Theo báo cáo mới của Liên hợp quốc, nạn buôn bán động vật hoang dã đã giảm mạnh trong thời kỳ đại dịch Covid-19, tuy nhiên với tình hình dịch bệnh đang được dần kiểm soát và các biên giới được nới lỏng sẽ tạo điều kiện cho những kẻ buôn lậu quay trở lại buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã.
Các nhà chức trách tại Đông Nam Á cần phải hành động nhanh chóng đưa ra một số giải pháp để ngăn chặn, giảm thiểu các hoạt động hủy hoại môi trường tự nhiên và nguy cơ bùng phát dịch trong tương lai.
Mạng lưới của những kẻ buôn bán động vật hoang dã đã bị gián đoạn, đứt gãy khi tất cả các nước đóng cửa biên giới và thắt chặt giám sát do đại dịch Covid-19 bùng phát vào năm ngoái.
Buôn bán trái phép động vật hoang dã ở Đông Nam Á đang quay trở lại do nới lỏng biên giới ở các quốc gia. (Ảnh: Reuters)
Nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 vẫn chưa được xác định chính xác. Đại dịch Covid-19 xuất hiện lần đầu tiên tại Vũ Hán, Trung Quốc, nơi có nhiều chợ bán động vật hoang dã bất hợp pháp. Và hiện nay, nhu cầu đối với các sản phẩm từ động vật hoang dã như vảy tê tê, mật gấu, sừng tê giác cũng đột ngột giảm xuống, khi mọi người đã nhận thức được rõ hơn về các bệnh lây truyền từ động vật.
Tuy nhiên, những thay đổi này chỉ là tạm thời và các quốc gia Đông Nam Á có thể sẽ chứng kiến sự gia tăng lâu dài về nạn buôn bán động vật hoang dã, Văn phòng Liên hợp quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC) cảnh báo các cơ quan thực thi pháp luật trong khu vực.
Đông Nam Á là một trong những khu vực có nhiều loài sinh vật nhất thế giới và từ lâu đã trở thành điểm nóng về buôn bán động vật hoang dã. Tê giác bị giết để lấy sừng, cá sấu được nuôi để lấy da, rái cá và các loài chim bị bắt làm vật nuôi, gỗ hồng mộc bị khai thác trái phép, đây là những loài thường xuyên được trao đổi mua bán.
Tê tê là loài động vật bị buôn bán nhiều nhất và giờ đang có nguy cơ tuyệt chủng
Dịch bệnh đang dần được kiểm soát ở nhiều quốc gia, các vụ mua, bán động vật và các sản phẩm từ động vật bất hợp pháp đã bắt đầu tăng lên, do đó cần duy trì các cuộc kiểm tra biên giới giữa các nước phải nghiêm ngặt hơn, tình trạng này cũng xảy ra ở cả Việt Nam.
Theo nghiên cứu từ các tổ chức bảo vệ ĐVHD quốc tế, Việt Nam là điểm đến số 1 thế giới của các loại sừng tê giác, các bộ phận của hổ, ngà voi, vẩy tê tê. Sau khi dịch bệnh dã được kiểm soát ở nhiều tỉnh thành, nạn săn bắt, mua bán động vật hoang dã lại trở nên phức tạp.
Việt Nam được coi là quốc gia quan trọng trung chuyển cho đường dây buôn bán trái phép ngà voi, sừng tê giác và các sản phẩm ĐVHD khác từ châu Phi sang các nước Đông Nam Á và Trung Quốc. Do thông thương thuận tiện, kết nối đường xuyên Á thuận lợi, nên các tổ chức tội phạm dễ dàng trung chuyển từ Nam Phi, Congo, Kenya bằng đường biển, đường bộ và đường hàng không đến Singapore, Malaysia và Việt Nam, cụ thể là Đà Nẵng và Hải Phòng.
Trên cơ sở nghiên cứu và thực tiễn, thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách, quản lý về bảo vệ và phát triển rừng. Theo đó, hệ thống pháp luật sẽ được sửa đổi để khắc phục sự chồng chéo, bảo đảm tính đồng bộ quy phạm pháp luật nhằm tăng tính phòng ngừa, răn đe tội phạm vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ ĐVHD, quý hiếm.
Đồng thời, các lực lượng chức năng như Hải quan, Kiểm lâm, Biên phòng sẽ tăng cường trao đổi thông tin về tình hình tội phạm, phương thức, thủ đoạn các đối tượng; xây dựng kế hoạch liên ngành về tuần tra, kiểm soát…
Bên cạnh đó, cơ quan chuyên môn sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, nhất là đối với vùng đồng bào DTTS sống trong khu vực có rừng về ý nghĩa và trách nhiệm trong việc bảo tồn thiên nhiên và ĐVHD. Đồng thời, tuyên truyền người dân sống ở khu vực biên giới, đường mòn, lối mở không tham gia vận chuyển trái phép ĐVHD. Ngoài ra, cơ quan chuyên môn cũng cần tuyên truyền cho người trẻ trong xã hội từ bỏ thói quen sử dụng sản phẩm ĐVHD; nâng cao nhận thức người dân trong việc tố giác tội phạm…