Nam Trung ·
3 năm trước
 3232

Loạt DN địa ốc đang 'mất máu' vì dự trữ tiền mặt lao dốc: CEO Group, Long Giang Land cũng không ngoại lệ?

Nhiều doanh nghiệp địa ốc đã rơi vào tình trạng tiền mặt giảm rất mạnh trong 6 tháng đầu năm 2021 vì dịch bệnh. Trong đó, CEO Group, Long Giang Land, Địa ốc Chợ Lớn cũng không ngoại lệ. Vậy, từ nay đến cuối năm, kết quả kinh doanh các doanh nghiệp địa ốc có thể có tín hiệu khởi sắc? 

Chúng ta biết rằng các công ty luôn duy trì khoản dự trữ tiền mặt để đáp ứng chi phí ngoài dự kiến hay chi phí phát sinh trong ngắn hạn, cũng như tài trợ cho các khoản đầu tư tiềm năng. Con số dự trữ tiền mặt phần nào phản ánh sức khỏe tài chính của một doanh nghiệp. Đây cũng là một yếu tố quan trọng thể hiện rằng doanh nghiệp có đủ sức tự trang trải khi bước qua thời kì khó khăn tài chính hay cần thực hiện các khoản thanh toán đột ngột không dự tính trước hay không. 

Ngoài tiền mặt, các tài sản ngắn hạn khác như tín phiếu kho bạc thời hạn ba tháng cũng được xem là một dạng dự trữ tiền mặt do có tính thanh khoản cao và ngày đáo hạn ngắn. 

Trong tình hình dịch bệnh diễn phiến phức tạp và kéo dài như hiện nay, việc sở một hữu lượng tiền dự trữ (tiền và các khoản tiền gửi ngắn hạn) đảm bảo cũng là yếu tố quyết định thể hiện khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp cho đến khi các hoạt động sản xuất trở lại trạng thái bình thường mới. 

Thế nhưng, chúng ta cần phải thừa nhận rằng với nhiều doanh nghiệp địa ốc, nguồn tiền này đang cạn kiệt sau gần 2 năm chống chọi với dịch bệnh Covid-19. 

doanh nghiệp địa ốc

Với nhiều doanh nghiệp địa ốc, nguồn tiền này đang cạn kiệt sau gần 2 năm chống chọi với dịch bệnh

Dịch bệnh ngày càng bào mòn nguồn lực của doanh nghiệp, các nguồn tiền "nóng" huy động được chỉ đủ để chi trả các chi phí như lương nhân viên, bảo hiểm cho người lao động, điện, nước… Trong khi đó, bất động sản lại không được xem là lĩnh vực thiết yếu nên cũng không thuộc nhóm được ưu tiên hỗ trợ từ ngân hàng.

Theo thống kê của Vietstock, nhiều doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng tiền mặt giảm rất mạnh trong 6 tháng đầu năm 2021, trong đó có nhiều doanh nghiệp giảm về mức báo động như Địa ốc First Real (FIR) giảm từ mức 12 tỷ đồng ở thời điểm cuối năm ngoái về còn 3 tỷ đồng (bao gồm tiền mặt và các khoản tương đương tiền) tại thời điểm 31/6/2021, Địa ốc Chợ Lớn (RCL) giảm từ 52 tỷ đồng về còn 5 tỷ đồng, Long Giang Land (LGL) từ mức 66 tỷ đồng giảm xuống còn 4 tỷ đồng, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị Nam Hà Nội (NHA) cũng chỉ còn 4 tỷ đồng so với mức 13 tỷ đồng cuối năm 2020…

Cụ thể, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Long Giang (mã: LGL) ghi nhận tiền và các khoản tương đương tiền bất ngờ giảm 93% so với đầu năm, chỉ còn vỏn vẹn hơn 4 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi ngân hàng giảm từ hơn 10 tỷ xuống còn hơn 3 tỷ đồng.

Đặc biệt, các khoản tương đương tiền (tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn gốc không quá 3 tháng) không ghi nhận đồng nào.

Đô thị Long Giang

Một phần Bảng cân đối kế toán hợp nhất tại ngày 30/6/2021 của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Long Giang (mã: LGL)

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2021, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của LGL âm hơn 128 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm trong khi cùng kỳ dương hơn 446 tỷ đồng chủ yếu là do Công ty lỗ gần 120 tỷ đồng từ hoạt động đầu tư. Tuy nhiên, nhờ có hoạt động tài chính cầm cự nên LGL chuyển từ lỗ sang lãi gần 5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ gần 6 tỷ đồng.

Hay như Công ty CP Tập đoàn CEO (CEO Group - mã: CEO), 6 tháng đầu năm 2021, do kinh doanh dưới giá vốn, CEO báo lỗ sau thuế gần 165 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2020 lỗ hơn 110 tỷ đồng. 

Tại ngày 30/6/2021 ghi nhận tiền và các khoản tương đương tiền giảm mạnh 63% so với đầu năm, chỉ còn 84 tỷ đồng. Thêm vào đó là khoản tiền gửi ngắn hạn còn hơn 550 tỷ đồng. Như vậy, tổng lượng tiền dự trữ tại CEO đang nắm giữ ghi nhận hơn 634 tỷ đồng, trong khi hồi đầu năm con số này hơn 708 tỷ đồng, tương đương giảm 10%. 

CEO Group

Một phần Bảng cân đối kế toán hợp nhất tại ngày 30/6/2021 của Công ty CP Tập đoàn CEO

Tương tự tại Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest (mã: VPI) cũng ghi nhận tiền và các khoản tương đương tiền giảm 36% so với đầu năm, xuống còn hơn 625 tỷ đồng.

Tuy nhiên, từ trước dịch bệnh, Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú đã "có tiếng" là doanh nghiệp địa ốc có dòng tiền kinh doanh liên tục âm hàng trăm tỉ trong nhiều năm qua. Cụ thể, từ năm 2015 đến 2019, dòng tiền kinh doanh đã âm liên tiếp 5 năm, lần lượt là -555 tỉ đồng, -230 tỉ đồng, -414 tỉ đồng, -681 tỉ đồng, -761 tỉ đồng. 

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng từng nhận định riêng với Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú rằng doanh nghiệp rơi vào trạng thái dòng tiền âm không phá sản vì thua lỗ mà phá sản do mất tính thanh khoản, không có khả năng chi trả.

Như vậy, thấy rõ việc cạn tiền mặt sẽ ảnh hưởng đến khả năng trả nợ ngắn hạn và có thể khiến doanh nghiệp mất thanh khoản. Ngoài ra, với từng doanh nghiệp, không riêng khả năng thanh toán, mà cần xét thêm nhiều chỉ tiêu khác như hàng tồn kho, lượng tiền khách hàng trả trước… để đánh giá “sức chịu đựng” của doanh nghiệp.

Biết rằng lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản mang tính chu kỳ, khi qua giai đoạn đáy, các doanh nghiệp có thể đạt mức tăng trưởng rất cao. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, kết quả kinh doanh các doanh nghiệp địa ốc có thể có tín hiệu khởi sắc? 

Theo Vietstock