Nguyễn Thành ·
3 năm trước
 1607

Hiệu quả từ mô hình trồng rừng trên núi đá tại Ninh Thuận

Ban Quản lý rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam đã làm nên kỳ tích trồng phủ xanh núi đá bằng cây thanh thất.

Với khí hậu khô nóng quanh năm, trồng rừng ở Ninh Thuận vốn đã gặp rất nhiều khó khăn, trồng rừng trên núi đá lại càng khó khăn gấp bội phần. Thế nhưng với nỗ lực nghiên cứu và quyết tâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam đã làm nên kỳ tích trồng phủ xanh núi đá bằng cây thanh thất. Loại cây đặc biệt này không chỉ cải thiện tốt môi trường mà còn góp phần tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương.

Ban quản lý rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam kiểm tra cây thanh thất trồng tại khu vực rừng phòng hộ núi Chà Bang. 

Huyện Thuận Nam có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt với thời tiết khô nóng quanh năm, đất đai nghèo chất dinh dưỡng, tỷ lệ đá lẫn cao khiến việc trồng rừng gặp rất nhiều khó khăn. Để phủ xanh đất trống núi đá, Ban Quản lý rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam đã tìm nhiều loại cây có khả năng chịu hạn như cây trôm, keo lai, phi lao, cóc hành, bạch đàn… để đưa vào trồng nhưng kết quả không được như mong muốn. Một phần nguyên nhân vì khô hạn, phần khác các loại cây trồng lên đều bị gia súc do người dân chăn thả gây hư hại.

Ông Lê Xuân Hòa, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam chia sẻ, để khắc phục tình trạng trên, Ban Quản lý rừng đã nghiên cứu, tìm được cây thanh thất là một giống cây rừng bản địa thể hiện nhiều ưu điểm vượt trội với khả năng chịu được khí hậu khô hạn; đặc biệt cừu, dê, bò không ăn lá của cây thanh thất như các loại cây khác. Qua phát hiện này, năm 2015, được sự hỗ trợ của Dự án JICA 2, dự án trồng rừng thuộc Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu SP - RCC, Ban Quản lý rừng phòng hộ ven biển huyện Thuận Nam đã trồng thực nghiệm 5 ha cây thanh thất để đánh giá tiềm năng trồng rừng của loại cây này.

Cây thanh thất có tên khoa học Ailanthus triphysa (Dennst.) Alston, thuộc họ Thanh thất (Simaroubaceae). Ở Việt Nam, cây mọc rải rác trong rừng thứ sinh từ Bắc tới Nam. Cây được trồng lấy gỗ hoặc làm cảnh, lấy bóng mát, chiều cao tới 20 mét. Cây thanh thất sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện khí hậu khô hạn kéo dài. Nhận thấy tiềm năng trồng rừng của cây thanh thất, Ban Quản lý rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam đã triển khai trồng nhân rộng, đến thời điểm này đã trồng được trên 650 ha cây thanh thất trên núi đá rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam.

Tại các khu vực rừng trồng, nhiều cây thanh thất đã vươn cao từ 2,5 đến trên 3 mét. Với đà phát triển này, chỉ khoảng 10 năm nữa, trên cánh rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam, cây thanh thất sẽ phủ xanh những khu vực vốn trước đây chỉ nhìn toàn thấy núi đá, ông Lê Xuân Hòa chia sẻ thêm.

Không chỉ phủ xanh rừng núi đá, cây thanh thất còn góp phần tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng cư dân ở địa phương. Ông Châu Hội (xã Phước Nam, huyện Thuận Nam) tổ trưởng của 15 thành viên tham gia nhận khoán bảo vệ hơn 450 ha rừng cho biết, vào mùa trồng rừng các thành viên có thêm việc làm là tham gia trồng cây thanh thất cùng Ban Quản lý rừng. Đồng thời, nhận khoán luôn bảo vệ rừng thanh thất và các loại rừng khác. Bình quân mỗi thành viên nhận khoán bảo vệ rừng khoảng 30 ha với đơn giá nhận khoán 400.000 đồng/ha/năm. Có nguồn vốn, các thành viên tổ cộng đồng mua gia súc chăn nuôi dưới tán rừng để phát triển kinh tế.

Cây thanh thất được trồng tại khu vực núi đá Chà Bang – Đá Bạc huyện Thuận Nam, Ninh Thuận. 

Để nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng, Ban Quản lý rừng phòng hộ ven biển huyện Thuận Nam đang giao khoán 2.147 ha rừng cho 4 nhóm cộng đồng với 78 hộ dân sống gần rừng. Các thành viên tham gia nhận khoán vừa bảo vệ, tuần tra, phòng chống cháy rừng vừa kết hợp chăn nuôi dưới tán rừng, tạo thành mô hình sinh kế bền vững.

Theo ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, với cây thanh thất, vùng đất khô cằn, khắc nghiệt phía Nam của tỉnh đang được hồi sinh một cách rõ rệt. Việc trồng thành công cây thanh thất đã góp phần phủ xanh các vùng núi đá, tăng độ che phủ rừng, tạo điều kiện cho người dân có thể chăn nuôi gia súc dưới tán rừng. Đồng thời, mở ra hướng mới trong việc lựa chọn loài cây triển vọng để trồng phục hồi rừng tại các khu vực rừng núi đá, rừng phòng hộ ven biển ở Ninh Thuận và cho cả khu vực Nam Trung bộ hiện nay.

Ninh Thuận hiện có diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng trên 204.200 ha; trong đó diện tích đất có rừng trên 155.400 ha, diện tích đất chưa có rừng trên 48.790 ha. Tỉnh xác định phát triển rừng không chỉ cải thiện môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học mà còn có ý nghĩa rất lớn trong việc hỗ trợ sinh kế cho người dân ở vùng đệm. Do đó, tỉnh đang đẩy mạnh các giải pháp bảo vệ và trồng rừng, phấn đấu năm 2021 nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 46,96%.

Để đạt mục tiêu, Ninh Thuận đang huy động nguồn lực từ các chương trình, dự án hỗ trợ triển khai nhân rộng các mô hình trồng rừng bằng cây thanh thất và các loại cây lâm nghiệp có khả năng thích ứng với khí hậu khô hạn, có giá trị kinh tế để áp dụng vào trồng rừng thay thế, rừng phòng hộ, đặc dụng, trồng rừng sản xuất tập trung. Đồng thời, tỉnh tăng cường tuyên truyền pháp luật về quản lý bảo vệ và phát triển rừng; kết hợp nhân rộng mô hình sinh kế dưới tán rừng để cải thiện thu nhập cho cộng đồng cư dân địa phương.

Nguồn