Những năm qua, công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm triển khai. Đối với khu vực đô thị, tỷ lệ thu gom, vận chuyển tại thành phố Hải Dương đạt khoảng 95%, còn ở các khu vực đô thị khác tỷ lệ thu gom, vận chuyển đạt khoảng 80% - 85%; khu vực nông thôn, tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải đạt khoảng 78,7%, còn lại do các hộ gia đình tự thu gom.
Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Hải Dương cho biết, thống kê sơ bộ cho thấy trong năm 2021 tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh hiện khoảng 1.071,7 tấn/ngày, đêm. Trong đó, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh khoảng 419 tấn/ngày, đêm (152.935 tấn/năm); lượng chất thải rắn sinh hoạt ở khu vực nông thôn khoảng 652,7 tấn/ngày, đêm (238.236 tấn/năm).
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có khoảng 1.941.660 tấn chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh của 405 cơ sở (có khối lượng chất thải phát sinh lớn). Hiện nay, toàn tỉnh có 10 khu công nghiệp (KCN) đã được thành lập, thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng và đang đi vào hoạt động khai thác, vận hành. Tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt trên 81% trên diện tích đất công nghiệp được bàn giao. Đến tháng 6/2021, toàn tỉnh có 50 cụm công nghiệp (CCN) được thành lập.
Thông tin từ Sở TN&MT tỉnh Hải Dương cho biết, sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án Thu gom, xử lý chất thải rắn(CTR) sinh hoạt ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở khu vực nông thôn đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ. Năm 2019 tỷ lệ thu gom, xử lý CTR sinh hoạt ở khu vực nông thôn đã đạt 85,62% (năm 2016 tỷ lệ mới đạt 58,08%).
Tại khu vực đô thị, chất thải rắn sinh hoạt được thực hiện bởi 42 tổ thu gom, 7 Hợp tác xã, 5 Công ty. Đến nay, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt của thành phố Hải Dương đạt 95%, thành phố Chí Linh đạt 90%, các khu vực đô thị còn lại đạt khoảng 85%. Khu vực nông thôn, các xã đã thành lập các tổ, đội thu gom chất thải rắn sinh hoạt cho từng thôn dân cư với trên 1.000 đơn vị thực hiện thu gom, vận chuyển. Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt khu vực nông thôn đạt khoảng 85%.
Hiện nay việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt áp dụng theo hai phương pháp: Đốt tiêu hủy tại các nhà máy và chôn lấp tại các bãi chôn lấp theo quy hoạch của UBND cấp huyện và cấp xã. Theo đó, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 756 bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt đang hoạt động theo quy hoạch của UBND cấp huyện và cấp xã.
Tỉnh đã đưa vào vận hành 3 nhà máy xử lý CTR sinh hoạt với tổng công suất 498 tấn/ngày đêm, hỗ trợ 166 xã xây dựng 201 bãi chôn lấp CTR hợp vệ sinh với kinh phí trung bình là 500 triệu đồng/xã), hỗ trợ 40 xã và 3 thị trấn kinh phí để vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt tại các nhà máy với khối lượng khoảng 120 tấn/ngày.
Theo dự báo đến năm 2025, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát trên trên địa bàn tỉnh là 1.387 tấn/ngày, đến năm 2030 là 1.754 tấn/ngày. Công suất thiết kế của 3 nhà máy hiện có là 498 tấn/ngày. Nếu các nhà máy hiện tại không cải tạo công nghệ, đầu tư mở rộng công suất xử lý thì Dự án đầu tư mới có nhu cầu công suất thiết kế là 1.500 tấn/ngày đêm, trong đó phân kỳ đầu tư: công suất giai đoạn 2025 - 2030 là 1.000 tấn/ngày đêm; giai đoạn sau 2030 đáp ứng đủ công suất 1.500 tấn/ngày đêm.
Với mục tiêu tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp thông thường được thu gom và xử lý bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường đạt 90% năm 2025, 100% năm 2030, tỉnh Hải Dương đã xây dựng Đề án Xử lý chất thải rắn giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030.
Trong đó, giai đoạn 2022-2023, đề án xác định cần tối thiểu 2 năm để tiến hành thực hiện mô hình thí điểm, trong quá trình thực hiện có thể có phát sinh nhiều vấn đề cần điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế tại từng địa phương. Sau khi thực hiện thí điểm, cần có đánh giá và đưa ra các giải pháp cụ thể để thực hiện cho những năm tiếp theo.
Thực hiện mô hình thí điểm phân loại chất thải rắn tại nguồn áp dụng trên địa bàn 22 xã (mỗi huyện, thị xã, thành phố thí điểm tại 2 xã trừ TP.Hải Dương). Năm 2023 tổ chức đánh giá, tổng kết kết quả thực hiện mô hình thí điểm để rút kinh nghiệm và điều chỉnh cho giai đoạn 2024 - 2025 phù hợp với tình hình thực tiễn.
Hiện nay, UBND tỉnh Hải Dương đang đẩy mạnh công tác chỉ đạo các sở, ngành, địa phương xây dựng đồng bộ hệ thống quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp thông thường trên địa bàn tỉnh nhằm kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường. Ưu tiên lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn tiên tiến, thân thiện môi trường phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Hoàn thiện các quy định, chính sách về quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
Năm 2021, toàn huyện Nam Sách có 15 bãi chứa rác thải tập trung của các xã, thị trấn và 53 bãi chứa rác thải của các thôn, khu dân cư. Tuy nhiên, các bãi này đã lấp đầy trên 70%, phương pháp xử lý thủ công gây ô nhiễm môi trường và không còn phù hợp. Trên cơ sở đó, Nam Sách đã ban hành Nghị quyết về thực hiện phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về phân loại rác tại nguồn, giao các tổ chức đoàn thể đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà để vận động, hướng dẫn người dân phân loại rác. Huyện đã phát 40.000 cuốn sổ tay hướng dẫn phân loại rác cho các hộ gia đình, trường học trên địa bàn… Nhờ đó, đến nay, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại Nam Sách bước đầu đi vào nề nếp, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Cơ bản các hộ gia đình đều chuẩn bị 2 thùng chứa rác vô cơ và hữu cơ. Nhiều gia đình tự thực hiện ủ rác hữu cơ tại vườn nhà. Toàn huyện đã xây dựng 22 điểm trung chuyển rác vô cơ, 46 vị trí ủ rác hữu cơ, trong đó, 11 vị trí ủ rác hữu cơ tập trung toàn xã, thị trấn, 35 vị trí ủ ở các thôn, khu dân cư. Ngoài ra, 53 bãi chứa rác thải của các thôn, khu dân cư đã được đóng cửa, san lấp trồng cây xanh. Tại huyện Tứ Kỳ, để nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý chất thải rắn, huyện đã xây dựng Đề án số 05- ĐA/HU về Xử lý chất thải sinh hoạt, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn giai đoạn 2021-2025. Công tác thu gom, vận chuyển rác thải ngày càng đạt hiệu quả cao, phần lớn các bãi chôn lấp rác thải đã được quan tâm cải tạo, nâng cấp đảm bảo vệ sinh môi trường và cảnh quan. Rác thải tại thị trấn Tứ Kỳ đã được chuyển về nhà máy xử lý tập trung của tỉnh. Tại xã Quang Khải đã xây dựng điểm 39 hộ phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, với mục tiêu đến hết năm 2022 có 100% hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại rác tại nguồn. |