nội đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng khắc phục những sự cố, sạt lở nghiêm trọng... Cụ thể, năm 2018, thành phố đã đầu tư hơn 293 tỷ đồng xây dựng công trình cấp bách khắc phục 18 sự cố; năm 2019, đầu tư gần 653 tỷ đồng khắc phục 41 sự cố và năm 2020 đầu tư gần 198 tỷ đồng khắc phục 9 sự cố... Đối với những sự cố, sạt lở xảy ra trong năm 2021, Sở NN&PTNT đang phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra, đề xuất UBND thành phố bố trí kinh phí xử lý.

Nguồn: Kinh tế Môi trường