Hơn 92.000 tấm pin mặt trời được thiết kế hình hoa mận nổi trên bề mặt hồ chứa nước ở Hàn Quốc tạo nên một cảnh tượng ngoạn mục. Dự án cho thấy tầm nhìn phát triển của một quốc gia vốn khan hiếm đất đai trong việc xây dựng các hệ thống năng lượng tái tạo bền vững. Nhà máy điện mặt trời đặc biệt được xây bởi công ty Hanwha Solutions. 92.000 tấm pin được xếp thành 17 bông hoa khổng lồ nằm trên hồ chứa dài hơn 19km ở phía Nam quận Hapcheon. Nhà máy có thể tạo ra 41 megawatt điện, cung cấp đủ năng lượng cho 20.000 hộ dân.
Mặc dù Hàn Quốc là quốc gia tụt hậu trong việc áp dụng năng lượng tái tạo, nền kinh tế công nghiệp hóa chủ yếu dựa vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu nhưng Hanwha Solutions Corp hiện là một trong những nhà máy năng lượng mặt trời nổi lớn nhất trên thế giới. Tại buổi lễ vận hành nhà máy vào tháng 11, Tổng thống Hàn Quốc Moon-Jae in cho biết năng lượng mặt trời nổi có thể giúp quốc gia này đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 với tiềm năng bổ sung 9,4 gigawat, tương đương với 9 lò phản ứng hạt nhân.
Dự án năng lượng mặt trời nổi đang rất được quan tâm, đặc biệt là ở châu Á, các quốc gia như Hàn Quốc hay Singapore đang chuyển đổi đất đai phục vụ cho công nghiệp và nông nghiệp sang dùng cho dự án năng lương tái tạo. Theo Bloomberg, Singapore đã khởi động một nhà máy 60 megawatt trên hồ chứa Tengeh. Thái Lan cũng đã xây dựng hệ thống năng lượng mặt trời nổi trên hồ chứa Sirindhorn vào năm ngoái. Ấn Độ đang có kế hoạch hoàn thành nhà máy khổng lồ 600 MW phía trên đập Omkareshwar vào năm 2023.
Nhà phân tích của BloombergNEF - Ali Izadi-Najafabadi cho biết: “Năng lượng mặt trời nổi ngày đã trở thành sự lựa chọn hàng đầu ở các quốc gia như Hàn Quốc bởi những quy định về đất đai, giá cả cũng như sự phản đối từ người dân địa phương khiến cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng ngày một khó khăn hơn”. Ông chia sẻ thêm: “Đối với các chủ sở hữu hồ chứa nước, năng lượng mặt trời nổi hấp dẫn gấp đôi vì không chỉ bổ sung thêm một nguồn doanh thu mới mà còn giảm lượng nước bốc hơi từ hồ.”
Việc kết nối dễ dàng với hệ thống lưới điện khiến cho các dự án năng lượng mặt trời nổi được hưởng lợi thế rất lớn. Các tấm pin quang điện cũng có thể giúp hạn chế tảo sinh sôi, trong khi đó nước giúp làm mát, làm tăng hiệu quả của tấm pin trong điều kiện khí hậu nóng nực. Tuy nhiên, việc xây dựng hàng nghìn tấm pin năng lượng khá tốn kém. Theo Ngân hàng Thế giới, do nhu cầu về phao nổi, dây neo và các bộ phận điện có tính đàn hồi cao hơn, chi phí cho hệ thống nổi đắt hơn khoảng 18% so với hệ thống trên cạn.
Được biết, đập Hapcheon được xây dựng vào cuối những năm 1980. Để thúc đẩy thủy điện và thủy lợi, người dân ở vùng này đều phải di cư đến nơi khác, trong đó có gia đình ông Cho Jaesung (64 tuổi).
Hồ chứa hiện được quản lý bởi Tập đoàn Tài nguyên nước Hàn Quốc do nhà nước điều hành. Dự án năng lượng mặt trời nổi đem lại cơ hội việc làm cho ông Cho và nhiều người dân địa phương dù độ tuổi trung bình của họ đã là 60 tuổi. Không dừng lại ở đó, khoảng 1.400 cư dân tại đây đã đầu tư 3,1 tỷ won (2,6 triệu USD), tương đương khoảng 4% tổng chi phí với hy vọng nhận được lợi nhuận hàng năm 10% trong vòng 20 năm. Chính người dân ở đây đã yêu cầu các tấm pin năng lượng sắp xếp theo hình những bông hoa để đẹp mắt hơn.
Shin Hyungseob, tổng giám đốc tại Hanwha Solutions chia sẻ: “Chúng tôi nhận thấy tiềm năng to lớn trong thị trường năng lượng mặt trời nổi toàn cầu khi ngày càng có nhiều quốc gia áp dụng công nghệ này. Chúng tôi hy vọng có thể tự sản xuất các mô-đun trong tương lai.” Theo Viện Năng lượng Xanh Hàn Quốc, trong khi năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng tái tạo hàng đầu của Hàn Quốc, với 21 gigawatt, quốc gia này sẽ cần ít nhất 375 gigawatt để không còn phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch.