Thanh Loan ·
3 năm trước
 2900

Hàng tỉ trẻ em trên thế giới đang chịu tác động của khủng hoảng khí hậu

Hiểm họa về khí hậu và môi trường đang có những tác động tàn khốc đến hạnh phúc và tương lai của trẻ em trên toàn thế giới. Theo UNICEF, khoảng 1 tỉ trẻ em đang chịu tác động của khủng hoảng khí hậu toàn cầu.

Ở nhiều nơi trên thế giới, con người đang phải đối mặt với những tác động liên quan đến khí hậu như hạn hán, lũ lụt nghiêm trọng, ô nhiễm không khí và khan hiếm nước... khiến những đứa trẻ dễ bị suy dinh dưỡng và bệnh tật.

Hầu hết mọi trẻ em trên trái đất đều phải hứng chịu ít nhất một trong những hiểm họa về khí hậu và môi trường. Nếu không có hành động khẩn cấp, số trẻ em bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu (BĐKH) và ô nhiễm môi trường sẽ ngày càng tăng lên.

đi bộ bờ biển

Một cậu bé đi bộ từ trường về nhà ở làng Aberao thuộc Nam Tarawa, Kiribati. Kiribati là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do mực nước biển dâng cao. (Nguồn: UNICEF)

Nhiều trẻ em trải qua cú sốc khí hậu kết hợp với các dịch vụ thiết yếu kém như nước, vệ sinh và chăm sóc sức khỏe... Khi biến đổi khí hậu phá vỡ môi trường, trẻ em đang bị buộc phải lớn lên trong một thế giới ngày càng nguy hiểm. Đây là một cuộc khủng hoảng đe dọa đến sức khỏe, giáo dục và tương lai của các em.

Có thể nói, biến đổi khí hậu là mối đe dọa trực tiếp đến khả năng tồn tại và phát triển của trẻ. Theo UNICEF, trẻ em là đối tượng chịu trách nhiệm thấp nhất đối với biến đổi khí hậu, nhưng chúng sẽ chịu gánh nặng lớn nhất do tác động của nó.

Khi các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như lốc xoáy và sóng nhiệt gia tăng với tần suất và mức độ dữ dội, chúng đe dọa cuộc sống của trẻ em và phá hủy cơ sở hạ tầng quan trọng đối với sức khỏe của chúng. Bên cạnh đó, lũ lụt làm ảnh hưởng đến nguồn nước và các công trình vệ sinh, dẫn đến các bệnh như dịch tả mà trẻ em đặc biệt dễ mắc phải.

"Trẻ em là đối tượng chịu trách nhiệm thấp nhất đối với biến đổi khí hậu, nhưng chúng sẽ chịu gánh nặng lớn nhất do tác động của nó".

- UNICEF- 

Trên thế giới, ở một số nơi do hạn hán và lượng mưa toàn cầu thay đổi đang dẫn đến mất mùa và giá lương thực tăng cao. Đối với người nghèo, đồng nghĩa với việc mất an ninh lương thực và thiếu hụt dinh dưỡng có thể ảnh hưởng suốt đời. Những điều này cũng có khả năng phá hủy sinh kế, thúc đẩy di cư và xung đột, đồng thời làm tê liệt cơ hội cho trẻ em và thanh niên. 

em bé

Biến đổi khí hậu là mối đe dọa trực tiếp đến khả năng tồn tại và phát triển của trẻ. (Nguồn: UNICEF)

Ngoài ra, trẻ em là đối tượng dễ mắc các bệnh sẽ ngày càng lan rộng do hậu quả của biến đổi khí hậu, chẳng hạn như sốt rét và sốt xuất huyết. Theo số liệu thống kê cho thấy, gần 90% gánh nặng bệnh tật do biến đổi khí hậu là do trẻ em dưới 5 tuổi gánh chịu.

Theo INICEF, các nguyên nhân gây ô nhiễm không khí cũng giống như các nguyên nhân của biến đổi khí hậu. Khoảng 2 tỉ trẻ em sống trong những khu vực có mức độ ô nhiễm không khí vượt quá tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - khiến các em phải hít thở không khí độc hại và gây nguy hiểm cho sức khỏe và sự phát triển trí não của chúng.

trẻ em đi xe đạp

Trẻ em đi xe đạp trên con đường ô nhiễm nghiêm trọng ở Dhaka, Bangladesh. (Nguồn: UNICEF)

Hàng năm, hơn nửa triệu trẻ em dưới 5 tuổi tử vong do các nguyên nhân liên quan đến ô nhiễm không khí. Thậm chí nhiều hơn sẽ bị tổn thương lâu dài đối với não và phổi đang phát triển của chúng.

"Đây là lần đầu tiên một thế hệ trẻ em trên toàn cầu lớn lên trong một thế giới nguy hiểm và bất trắc hơn nhiều do hậu quả của khí hậu thay đổi và môi trường bị suy thoái".

- UNICEF -

Viêm phổi vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 5 tuổi, giết chết khoảng 2.400 trẻ em mỗi ngày. Các ca tử vong ở trẻ em do viêm phổi có liên quan chặt chẽ đến tình trạng thiếu dinh dưỡng, thiếu nước, ô nhiễm không khí trong nhà và không đủ khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe... Tất cả những thách thức đang trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu.

Nếu không có có các biện pháp kịp thời để hạn chế tác động của BĐKH và bảo vệ môi trường, trẻ em toàn cầu sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do ô nhiễm và khí hậu cực đoan gây ra.

Nguồn