Dương Tưởng ·
3 năm trước
 1174

Hải Dương: Khu dân cư trăm tỉ dùng bùn thải để san lấp mặt bằng gây ô nhiễm?

Mặc dù chưa hoàn thiện các thủ tục theo quy định nhưng Công ty TNHH Minh Hiệp lại đang tận dụng bùn thải, vật liệu thải xây dựng để tiến hành san lấp Dự án Khu dân cư mới Đồng Khê tại huyện Nam Sách. Việc này có vi phạm các quy định pháp luật về môi trường, xây dựng?

Dùng bùn thải, vật liệu thải xây dựng san lấp dự án

Vừa qua, phóng viên nhận được thông tin của người dân sống tại thôn Nam Khê (xã Hồng Phong, huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương) về việc Công ty TNHH Minh Hiệp sử dụng bùn thải để tiến hành san lấp Dự án Khu dân cư mới Đồng Khê, trong quá trình thi công gây ô nhiễm môi trường và không tuân thủ các quy định pháp luật về môi trường, xây dựng.

Theo phản ánh, bên cạnh Dự án Khu dân cư Đồng Khê đang tiến hành nạo vét kênh mương làm bờ kè để phục vụ dự án, trong quá trình nạo vét làm bờ kè, nhà đầu tư là Công ty TNHH Minh Hiệp đã tận dụng bùn thải để tiến hành san lấp vào dự án.

Từ thông tin trên, PV đã có mặt ghi nhận hình ảnh máy móc, phương tiện và hàng chục công nhân đang hối hả tiến hành thi công nhiều hạng mục trong dự án như san lấp mặt bằng, nạo, vét kênh mương...

Tại đây, theo quan sát của PV, Dự án Khu dân cư mới Đồng Khê được tập kết rất nhiều máy múc, xe tải cỡ lớn, máy san gạt lu lèn đang gấp rút tiến hành xây dựng một số hạng mục công trình như: san lấp mặt bằng, nạo vét kênh mương xây bờ kè.

Trong quá trình nạo vét kênh mương để xây dựng bờ kè, đơn vị thi công đã tận dụng lượng bùn thải, vật liệu thải xây dựng được nạo vét từ kênh mương để san lấp mặt bằng cho Dự án Khu dân cư mới Đồng Khê.

Dùng bùn thải, vật liệu thải xây dựng san lấp dự án

Trao đổi với PV, một số người dân tại đây cho biết: Dự án được triển khai thi công từ khoảng giữa tháng 3/2021. Dự án triển khai thi công khá nhanh, đất từ đâu họ chở đến cứ nườm nượp đổ thẳng vào ruộng lúa. Đặc biệt, khi họ triển khai nạo vét kênh mương thì lấy hết phần bùn thải đổ vào san lấp cả dự án này.

Được biết, ngày 22/10/2020, UBND tỉnh hải Dương có Quyết định số 3188/QĐ-UBND về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Khu dân cư mới Đồng Khê, thôn Nam Khê, xã Hồng Phong, huyện Nam Sách.

Dự án có diện tích đất thực hiện là 88.028,0 m2 với tổng mức đầu tư hơn 165 tỉ đồng.

Hối hả thi công khi chưa đủ thủ tục pháp lý?

Trước đó, chia sẻ với PV, ông Nguyễn Văn Quý, Giám đốc Công ty TNHH Minh Hiệp thừa nhận việc múc đất từ kênh mương lên đổ vào dự án là có.

“Đất múc từ sông đó, đất đẹp thì đổ ra và tập kết tại những chỗ trồng cây xanh, đất nào xấu thì tập kết gần đấy để tận dụng lấp lại những chỗ xây kè đó. Còn việc san, gạt là tạo mặt bằng để chứa được nhiều hơn. Trong thiết kế thì nội dung không có dùng đất như thế. Đây là lọc đất đẹp ra, nó có ít mà...”, ông Quý nói.

Sau khi được ông Quý giải thích về việc dùng bùn thải để san lấp dự án, PV có đề cập hỏi thêm về giấy tờ thủ tục và hồ sơ pháp lý của dự án đã được hoàn thiện hay chưa?

Ông Quý cho biết, bên đơn vị triển khai thi công dự án vào giữa tháng 3, hiện tại còn khoảng hơn 1.000 m2 của 3 hộ dân nữa là chưa đền bù vì họ không có ở nhà. Dự án đã được UBND tỉnh Hải Dương và Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Hải Dương bàn giao đất rồi. Bây giờ chỉ đợi mỗi giấy phép xây dựng nữa là đầy đủ, chắc cũng sắp có rồi.

Tuy nhiên theo tìm hiểu của PV, đơn vị này đã triển khai thi công một số hạng  mục của dự án khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Mới đây, dự án đã bị lập biên bản và xử phạt liên quan đến hoạt động xây dựng khi chưa có giấy phép này.

Theo đó, ngày 15/4/2021, Sở Xây dựng tỉnh Hải Dương đã ra quyết định xử phạt số 04/QĐ-XPVPHC đối với Công ty TNHH Minh Hiệp về việc tự ý xây dựng khi chưa được cấp phép với mức phạt là 50 triệu đồng.

Cụ thể, chủ đầu tư vi phạm quy định về trật tự xây dựng gồm: Tổ chức thi công công trình Hạ tầng kỹ thuật thuộc dự án đầu tư xây dựng Khu dân cư mới Đồng Khê, thôn Nam Khê, xã Hồng Phong, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng (gồm các hạng mục công trình: Kè bê tông kênh Chu Đậu, đường giao thông tuyến T1, T2, T5).

Quy định tại Điểm C, Khoản 5, Điều 15 của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, ông Nguyễn Văn Quý là đại diện tổ chức vi phạm phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng. Hết thời hạn này, ông Nguyễn Văn Quý không xuất trình được giấy phép xây dựng thì áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm theo quy định.

Sau khi được cấp giấy phép xây dựng, tổ chức vi phạm phải tháo dỡ công trình, phần công trình không phù hợp với giấy phép xây dựng được cấp thì mới được tiếp tục thi công xây dựng.

Việc một dự án có quy mô lớn, rầm rộ thi công mà chưa đầy đủ pháp lý thì vai trò quản lý của lãnh đạo UBND huyện Nam Sách, Sở Tài nguyên & Môi trường, UBND tỉnh Hải Dương ở đâu? Đặc biệt đơn vị thi công đã tận dụng bùn thải, vật liệu thải xây dựng để tiến hành san lấp điều này có đúng với hồ sơ thiết kế được phê duyệt hay không?

Một lãnh đạo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C05), Bộ Công an cho rằng, tình trạng chở bùn, đất thải đi xử lý nhưng thực tế tập kết trái phép, rửa lấy cát gây ô nhiễm môi trường là hành vi sai quy định. Công an địa phương cần phải kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, không nên để tình trạng này xảy ra trên địa bàn, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, cần xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để răn đe.