Hạn mức tín dụng khách hàng được cấp bởi ngân hàng bị lộ bằng cách nào?
Được biết, khách hàng liên tục nhận được nhiều cuộc gọi khi chưa đầy 24 giờ nhận thẻ tín dụng do một ngân hàng trong nước phát hành, đầu dây bên kia tự xưng là nhân viên trung tâm hỗ trợ thẻ của chính nhà băng đó mời chào rút tiền mặt từ thẻ để chi tiêu.
Đã được nhân viên ngân hàng tư vấn rằng có thể khách hàng sẽ nhận được những cuộc gọi lừa đảo, khách hàng cũng chuẩn bị tâm lí trước, thế nhưng điều bất ngờ ở đây là những người đó biết chính xác khách hàng mở thẻ ở đâu, hạn mức tín dụng được cấp.
Không những thế, khách hàng bị gọi liên tục với cùng một nội dung. Những đối tượng đó gọi điện mời chào khách hàng từ sáng đến tối, kể cả ngày cuối tuần, dù có chặn số điện thoại đó thì một số khác sẽ lại gọi tới và mời chào với nội dung tương tự.
Sau hơn hai tháng, khách hàng vẫn nhận được các cuộc gọi mời rút tiền từ thẻ tín dụng
Được biết, gần đây tần xuất suất hiện của chiêu thức lừa đảo này khá nhiều, mặc dù cách lừa đảo này không phải là mới.
Theo một kỹ sư an ninh mạng, trong trường hợp trên về lý thuyết có 3 khả năng dẫn đến việc thông tin thẻ của người dùng ngân hàng bị lộ gồm:
Thứ nhất, trong quá trình sử dụng, người sử dụng không bảo mật tốt thông tin thẻ của mình nên bị lộ thông tin. Tuy nhiên, trường hợp này mang tính đơn lẻ, cá nhân.
Thứ hai, trong quá trình giao tiếp giữa người dùng và ngân hàng đã bị hacker "nghe lén". Có thể khi người dùng gửi thông tin, nhận thông báo từ ngân hàng qua tin nhắn, email, điền biểu mẫu, hacker đã tấn công vào các giao thức này để thu thập thông tin.
Cuối cùng, dữ liệu bị lộ bởi chính ngân hàng. Có thể lỗi không phải nằm ở phía hệ thống của ngân hàng mà hacker xâm nhập vào bên thứ ba là đối tác của ngân hàng như các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lưu trữ dữ liệu, doanh nghiệp hợp tác phát triển sản phẩm với ngân hàng.
Lời cảnh báo đến từ ngân hàng
Thời gian qua, nhiều ngân hàng như: Sacombank, MSB, TPBank, VPBank, VIB đã đưa ra cảnh báo với khách hàng về việc các đối tượng lừa đảo mạo danh nhân viên ngân hàng để gọi điện thoại, nhắn tin mời chào sử dụng dịch vụ trả góp qua thẻ tín dụng hoặc rút tiền mặt, đáo hạn hàng tháng từ thẻ tín dụng với lãi suất thấp.
Nhiều nhà băng đã khuyến cáo, các đối tượng lừa đảo thường sẽ yêu cầu gửi ảnh giấy tờ tùy thân, cung cấp thông tin của thẻ tín dụng bao gồm số thẻ, mã CVV hoặc hình ảnh hai mặt của thẻ sau khi khách hàng đồng ý sử dụng dịch vụ. Đối tượng lừa đảo sẽ thực hiện một giao dịch trực tuyến dựa trên thông tin mà khách hàng cung cấp và khách hàng có thể sẽ nhận được mã OTP cho giao dịch mà đối tượng đang thực hiện.
Tiếp đó, khách hàng sẽ bị đối tượng lừa đảo yêu cầu báo lại mã OTP nhận được. Đối tượng có thể lừa khách hàng để lấy mã OTP bằng cách nói đó là mã hợp đồng cho dịch vụ rút tiền mặt, đáo hạn, trả góp mà đối tượng đang thực hiện cho khách hàng.
Sau đó, khách hàng sẽ nhận một phần nhỏ số tiền vừa giao dịch từ các đối tượng lừa đảo. Đối tượng sẽ lừa khách hàng là tạm giữ số tiền còn lại, chuyển lại sau hoặc báo là phí hỗ trợ và không trả lại.
Các ngân hàng đều khẳng định rằng không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin như mã xác thực OTP, số CVV và mật khẩu ngân hàng số. Đồng thời cũng nhấn mạnh khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin thẻ cho người lạ, không chụp ảnh thẻ tín dụng, không đọc OTP cho bất cứ ai, qua bất kỳ hình thức nào. Bên cạnh đó, thực hiện yêu cầu soạn tin nhắn theo cú pháp lạ hay truy cập các đường link khả nghi.
Trước khi sử dụng các dịch vụ được giới thiệu, khách hàng cần xác minh với ngân hàng bằng cách đến chi nhánh, phòng giao dịch gần nhất, thông qua tổng đài hoặc tham khảo thông tin trên website. Khách hàng cần khóa thẻ khẩn cấp nếu nghi ngờ đã bị lộ thông tin