Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc (KMA) mới đây cho biết, mặc dù chưa đến tháng nắng nóng cao điểm của mùa Hè, tuy nhiên quốc gia này đã ghi nhận số ngày nắng nóng (nhiệt độ cao nhất trên 33 độ C) cao hơn mức trung bình hằng năm. Thêm vào đó, nắng nóng không hạ nhiệt vào buổi đêm, nhiều nơi trên cả nước diễn ra hiện tượng đêm nhiệt đới. Theo đó, số lượng đêm nhiệt đới (nhiệt độ ban đêm thấp nhất là 26 độ C) cũng đã gần tương đương mức trung bình hằng năm.
Nhiệt độ tại một số thành phố của Hàn Quốc lên tới 38 độ C. (Ảnh: YONHAP NEWS)
Số liệu thống kê của KMA công bố cùng ngày cho thấy, chỉ tính riêng từ ngày 1/6 đến ngày 25/7 vừa qua, số ngày nắng nóng ở khu vực thủ đô Seoul là 9 ngày, cao hơn mức trung bình hằng năm (ghi nhận từ tháng 6 đến tháng 8) là 8,7 ngày. Trong cùng thời gian trên, số đêm nhiệt đới ở thủ đô Seoul là 11 ngày, gần bằng với mức trung bình hằng năm là 12,5 ngày. Ngoài Seoul, các khu vực khác trên cả nước cũng ghi nhận số đêm nhiệt đới tăng mạnh như Chuncheon là 12 ngày (so với mức trung bình 11,3 ngày), Cheorwon là 9 ngày (so với mức trung bình 4,2 ngày), Inje là 10 ngày (so với mức trung bình 6,8 ngày)...
Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc dự báo đến ngày 5/8 tới, nhiệt độ cao nhất ở hầu hết các khu vực trên toàn Hàn Quốc sẽ tiếp tục duy trì trong khoảng 35 độ C, đêm nhiệt đới cũng sẽ xuất hiện với nhiệt độ thấp nhất là 25 độ C. Trong khoảng thời gian này, nhiệt độ dự kiến buổi sáng sớm cho từng vùng là khoảng từ 23-27 độ C, nhiệt độ ban ngày rơi vào khoảng từ 30-35 độ C (tương đương hoặc thấp hơn một chút so với tuần trước).
Tuy nhiên, khả năng nhiệt độ có thể tăng cao hơn tùy theo thay đổi đường di chuyển của hai cơn bão. Thứ nhất là bão In-Fa đã đổ bộ vào đất liền phía Tây Nam thành phố Thượng Hải (Trung Quốc), dự báo sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới vào ngày 28/7 tới. Trong khi đó, bão nhiệt đới Nepartak đã đi qua vùng biển phía Đông Nam thủ đô Tokyo (Nhật Bản) vào sáng ngày 26/7 và dự kiến sẽ đổ bộ vào đất liền phía Nam và Tây Nam Sendai vào chiều ngày 27/7. Theo lý giải của KMA, cơn bão này không ảnh hưởng trực tiếp đến Hàn Quốc, nhưng nếu sức nóng từ cơn bão truyền sang thì nền nhiệt ở Bán đảo Triều Tiên có thể tăng cao hơn dự kiến trong những ngày tới. Theo đó, người dân Hàn Quốc sẽ còn phải hứng chịu đợt nắng nóng kéo dài khoảng 2 tuần nữa.
Trước tình hình nắng nóng kéo dài, ngày 26/7, KMA đã đưa ra cảnh báo sóng nhiệt đối với hầu hết các tỉnh thành phố trên toàn Hàn Quốc. Theo đó, khu vực thủ đô Seoul sẽ có nhiệt độ cao nhất ban ngày trên 36 độ C, thành phố Incheon là 34 độ C, thành phố Deagu là 33 độ C và thành phố Chuncheon là 37 độ C.
Vấn đề đáng lo ngại nhất khi nắng nóng kéo dài là cung cầu điện năng, do nhu cầu sử dụng điện làm mát vào ban ngày tăng cao. Hiện tại, cung cầu điện năng vẫn đang ở mức bình thường. Trong ngày 21/7, điện năng dự trữ đạt 7GW, tỉ lệ dự trữ điện đạt 7,6%. Tuy nhiên, để sẵn sàng đối phó với tình huống bất ngờ như máy phát điện bị hư hỏng, nhiệt độ cao bất thường, thì cần nâng điện năng dự trữ lên 10 GW, tỉ lệ dự trữ trên 10%.
Một số khu vực ở thủ đô Seoul và vùng phụ cận (các thành phố Incheon, Goyang và Gimpo) đã bị mất điện. Một khu chung cư gồm 750 hộ gia đình ở thành phố Incheon và một khu chung cư 670 hộ dân ở Goyang, phía Tây Bắc Seoul, đã bị mất điện nhiều giờ đồng hồ.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo, loài người đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu và đang tiến gần tới “điểm không thể cứu vãn” trong cuộc khủng hoảng này. Kể từ năm 2015, nền nhiệt Trái Đất đã ấm lên trung bình 1 độ C, khiến các đợt nắng nóng gây hạn hán và chết người xuất hiện với tần suất dày đặc và tàn khốc hơn. Một số nhà lãnh đạo quốc gia cũng ngày càng tin rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính thúc đẩy nhiều hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt là các đợt nóng và bão. |