Lương Hà ·
2 năm trước
 6356

Hàng chục nghìn tấn rác đang “bức tử” sông Đáy....!

Để gia tăng mặt bằng sản xuất của đơn vị, Công ty TNHH Đức Phương “vô tư” dùng hàng chục nghìn tấn rác thải sinh hoạt và rác thải nguy hại lấn một phần lòng sông Đáy. Hành vi chôn lấp rác thải huỷ hoại sông Đáy vô cùng nghiêm trọng.

Chiều 22/7, theo phản ánh của người dân, PV Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn đã có mặt tại Km14 Đại lộ Thăng Long (xã Song Phương, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội), nơi có con sông Đáy chảy qua để ghi nhận tình trạng dùng rác thải san lấp mặt bằng, lấn sông. Đập vào mắt chúng tôi là cảnh tượng một đoạn sông Đáy đang bị xâm lấn bởi “núi” rác thải. Đoạn sông giáp với trụ sở Công ty TNHH Đức Phương xuất hiện những chiếc xe môi trường chở rác thải xây dựng, rác thải công nghiệp đổ xuống bờ sông. Ngay khi rác thải được xe môi trường “nhả ra”, máy xúc sẽ sàn gạt đẩy rác xuống lòng sông Đáy.

Hàng chục nghìn tấn rác thải được Công ty TNHH Đức Phương sử dụng để san lấp, lấn sông Đáy.

Theo quan sát của PV, diện tích lòng sông Đáy bị Công ty TNHH Đức Phương “bức tử” rộng gần nghìn mét vuông. Tính từ mặt nước lên tới đỉnh “núi rác” cao khoảng 20 mét, ước tính lượng rác thải đổ xuống lòng sông hàng chục nghìn tấn. Rác thải mà công ty này đổ xuống khá đa dạng, từ rác thải xây dựng, rác thải sinh hoạt và thậm chí cả rác thải công nghiệp nguy hại…

Tại thời điểm ghi nhận thực tế, một người đàn ông trung niên tự xưng là quản lý của Công ty TNHH Đức Phương cho hay, phần diện tích đổ rác thải là đất do công ty mua của người dân. Công ty có chủ trương cho xe môi trường đổ rác thải để lấp phần đất giáp sông nhằm gia tăng diện tích mặt bằng sản xuất. Xe chở rác thải đến san lấp chủ yếu là xe của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco). “Diện tích đang đổ rác là phần đất do công ty chúng tôi mua lại của người dân. Công ty cho xe chở rác môi trường đổ để tôn nền, tạo móng mặt bằng…” - người đàn ông tự xưng là quản lý Công ty TNHH Đức Phương nói.

Rác thải được Công ty TNHH Đức Phương sử dụng để san lấp, lấn sông Đáy đủ loại từ rác sinh hoạt đến rác công nghiệp nguy hại.

Mặc dù hành vi dùng rác thải để “lấn” sông là hành vi huỷ hoại môi trường một cách nghiêm trọng, nhưng trao đổi qua điện thoại với ông Đỗ Văn Toàn - Chủ tịch UBND xã Song Phương thì vị này tỏ ra khá thờ ơ. Theo ông Toàn, diện tích đất giáp sông Đáy đang đổ rác thải của Công ty TNHH Đức Phương là đất theo diện 64 (Nghị định của Chính phủ số 64-CP ngày 27/9/1993 về việc ban hành bản quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp - PV). Thế nhưng khi PV đề cập đến hành vi sử dụng rác thải để san lấp, lấn chiếm lòng sông Đáy thì ông Toàn lại “đánh trống lảng” sang chuyện khác, coi hành vi dùng rác thải chôn lấp này là việc làm bình thường…(!?)

Trong chiều 22/7, sau khi nhận được phản ánh của PV, Urenco đã cử ông Trần Văn Khải – Phó Giám đốc Chi nhánh Cầu Diễn - Urenco đến hiện trường san lấp rác thải của Công ty TNHH Đức Phương. Sau khi quan sát rác thải và biển số xe chở rác do PV cung cấp, ông Khải khẳng định Chi nhánh Cầu Diễn - Urenco không “tiếp tay” cho hành vi huỷ hoại môi trường này. Mặc dù không nhận trách nhiệm nhưng vị Phó Giám đốc Chi nhánh Cầu Diễn - Urenco tỏ ra khá bất ngờ về hành vi “đầu độc” sông Đáy của Công ty TNHH Đức Phương.

Ngay sau khi thông tin Công ty TNHH Đức Phương sử dụng rác để san lấp, lấn sông Đáy được phản ánh đến cơ quan chức năng thì đơn vị này dùng đất để bao phủ lớp mặt.

“Qua quan sát rác thải và biển số xe chở rác, tôi khẳng định không liên quan đến Chi nhánh Cầu Diễn - Urenco. Mặc dù không liên quan nhưng hành vi dùng rác thải san lấp một phần lòng sông thì không thể chấp nhận được. Rác thải đủ chủng loại như này sẽ gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng” - ông Khải nói.

Để ngăn chặn, xử lý tình trạng huỷ hoại môi trường nói trên, PV đã liên hệ và cung cấp thông tin cho ông Nguyễn Hoàng Trường - Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức. Mặc dù ông Trường khẳng định sẽ giao Phòng Tài nguyên môi trường huyện Hoài Đức cùng các đơn vị liên quan kiểm tra và xử lý dứt điểm. Chỉ đạo xử lý thì chưa thấy đâu, nhưng sáng 25/7, PV quay trở lại hiện trường thì Công ty TNHH Đức Phương lại dùng đất để phủ “núi rác” đang xâm lấn lòng sông Đáy nhằm che giấu cơ quan chức năng.

Trước sự việc trên, dư luận hoài nghi về tính “thượng tôn pháp luật” và sự thờ ơ, tắc trách của chính quyền sở tại. Môi trường sông Đáy đang ngày càng ô nhiễm trầm trọng, việc cải tạo môi trường sông Đáy bớt ô nhiễm cần phải có các biện pháp đồng bộ, nguồn kinh phí rất lớn và thời gian để thực hiện. Trong khi chờ đợi, việc làm thiết thực góp phần giảm thiểu ô nhiễm sông Đáy là ngăn chặn ngay tình trạng đổ rác thải xuống sông. Công việc này thuộc trách nhiệm của chính quyền cấp xã, huyện và có lẽ không quá khó để thực hiện. Vậy tại sao chính quyền một số xã vẫn còn đùn đẩy, né tránh, không thực sự vào cuộc ngăn chặn? Phải chăng vì cấp trên chưa quy trách nhiệm, hoặc cấp trên không biết thực trạng nhức nhối đang diễn ra nên chính quyền xã “không ngại”.

Nguồn: Doanh nghiệp & Thương hiệu