TM ·
2 năm trước
 2603

Hà Nội: Xe quá khổ, quá tải tung hoành, gây bức xúc cho người dân

Những chiếc xe tải hạng nặng có dấu hiệu quá khổ, quá tải chạy rầm rập trên nhiều cung đường của TP. Hà Nội làm rơi vãi đất, cát, gây ô nhiễm môi trường, làm hư hại kết cấu hạ tầng giao thông đang là vấn đề nhức nhối khiến người dân bức xúc.

Phản ánh của nhiều người dân, trong tháng 3/2022, tình trạng xe có dấu hiệu quá tải trọng lưu thông trên Quốc lộ 1A cũ, đường gom cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, đường Phạn trọng Tuệ, đường Nguyễn Xiển... thuộc địa bàn Hà Nội vẫn diễn ra.

Cụ thể, theo ghi nhận của phóng viên trong nhiều ngày, quốc lộ 1A cũ đoạn qua địa bàn huyện Thường Tín, Thanh Trì đi trung tâm thành phố, thường xuyên xuất hiện các phương tiện có trọng tải lớn không che chắn vật liệu làm rơi vãi, gây bụi, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến người và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đường này cũng như cuộc sống người dân sinh sống hai bên tuyến đường trên...

Hà Nội: Xe quá khổ, quá tải tung hoành, gây bức xúc cho người dân - Ảnh 1
Xe tải có dấu hiệu quá khổ quá tải không được che chắn cẩn thận lưu thông trên quốc lộ 1A cũ, đoạn qua địa phận huyện Thanh Trì.

Tại tuyến đường vành đai 3 hướng từ cầu Thanh Trì đi vào trung tâm thành phố, qua bến xe Nước Ngầm có nhiều xe có dấu hiệu quá tải, quá khổ còn ngang nhiên di chuyển ngược chiều, tuy nhiên không vấp phải sự kiểm soát nào từ phía lực lượng chức năng.

Bám theo hành trình những chiếc xe tải này, phóng viên ghi nhận các xe này thường xuyên ra vào các bãi tập kết cát dưới chân cầu Thanh Trì để nhận hàng. Sau khi thùng xe được múc đầy cát, những chiếc xe này “lặc lè” cõng cát đến trạm trộn bê tông TRANSMECO thuộc công ty TNHH MTV Bê tông Transmeco nằm trên cạnh đường tàu dọc Quốc lộ 1A thuộc địa phận xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì.

Hà Nội: Xe quá khổ, quá tải tung hoành, gây bức xúc cho người dân - Ảnh 2
Sau khi lấy cát tại khu vực chân cầu Thanh Trì, chiếc xe này di chuyển thẳng vào Trạm trộn bê tông TRANSMECO trên địa phận tại xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì.

Mục sở thị, những chiếc xe này trước khi vào đổ cát cho trạm trộn bê tông TRANSMECO phải qua trạm cân của đơn vị này. Theo đó, phóng viên ghi lại con số trọng tải khi mỗi chiếc xe chở cát đứng vững trên bàn cân là hơn 64,4 tấn.

Tước đó, người dân xã Vĩnh Quỳnh cũng nhiều lần phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường phát sinh từ quá trình sản xuất, vận chuyển vật liệu, hàng hóa của Công ty TNHH MTV Bê tông Transmeco (gọi tắt là Transmeco).

Theo người dân địa phương thì việc xả thải của Transmeco diễn ra gần chục năm nay, nhất là bụi và nước thải đã ảnh hưởng đến cuộc sống nhân dân. Transmeco chủ yếu sản xuất ban đêm, tiếng ồn từ các trạm trộn và ô tô ra vào khiến người dân thường xuyên mất ngủ. Người dân đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương yêu cầu Transmeco có biện pháp xử lý nước thải, chất thải trước khi xả ra môi trường, nhưng đến nay tình trạng đó vẫn không có gì thay đổi.

Hà Nội: Xe quá khổ, quá tải tung hoành, gây bức xúc cho người dân - Ảnh 3
Theo ghi nhận của phóng viên, một xe tải có tổng tải trọng hơn 64,4 tấn.

Trả lời báo chí, bà Nguyễn Thị Thu Hồng – Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quỳnh, cho biết: Nhiều năm nay xã đã nhận được phản ánh của người dân về vấn đề này, nhưng mới chỉ có tiếng ồn và bụi được Transmeco khắc phục; còn việc xả thải chưa được khắc phục triệt để. Hiện nay, nước thải của Transmeco vẫn được xả ra mương của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam chạy dọc đường nhánh 70B.

Tương tự, tại đường Nguyễn Xiển, đường Thanh Liệt (quận Thanh Xuân) cũng xuất hiện tình trạng xe tải hạng nặng hoạt động. Ghi nhận của phóng viên, những chiếc xe chở cát cung cấp cát cho trạm trộn bê tông có tên Việt Xô (nằm trên đường Thanh Liệt) và Việt Tiệp (nằm cạnh đường Nguyễn Xiển).

Xe quá khổ quá tải lưu hành trên tuyến quốc lộ 1A cũ đoạn qua địa phận các huyện Thanh Trì, Thường Tín gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến người phượng tiện tham gia giao thông.

Không chỉ có xe tải, những chiếc xe chở bê tông có dấu hiệu quá tải hoạt động vào những giờ cấm. Đơn cử, sau nhiều ngày có mặt tại trạm trộn bê tông có tên là Việt Xô (nằm trên đường Thanh Liệt), chúng tôi ghi nhận nhiều chiếc xe bồn chở bê tông di chuyển trên nhiều cung đường trong giờ cấm và vào các giờ cao điểm.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường về tình trạng xe ben quá khổ quá tải chở cát từ chân cầu Thanh Trì về trạm bê tông Transmeco, Trung tá Nguyễn Anh Tuấn - Đội phó Đội CSGT số 14, Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, Công an TP.Hà Nội cho biết đã nắm được về tình trạng trên, tuy nhiên để  

Trước thực trang xe tải hạng nặng có dấu hiệu cơi nới thành thùng, chở quá tải chen chắn sơ sài để vật liệu rơi vãi gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông, nguy cơ xảy ra tai nạn, xe chở bê tông hoạt động vào giờ cao điểm khiến người dân bức xúc, kính đề nghị các cơ quan chức năng CSGT, TTGT và cơ quan chức năng TP. Hà Nội vào cuộc xử lý nghiêm theo đúng quy định.

Liên quan đến tình trạng xe quá khổ, quá tải, mới đây cục Đường bộ VN vừa yêu cầu các Sở GTVT, các Cục Quản lý đường bộ chỉ đạo các lực lượng Thanh tra giao thông sử dụng thiết bị ghi hình để ghi lại hình ảnh.

Hà Nội: Xe quá khổ, quá tải tung hoành, gây bức xúc cho người dân - Ảnh 4
Xe quá khổ quá tải thường xuyên lưu thông trên các tuyến đường thuộc địa phận huyện Thanh Trì.

Hình ảnh ghi được sẽ làm căn cứ xác định vi phạm hành chính theo quy định tại Thông tư số 06/2017 của Bộ GTVT và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại các Nghị định 100/2019 và Nghị định số 123/2021 của Chính phủ.

Theo đó, Cục CSGT chỉ đạo lực lượng CSGT thuộc Cục và CSGT các đơn vị, địa phương huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị nghiệp vụ, xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm theo chuyên đề chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo phương tiện trên đường bộ.

Cục CSGT cũng yêu cầu đối với các phương tiện vi phạm kích thước thùng xe, tự ý cải tạo phương tiện khi xử lý sẽ sử dụng phương tiện kỹ thuật kết hợp camera ghi lại hình ảnh các phương tiện vi phạm. Đồng thời, lập danh sách gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam để cảnh báo, yêu cầu khôi phục như trước khi kiểm định.

Theo GS. Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch hội Môi trường thiên nhiên, ô nhiễm không khí rất nghiêm trọng với sức khỏe, "nguy hiểm nhất là bụi mịn PM2.5, bụi này siêu nhỏ, có thể đi sâu vào trong cơ thể và gây ra nhiều bệnh tật, kể cả ung thư". Nguồn gây ô nhiễm không khí khoảng 40% từ hoạt động giao thông, 16% từ hoạt động xây dựng. Hoạt động giao thông làm phát sinh bụi mịn PM2.5, còn xây dựng gây ra bụi có kích cỡ lớn hơn là PM10 nhưng khi rơi xuống đường phố, xe cộ chạy qua lại cũng làm bào mòn bụi PM10 thành mụi mịn. 

Cũng theo GS. Phạm Ngọc Đăng thì ‘thủ phạm’ gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội chỉ hai nguồn chính, bụi từ giao thông và xây dựng.. Diệt được hai nguồn bụi này, không khí ở Hà Nội sẽ trong sạch", ông Đăng khẳng định, và cho rằng cần thực hiện đồng bộ 10 giải pháp, nhưng những phải giái đầu tiên là phải kiểm soát chặt nguồn bụi từ giao thông, xây dựng.

Trong khi đó, theo PGS. TS. Nghiêm Trung Dũng, Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, có một nghiên cứu trong khoảng 10 năm về ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã chỉ ra rằng, 40% bụi mịn PM2.5 ở Hà Nội trong giai đoạn 2001-2008 là đến từ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. 

Hà Nam - Xuân Hòa

Nguồn: Kinh tế Môi trường