Hệ lụy từ việc khai thác cát tràn lan trên nhiều dòng sông đã được các chuyên gia cảnh báo từ rất lâu. Cát không đơn thuần là vật liệu xây dựng mà có vai trò quan trọng trong kiến tạo đồng bằng, ổn định lòng và bờ sông.
Nhưng do việc khai thác vượt tầm kiểm soát của các cơ quan Nhà nước, cát sỏi dần trở thành một nguồn tài nguyên khan hiếm. Bởi nguồn thu từ khai thác, buôn bán loại vật liệu này ngày càng trở lên hấp dẫn, lợi nhuận cao nên hoạt động khai thác cát sỏi trái phép hình thành và phát triển với quy mô lớn, gây tổn hại đến môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Về vấn đề này, trao đổi với báo giới, PGS.TS Vũ Thanh Ca, Vụ trưởng Hợp tác quốc tế và Khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ TN&MT) từng khẳng định rằng, việc hút cát quá mức đã khiến một vài nơi trên sông Hồng và các sông dọc từ Bắc vào Nam bị hạ thấp và giảm mực nước. Nếu lượng cát bị hút quá nhiều tại một vị trí, nhất là nạo vét thông luồng, mực nước tại đó và thượng nguồn sẽ bị giảm. Độ dốc đáy sông và mặt nước tăng lên nên vận tốc dòng chảy cũng tăng theo, gây xói lở đáy và làm lộ ra các chỗ nông khác ở khu vực thượng nguồn.
Lòng sông bị hạ thấp còn dẫn đến mực nước ngầm hai bên bờ sông bị hạ, gia tăng tác động xấu của hạn hán; một số cây trồng ở hai bên có thể bị chết và tạo ra những thay đổi đến hệ sinh thái. Hạ thấp mực nước ngầm còn ảnh hưởng đến hoạt động khai thác nước ngọt phục vụ sinh hoạt của dân cư.
Ông Ca cũng cho rằng, hút cát còn phá hoại hệ sinh thái dưới lòng sông và tăng độ đục ở các khu vực khác. Ngoài ra, việc thô hóa lòng sông và thay đổi chế độ chảy cũng ảnh hưởng tới việc săn mồi, phát triển, đẻ trứng và nuôi dưỡng các con non của động vật thủy sinh.
TS Đào Trọng Tứ, Trưởng Ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) cũng cho rằng, việc khai thác cát vượt mức sẽ làm tụt đáy sông, khiến bờ sông không ổn định dẫn đến xói lở. Khi lũ lớn, hiện tượng sạt lở càng nghiêm trọng, có thể đe dọa hệ thống đê điều. Thực trạng này đang diễn ra phổ biến tại sông Hồng. Đồng thời, việc hạ thấp đáy sông, giảm mực nước sông Hồng còn khiến nhiều cống lấy nước của thành phố Hà Nội, như: Cẩm Đình, Liên Mạc… bị "treo", thiếu nguồn bổ cập thường xuyên cho các dòng sông Nhuệ - Đáy, gây ra hiện tượng “sông chết”, ô nhiễm môi trường… |
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.Hà Nội, Chu Phú Mỹ nhận định, mực nước sông Hồng những năm gần đây liên tục bị hạ thấp. Điều này đã làm hàng loạt công trình lấy nước ven sông không thể hoạt động hoặc nếu hoạt động thì cũng không bảo đảm công suất thiết kế. Điển hình trong vụ đông xuân năm 2018-2019, mặc dù mực nước tại Trạm thủy văn Long Biên đạt 2,2 m nhưng tất cả các công trình lấy nước ven sông Hồng, như: Trạm bơm Phù Sa, cống Liên Mạc, cống Long Tửu… đều không thể hoạt động. Hơn nữa, tình trạng hạ thấp mực nước đã làm hở chân các tuyến kè hiện có, dẫn đến tuổi thọ vật liệu và kết cấu mất ổn định, gây ra sự cố sụt sạt, giảm hệ số an toàn chung của các tuyến kè.
Ảnh minh họa.
Không chỉ đồng bằng sông Hồng, tại các con sông ở ĐBSCL cũng đang diễn ra thực trạng tương tự. Hiện hơn 1/2 chiều dài bờ biển của vùng này bị sạt lở, tương đương hơn 300 km. Nguyên nhân là do tổng lượng phù sa sông Mê Kông giảm một nửa và hoạt động khai thác cát diễn ra tràn lan trên các dòng sông.
Chuyên gia môi trường Nguyễn Hữu Thiện cho biết, hệ quả của việc khai thác cát khiến đáy sông Tiền và sông Hậu hạ thấp xuống mức trung bình 1,3 m, nước chảy xiết và ăn ngầm bên dưới tạo ra "hàm ếch" rộng, gây sạt lở bờ sông và bờ biển. Về lâu dài nó còn đe dọa nhiều công trình cầu lớn bắc qua các con sông.
Ngoài ra, tình trạng khai thác cát trái phép còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhiều hộ dân sinh sống bám biển, bám sông. Theo phản ánh của nhiều ngư dân ngụ tại huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, họ sống bằng nghề đóng đáy trên sông Cầu tại khu vực nằm trên luồng tuyến sông Soài Rạp thuộc địa bàn xã Long Hoà, huyện Cần Giờ, TP.HCM. Do khai thác cát trái phép lộng hành, hút cát ồ ạt khiến họ không thể đóng đáy được, thậm chí còn làm sập hàng đáy, gây thiệt hại về tài sản và trực tiếp đe dọa đến sinh mạng con người.
Cần có biện pháp xử lý triệt để
Trước thực trạng trên, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức các đoàn thanh tra về việc chấp hành các quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản và cát, sỏi trên địa bàn nhiều tỉnh. Từ các kết luận thanh tra cho thấy, vẫn còn tồn tại những vi phạm, bất cập, hạn chế. Vào giữa năm 2020, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức công bố kết luận thanh tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn các tỉnh Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lai Châu, Hà Giang, Tuyên Quang (giai đoạn 2011-2017).
Ðể tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản và khai thác, kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn nhiều tỉnh, các cơ quan chức năng, của địa phương và Trung ương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản, cát, sỏi. Việc kiểm tra, thanh tra phải được thực hiện nghiêm túc, những cán bộ trong đoàn thanh tra phải công tâm, có tinh thần trách nhiệm cao. Qua thanh tra, kiểm tra, cần kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm, bảo kê trong việc khai thác khoáng sản không đúng quy định của pháp luật và khai thác cát, sỏi trái phép.
Cần xử lý nghiêm đối với các tàu thuyền không đăng ký, đăng kiểm, đặc biệt là các tàu thuyền có hoạt động khai thác, vận chuyển cát, sỏi lòng sông; kiểm tra quản lý nguồn gốc, chất lượng khoáng sản vận chuyển và tiêu thụ trên địa bàn. Bên cạnh đó, cần chấn chỉnh tình trạng lập bến bãi tập kết cát, sỏi lòng sông trái phép, chấm dứt tất cả các bến bãi tập kết cát, sỏi trái phép, không có trong quy hoạch. Nêu rõ, làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan chức năng, cá nhân tại các địa phương đối với những vi phạm kéo dài mà không được xử lý, khắc phục…