Ngọc Anh ·
3 năm trước
 4649

Hàng loạt siêu dự án của Vạn Thịnh Phát từng "gây choáng" thị trường bất động sản bây giờ ra sao?

Những mảnh "đất vàng" dưới đây chỉ là một vài gương mặt tiêu biểu trong số "bộ sưu tập" đất vàng cùng siêu dự án đắt đỏ của Vạn Thịnh Phát. Nhưng nhiều người đặt câu hỏi rằng, Vạn Thịnh Phát giàu đến đâu, để vung tiền "nuốt" đất vàng liên tục như vậy? Trong khi Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chưa hề niêm yết để có thể công khai báo cáo tài chính, thì tiềm lực của doanh nghiệp này vẫn còn là một bí ẩn.

Những dự án gắn liền với tên tuổi của tập đoàn bí ẩn Vạn Thịnh Phát luôn khiến cho thị trường địa ốc xôn xao bởi tính bất ngờ và số vốn đầu tư rất lớn. Bộ sưu tập "đất vàng" của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đôi khi khiến cho những người biết chút ít về thị trường bất động sản phải "choáng váng" vì mức độ đắt đỏ của chúng.

Thế nhưng, khi biết được tình trạng hiện tại của những vùng "đất vàng" đã về tay Vạn Thịnh Phát, người ta không khỏi bất ngờ, vì tại sao những vùng đất từng gây sốt và hứa hẹn những siêu dự án thuộc hàng khủng giờ đây lại hoang phế đến vậy? 

Trước hết, phải kể đến Thuận Kiều Plaza.

Sau 5 năm về tay Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, hàng trăm căn hộ tại Thuận Kiều Plaza vẫn còn "lạnh lẽo"

Được xây dựng vào năm 1994, Thuận Kiều Plaza do Công ty TNHH MTV Xây dựng thương mại Sài Gòn 5 (trực thuộc Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn TNHH MTV) và Kings Harmony Int MTV của HongKong liên doanh đầu tư.

Dự án, được xây dựng trên khu đất gần 10.000m2, với tổng vốn đầu tư lên tới hơn 55 triệu USD. Năm 1998, dự án hoàn thành gồm 3 tháp, mỗi tháp có 33 tầng, trong đó có khu trung tâm thương mại, 648 căn hộ và các công trình tiện ích khác như khu giải trí, nhà xe, hồ bơi… Vào thời điểm xây dựng, với quy mô và số vốn đầu tư khủng, Thuận Kiều Plaza trở thành biểu tượng cho sự phát triển của thị trường bất động sản tại TP.HCM.

Thế nhưng, mặc dù toạ lạc trên khu đất vàng đắc địa bậc nhất tại quận 5, TP.HCM (Thuận Kiều Plaza được bao bọc bởi bốn tuyến đường lớn gồm Hồng Bàng, Thuận Kiều, Tân Hưng và Dương Tử Giang) nhưng sau khi đưa vào sử dụng, Thuận Kiều Plaza rơi vào tình trạng vắng vẻ, phần lớn căn hộ bị bỏ trống. Nguyên nhân, được cho là dự án có cách thiết kế căn hộ không hợp lý nhưng cũng có nhiều đồn thổi dự án bỏ hoang vì gắn liền với những câu chuyện ma mị, bùa chú.

Vạn Thịnh Phát

Đến năm 2015, Công ty Cổ phần An Đông (Công ty con của Vạn Thịnh Phát) đã bất ngờ mua lại Thuận Kiều Plaza. Dự án cao ốc Thuận Kiều Plaza được Vạn Thịnh Phát mua lại, sơn mới rồi...để đó.

Đến năm 2015, Công ty Cổ phần An Đông (Công ty con của Vạn Thịnh Phát) đã bất ngờ mua lại Thuận Kiều Plaza. Ngay sau khi về tay tập đoàn bí ẩn này, nhiều nguồn tin đồn đoán rằng dự án sẽ được chuyển công năng thành bệnh viện, sẽ bị đập bỏ hoàn toàn để xây dựng một dự án khác…

Thuận Kiều Plaza hiện tại đã được “lột xác” khi khoác lên màu áo mới và được đổi tên thành The Garden Mall. Mặc dù khối đế của tòa nhà nay đã trở thành một trung tâm thương mại, nhưng các tầng phía trên hoạt động kinh doanh lại rất trầm lắng.

Còn 3 toà tháp trên khối đế thương mại, cái mới duy nhất so với thời điểm cách đây 5 năm là màu sơn được chuyển từ hồng sang xanh. Còn lại hầu hết căn hộ tại các toà tháp vẫn đang bỏ trống. 

Nhiều người kỳ vọng sau khi về tay Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, số phận của Thuận Kiều Plaza cũng sẽ được hoán đổi khởi sắc hơn. Tuy nhiên, thực tế sau 5 năm, dự án này vẫn chưa thực sự được “thoát xác”, mà nhìn chung cũng vẫn là một màu...lạnh lẽo.

Siêu sự án 6 tỷ USD Saigon Peninsula vẫn chưa có công trình nào được xây dựng 

Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công viên Mũi Đèn Đỏ và khu nhà ở đô thị (có tên thương mại là Saigon Peninsula) tại phường Phú Thuận, quận 7, TP. HCM cũng là một dự án nhiều người quan tâm. Tại dự án này, vào năm 2016, Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã ký kết hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài gồm Pavilion Group và Genting Group để phát triển dự án. 

Sự kiện này ngay lập tức gây chấn động thị trường khi siêu dự án này có tổng vốn đầu tư lên đến 6 tỷ USD. Toàn bộ diện tích lập quy hoạch dự án khoảng 117ha, trong đó có khu công viên hỗn hợp đa chức năng khoảng 82ha và khu đô thị nhà ở khoảng 35ha. 

Dự án cũng sở hữu vị trí đắc địa, phía Đông và Nam giáp sông Nhà Bè, phía Tây giáp đường Đào Trí, phía Bắc giáp sông Sài Gòn và rạch Bà Bướm, gần cầu Phú Mỹ. Theo quy hoạch, khu công viên đô thị này gồm có chức năng căn hộ cao cấp, biệt thự nghỉ dưỡng, cao ốc văn phòng hạng A, khách sạn 5 sao, cảng tàu khách quốc tế…

Vạn Thịnh Phát

Dự án cũng sở hữu vị trí đắc địa, phía Đông và Nam giáp sông Nhà Bè, phía Tây giáp đường Đào Trí, phía Bắc giáp sông Sài Gòn và rạch Bà Bướm, gần cầu Phú Mỹ

Thời điểm đó, chủ đầu tư cũng có nhiều động thái khởi công, xây dựng bờ kè dọc sông quanh dự án. Tuy nhiên, sau đó dự án đứng im, trở thành nơi chăn thả gia súc. Ghi nhận thực tế vào ngày cuối năm 2020, một phần rừng dừa nước bao trùm dự án đã được phát quang. Dọc bờ kè ven sông nhiều nhóm công nhân cùng phương tiện đang thi công. Khu đất dự án 6 tỷ USD đình đám này vẫn chưa có công trình nào được xây dựng.

Biệt thự cổ 3 mặt tiền "ngủ đông" cùng vùng đất tứ giác "mua rồi để đó"

Cũng trong năm 2016, thị trường lại được một phen "dậy sóng" khi con gái vị Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã chi 700 tỷ đồng mua căn biệt thự cổ 3 mặt tiền đường Võ Văn Tần - Bà Huyện Thanh Quan và Nguyễn Thị Diệu (quận 3, TP.HCM) với diện tích rộng gần 3.000 m2.

Sau khi rót khoản tiền lớn để mua căn biệt thự cổ xây dựng theo kiến trúc thời Pháp này, chủ nhân cũng để đó, không tiến hành xây dựng hay sửa chữa khai thác.

Vạn Thịnh Phát

Sau khi rót khoản tiền lớn để mua căn biệt thự cổ xây dựng theo kiến trúc thời Pháp này, chủ nhân cũng để đó, không tiến hành xây dựng hay sửa chữa khai thác

Được biết, căn biệt thự được xây dựng trên khu đất 2.819,5 m2, theo kiến trúc Pháp cổ là nhà cấp 2, 3 gồm 2 tầng, với tổng diện tích sàn xây dựng là hơn 2.000 m2. Hiện tại, căn biệt thự này vẫn kín cổng, không ghi nhận có hoạt động nào bên trong. Phía bên ngoài, nhiều người bán hàng rong tụ tập, buôn bán nhộn nhịp.

Trước đó, Vạn Thịnh Phát đã có được những khu đất tuyệt đẹp tại trung tâm TP.HCM và tiến hành phát triển các dự án. Đơn cử như tòa nhà Time Square với khách sạn 6 sao đầu tiên ở TP.HCM và Trung tâm thương mại Union Square hồi tháng 6/2013.

Tiếp đó, tập đoàn này thâu tóm quỹ đất tứ giác giới hạn bởi 4 tuyến đường Lê Lợi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Thánh Tôn - Nguyễn Trung Trực và ý định xây dựng tòa cao ốc với tên gọi dự án Tháp SJC. Tuy nhiên, giống như nhiều dự án khác của Vạn Thịnh Phát, dự án này cũng rơi vào cảnh "mua rồi để đó" và hiện đang là bãi giữ xe.

Có thể thấy, những mảnh "đất vàng" kể trên chỉ là một vài gương mặt tiêu biểu trong số "bộ sưu tập" đất vàng cùng siêu dự án đắt đỏ của Vạn Thịnh Phát. Nhưng nhiều người đặt câu hỏi rằng, Vạn Thịnh Phát giàu đến đâu, để vung tiền "nuốt" đất vàng đơn giản đến như vậy? Thêm vào đó, "đất vàng" mua về tại sao không tận dụng, không kinh doanh, cũng không rao bán?

Trong khi Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chưa hề niêm yết để có thể công khai báo cáo tài chính, thì tiềm lực của doanh nghiệp này vẫn còn là một bí ẩn. Rất nhiều điều bí ẩn xoay quanh tập đoàn này mà nhiều người muốn biết, nhưng cuối cùng vẫn chưa hiểu tại sao những động thái kì lạ này tiếp tục lặp lại trên nhiều dự án của gia tộc giàu có này.