Lan Anh ·
3 năm trước
 3894

HDBank lại bị cơ quan thuế xử phạt 190,5 triệu vì kê khai sai thuế

HDBank nhận được quyết định 1520/QĐ-CT của Cục Thuế TP.HCM thông báo xử lý vi phạm hành chính với số tiền hơn 190,5 triệu đồng. Lý do HDBank bị xử phạt là do sai sót trong kê khai thuế theo quy định. Trước đó, HDBank cũng dính "lùm xùm" về lỏng lẻo trong việc quản lý chứng từ để nhân viên có điều kiện lợi dụng lập khống nhiều chứng từ chiếm đoạt hơn 4,4 tỉ đồng. Với những câu chuyện này, liệu khách hàng ít nhiều sẽ có những cân nhắc riêng khi quyết định sử dụng dịch vụ của ngân hàng này?

Ngày 4/6, HDBank nhận được quyết định 1520/QĐ-CT của Cục Thuế TP.HCM thông báo xử lý vi phạm hành chính với số tiền hơn 190,5 triệu đồng. Lý do HDBank bị xử phạt là do sai sót trong kê khai thuế theo quy định.

Mặc dù HDBank cho biết, với quyết định 1520/QĐ-CT về sai sót trong kê khai thuế và bị xử phạt 190,5 triệu đồng, HDBank cho biết đã hoàn thành việc nộp số tiền trên và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ khác theo yêu cầu của cơ quan thuế. Thế nhưng điều đó không đủ để xóa đi những "lùm xùm" về thuế của ngân hàng này.

HDBank

HDBank công bố thông tin về việc bị cơ quan thuế xử phạt hơn 190 triệu đồng

Được biết, đây không phải lần đầu nhà băng này bị đưa ra quyết định xử phạt liên quan đến thuế. Cụ thể, cuối năm 2018, HDBank cũng nhận quyết định số 1868/QĐ-TCT kèm theo quyết định uỷ quyền số 1869/QĐ-TCT và kết luận thanh tra thuế số 59/KL-TCT niên độ 2017 của Tổng cục Thuế.

Theo kết luận nói trên, tổng số tiền chậm nộp thuế, kê khai sai và phạt hành chính là hơn 1,4 tỷ đồng; Trong đó, kê khai sai là hơn 978 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này, HDBank nộp trong quá trình thanh tra.

Trước đó nữa, đầu năm 2018, HD Bank cũng bị xử phạt hành chính, nộp bổ sung gần 16,5 tỷ đồng theo kết luận thanh tra thuế tại quyết định số 864/QĐ-CT. Trong đó, số tiền phạt hành chính là hơn 202 triệu đồng. Đồng thời, HDBank cũng bị phạt hành chính, nộp bổ sung đợt này cho kỳ quyết toán thuế từ năm 2011-2013.

Thật ra, về HDBank không chỉ có vấn đề về thuế, trước đây HDBank từng dính "lùm xùm" về vấn đề lỏng lẻo trong việc quản lý chứng từ của kiểm soát viên để nhân viên có điều kiện lợi dụng lập khống nhiều chứng từ rút tiền từ 12 sổ tiết kiệm của 11 khách hàng, chiếm đoạt hơn 4,4 tỉ đồng.

Theo Thanh Niên, thủ đoạn này được bị can Nguyễn Thị Minh Quyên (SN 1990, ngụ quận 11) - Nhân viên giao dịch tại PGD Đông Sài Gòn thuộc Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển TP HCM (HD Bank) đã thực hiện như sau:

Khi phát hành sổ tiết kiệm cho khách hàng, Nguyễn Thị Minh Quyên photo lại sổ để lưu giữ riêng. Sau đó, khi có nhu cầu rút tiền để sử dụng, Quyên kiểm tra, lựa chọn các sổ tiết kiệm có thời gian đáo hạn xa để tránh bị phát hiện khi khách hàng đến tất toán hoặc đáo hạn.

HDBank

Bị can Nguyễn Thị Minh Quyên (SN 1990, ngụ quận 11)

Quyên thường rút tiền dưới 50 triệu đồng để không phải thông qua sự phê duyệt của kiểm soát viên. Từ hệ thống phần mềm Branch Teller của ngân hàng, Quyên nhập thông tin tài khoản khách hàng và số tiền tương ứng thì phần mềm sẽ in ra giấy rút tiết kiệm.

Sau đó, từ hệ thống lưu trữ thông tin chữ ký khách hàng, Quyên xem chữ ký mẫu của khách hàng rồi giả chữ ký, ký tên vào phần “Chủ sở hữu” và ký tên Quyên vào phần giao dịch viên.

Bị can Quyên sử dụng bản photo do Quyên lưu trữ trước đó để cập nhật thông tin giao dịch rút tiền vào bản photo này. Sau khi ký chứng từ, Quyên lấy số tiền tương ứng từ quỹ giao dịch hàng ngày của Quyên. Giấy rút tiết kiệm và bản photo sổ tiết kiệm được Quyên tập hợp cùng các chứng từ khác trong ngày để phục vụ đối chiếu, kiểm quỹ cuối ngày và lưu trữ. Từ đó, Quyên đã chiếm đoạt được tiền.
 
Ngoài ra, khi cần số tiền lớn để giải quyết việc cá nhân, Quyên còn rút nhiều lần trên 50 triệu đồng, tuy nhiên, do thiếu kiểm soát nên mặc dù không có khách hàng đến rút tiền thật, không có bản chính sổ tiết kiệm nhưng kiểm soát viên vẫn phê duyệt trên hệ thống máy tính ký bổ sung chứng từ để Quyên rút chiếm đoạt tiền của Ngân hàng. Theo đó, mỗi lần Quyên rút từ 120 đến 850 triệu đồng.
 
Theo CQĐT, mặc dù quy trình về việc thực hiện giao dịch rút tiền từ sổ tiết kiệm được ngân hàng quy định cụ thể nhưng thực tế tại phòng giao dịch này, giao dịch viên tự ký chứng từ cùng khách hàng và thực hiện chi tiền. Sau đó, cuối tuần hoặc cuối tháng, khi kiểm soát viên và thủ quỹ rảnh sẽ tập hợp toàn bộ các chứng từ này để ký một lượt.

Trong khoảng thời gian từ 17/1/2019 đến 19/12/2019, Quyên lập khống nhiều chứng từ rút hơn 4,4 tỷ đồng từ 12 sổ tiết kiệm của 11 khách hàng.

Như vậy, có thể thấy HD Bank tồn tại khá nhiều vấn đề, không chỉ về thuế mà còn về vấn đề lỏng lẻo trong việc quản lý chứng từ và nhân sự, làm việc sai quy trình. Với những câu chuyện kê khai sai thuế liên tục trong nhiều đợt cùng những lùm xùm xung quanh ngân hàng HD Bank, có lẽ khách hàng ít nhiều sẽ có những cân nhắc riêng khi quyết định sử dụng dịch vụ của ngân hàng này.