Vương Liễu ·
3 năm trước
 1377

Hàng loạt đề xuất quy hoạch sân bay không được chấp thuận

Đề xuất quy hoạch sân bay của các địa phương Hà Giang, Bắc Giang, Ninh Bình, Bình Phước, Hà Tĩnh không được chấp thuận.

Trong báo cáo thẩm định quy hoạch cảng hàng không trình Bộ Giao thông Vận tải đầu tháng 5, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị đến năm 2030, cả nước sẽ có 14 cảng hàng không quốc tế là Nội Bài, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Vân Đồn, Cát Bi, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Chu Lai, Cần Thơ, Phú Quốc, Liên Khương; 14 cảng quốc nội là Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Quảng Trị, Pleiku, Phù Cát, Tuy Hòa, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Đồng Hới, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo.

Đến năm 2050, cả nước có 29 cảng hàng không, gồm 14 cảng hàng không quốc tế, 15 cảng hàng không quốc nội. Trong đó sân bay được bổ sung là Cao Bằng. Như vậy, đề xuất quy hoạch sân bay trước đó của các tỉnh Hà Giang, Bắc Giang, Ninh Bình, Bình Phước, Hà Tĩnh đều chưa được chấp thuận.

Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Phó vụ trưởng Kế hoạch Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải - GTVT), Cục Hàng không Việt Nam và đơn vị tư vấn đã đưa ra 6 tiêu chí chính, 22 tiêu chí chi tiết để xem xét quy hoạch cảng hàng không mới.

Ảnh minh họa. 

6 tiêu chí là dự báo nhu cầu sản lượng hành khách, vai trò thúc đẩy kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, khẩn nguy cứu trợ, điều kiện tự nhiên và tiếp cận đường bộ với trung tâm đô thị. Trong 6 tiêu chí này, nhu cầu về sản lượng, điều kiện tự nhiên là quan trọng nhất. Trên cơ sở các tiêu chí, từng sân bay được đơn vị tư vấn tính toán theo các thang điểm.

"Số lượng sân bay đã được xem xét kỹ lưỡng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và phù hợp với điều kiện tự nhiên, thực trạng cũng như chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam", ông Dũng cho biết.

Vị này cũng cho biết, các cảng hàng không của Việt Nam hiện nay có lượng khách dưới 2 triệu mỗi năm đều đang phải bù lỗ. Do đó, các sân bay mới nếu cự ly tiếp cận tới các cảng hàng không lân cận dưới 100 km, theo kinh nghiệm quốc tế là hiệu quả không cao. Điều này nghĩa là xây sân bay quá gần nhau (giữa hai tỉnh, thành) sẽ không hiệu quả.

Trước đó, Bộ GTVT nhận được khá nhiều đề xuất xây dựng sân bay mới từ các địa phương như Hà Giang, Bắc Giang, Ninh Bình, Bình Phước, Hà Tĩnh... Trước tình hình trên, nhiều chuyên gia đã lên tiếng đề nghị các địa phương phải cân nhắc khi mong muốn xây sân bay, đặc biệt cơ quan lập quy hoạch là Bộ GTVT cần thận trọng trong xem xét đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của quy hoạch, tránh tình trạng chịu “sức ép” hay nể nang mà bổ sung quy hoạch. Nhất là trong bối cảnh rất nhiều sân bay nhỏ đang trong tình trạng lỗ nhiều năm nay.

Cũng trong tờ trình thẩm định quy hoạch, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị xác định vị trí cảng hàng không quốc tế Hải Phòng tại huyện Tiên Lãng, để dự bị cho sân bay Nội Bài và Cát Bi giai đoạn đến năm 2050.

Đối với đề nghị này, TS Nguyễn Bách Tùng - Chuyên gia hàng không đánh giá, vị trí xây dựng sân bay thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng, không ảnh hưởng đến đời sống dân cư. Đồng thời, vị trí sân bay Tiên Lãng đến trung tâm Hà Nội khoảng 120 km, song đến các tỉnh Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Hải Dương là dưới 100 km nên phục vụ thuận lợi người dân khu vực phía nam, đông nam Hà Nội, giảm tải cho sân bay Nội Bài. Tuy nhiên, với phần lớn đất là bãi bồi giữa hai con sông Thái Bình và sông Văn Úc, việc xử lý nền móng sẽ phức tạp và tăng chi phí.

Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia hàng không Phạm Văn Tới cũng cho rằng tương lai cần quy hoạch sân bay thay thế sân bay Cát Bi (Hải Phòng).

Theo đại diện đơn vị tư vấn quy hoạch sân bay – Tedi, căn cứ theo nhiều dữ liệu tăng trưởng kinh tế và công suất các sân bay hiện có, giai đoạn từ nay đến 2040 chưa cần tính đến xây dựng sân bay thứ hai trong vùng Thủ đô.

Sau năm 2040, phụ thuộc nhu cầu tăng trưởng hành khách trong vùng Thủ đô, nhà chức trách sẽ quyết định chính thức việc xây dựng sân bay thứ hai vùng Thủ đô tại Tiên Lãng (Hải Phòng) theo quyết định của Thủ tướng năm 2011, quy hoạch sân bay vị trí huyện Tiên Lãng là sân bay dự bị cho Nội Bài.

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa đề nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương, cho phép tỉnh được đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Lý Sơn theo hình thức BOT.

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo Bộ GTVT cho phép cập nhật, bổ sung Cảng hàng không Quốc tế Lý Sơn vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến 2050.

Theo đề xuất, cảng hàng không quốc tế Lý Sơn sẽ được xây dựng tại xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Đây là sân bay cấp 4C, có chiều dài đường cất hạ cánh là 2.400m; Phục vụ hoạt động bay dân dụng với năng lực khai thác từ 3 triệu đến 3,5 triệu hành khách/năm. Đáp ứng khai thác các loại tàu bay A320, 321 và tương đương.

Nguồn