Thanh Tâm ·
1 năm trước
 2347

Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam: Chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển vững mạnh

Với chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam đã không ngừng phát triển về mọi mặt, góp phần vào thành tựu chung của ngành tài nguyên và môi trường, đưa đất nước tiến bước trên con đường phát triển bền vững.

Ngày 13/12, tại Hà Nội, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam đã tổ chức Hội nghị đại biểu toàn quốc và Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam (2002 – 2022). Đồng thời, tổ chức lễ khởi động dự án trồng 10 triệu cây xanh, bắt đầu từ năm 2023.

Hội Nước sạch và Vệ sinh Môi trường Việt Nam, được thành lập theo Quyết định số 06/2002/QĐ/BNV, ngày 4/10/2002 và được đổi tên thành Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam theo Quyết định số 377/QĐ-BNV, ngày 4/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và phê duyệt Điều lệ (sửa đổi) của Hội.

Toàn cảnh Hội nghị.

Với tư cách là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, đồng thời là thành viên của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hội tập hợp rộng rãi các cá nhân và tổ chức, tranh thủ và phát huy mọi nguồn lực nhằm góp phần bảo đảm chất lượng nước sinh hoạt, bảo vệ môi trường, nâng cao sức khỏe nhân dân, phát triển bền vững đất nước.

Hội hoạt động trong phạm vi cả nước trong lĩnh vực nước sạch và môi trường, các lĩnh vực liên quan đến nước sạch và môi trường dưới sự quản lý Nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường, sự bảo trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam; là cầu nối giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với cộng đồng xã hội nhằm thực hiện tốt công tác xã hội hóa về cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Với chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam đã không ngừng phát triển về mọi mặt, góp phần vào thành tựu chung của ngành tài nguyên và môi trường, cùng góp sức với xu thế phát triển mới như mục tiêu kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, carbon thấp để sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu góp phần đưa đất nước tiến bước trên con đường phát triển bền vững.

Lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trao cờ thi đua cho Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ , TS Nguyễn Linh Ngọc – Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho biết, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, tự nguyện của những cá nhân, tổ chức hoạt động tâm huyết đến lĩnh vực nước sạch và môi trường. Hội tập hợp rộng rãi các cá nhân và tổ chức, tranh thủ và phát huy mọi nguồn lực nhằm góp phần bảo đảm chất lượng nước sinh hoạt, bảo vệ môi trường, nâng cao sức khỏe nhân dân. Hội được sự quản lý trực tiếp của Bộ Tài nguyên và Môi trường, sự bảo trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng.

Sau 20 năm hoạt động, Ban Chấp hành Hội qua các thời kỳ đoàn kết nhất trí, kết hợp chặt chẽ với các tổ chức hội ở các tỉnh, thành phố trong cả nước, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ của một số Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị đối với hoạt động của Hội nên đã đạt được những kết quả nhất định với các chương trình: “Đưa nước sạch đến với người nghèo”; “Biến chất thải thành tài nguyên”; “Cùng cộng đồng chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam đã tổ chức lễ phát động dự án trồng 10 triệu cây xanh, khởi động từ 2023.

Ghi nhận những đóng góp, thành tựu của Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam trong thời gian qua, tập thể TW Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam đã vinh dự đón nhận Cờ thi đua xuất sắc của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam.

PGS.TS Phạm Quang Thao - Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội KHKT Việt Nam cho biết, trong thời gian qua với tư cách là Hội thành viên của Liên hiên các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam đã tập hợp rộng rãi cá cá nhân, các trí thức, chuyên gia, nhà khoa học và tổ chức trong lĩnh vực nước và môi trường, đã tranh thủ và phát huy các nguồn lực nhằm góp phần bảo đảm chất lượng nước sinh hoạt, bảo vệ môi trường, nâng cao sức khỏe nhân dân, phát triển bền vững đất nước, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam là cầu nối giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với cộng đồng xã hội nhằm thực hiện tốt công tác xã hội hóa về cung cấp nước sạch, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

“Phát huy kết quả đã đạt được trong thời gian qua, để đáp ứng định hướng phát triển bền vững đất nước trong thời gian tới, đề nghị Hội tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được từ nhiệm kỳ trước, đồng thời có nhiều sáng kiến, đóng góp hiệu quả cho các dự thảo, chiến lược, quyết sách quan trọng liên quan tới lĩnh vực nước sạch và môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, những cam kết quốc tế mà Việt Nam chúng ta đã ký kết phấn đấu để đến năm 2050 phát thải ròng bằng “0”; cũng như các định hướng của Liên hiệp Hội Việt Nam; Tiếp tục phát huy và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ trí thức, các nhà nghiên cứu về khoa học và công nghệ; Đẩy mạnh hợp tác với các Hội trong và ngoài Liên hiệp Hội Việt Nam, thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia nhiều hơn vào các hoạt động nước sạch và môi trường”, PGS.TS Phạm Quang Thao nhấn mạnh.

Tại hội nghị, đại diện Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam đã thông báo về việc dự kiến đổi tên và sửa đổi Điều lệ của Hội. Theo đó, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam dự kiến đổi tên thành Hiệp hội Nước và Môi trường Việt Nam.

Tại Gala kỷ niệm 20 năm thành lập Hội, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam đã tổ chức lễ khởi động dự án trồng 10 triệu cây xanh, bắt đầu từ năm 2023. Điểm khởi động tại Khu bảo tồn đất ngập nước RAMSAR Láng Sen tỉnh Long An, là khu Ramsar thứ 7 của Việt Nam. Dự án sẽ kêu gọi các hội viên, các doanh nghiệp, các quỹ tín dụng xanh đồng hành và tài trợ.

Dự án nhằm hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh Vì một Việt Nam xanh của Thủ tướng chính phủ giai đoạn 2021-2025, hưởng ứng Cam kết của Việt Nam tại COP26 phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và 2 cam kết tham gia sáng kiến Giảm phát thải khí methan toàn cầu và cam kết thực hiện tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất.