Trong những ngày qua, các đám cháy gần như không suy giảm ở nhiều nơi tại Hy Lạp, trong đó dữ dội nhất là cháy rừng trên đảo Evia, hòn đảo lớn thứ hai của Hy Lạp nằm ngoài khơi phía Đông phần đất liền của Athens.
Ông Makis Ladogiannakis, 77 tuổi, cư dân trên đảo Evia, nơi người dân sống bằng nghề làm nho khô và trồng ôliu, cho biết: "Lửa thiêu rụi tất cả, không còn lại gì. Đây là vụ cháy lớn nhất và thảm họa nhất ở làng này".
Gần 500 lính cứu hỏa đã làm việc xuyên đêm để bảo vệ các khu làng, đất đai, nhà cửa và rừng rậm rạp trên đảo này.
Ảnh vệ tinh ngày 8/8 cho thấy cháy rừng tàn phá khu vực rộng lớn trên đảo Evia và tiếp tục lan ra.
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho hay, vụ cháy rừng tàn phá đảo Evia là một phần trong chuỗi thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra bởi hành vi con người. Khói bốc lên từ đám cháy che khuất ánh nắng mặt trời giữa thời tiết nóng nhất mà Hy Lạp từng ghi nhận trong 30 năm qua.
Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cho biết, đất nước đã trải qua thảm họa sinh thái lớn nhất trong vài thập kỷ qua, khi nhiều ngọn lửa bùng phát trên khắp Hy Lạp do đợt nắng nóng kéo dài gần đây.
“Khủng hoảng khí hậu đang ở đây, và mọi thứ cần phải thay đổi, từ định hướng của nền kinh tế, chính sách năng lượng quốc gia đến hoạt động của nhà nước và hành vi của mỗi người dân trong mối quan hệ với môi trường”, Thủ tướng Hy Lạp nói.
Lính cứu hỏa cố gắng dập lửa ở làng Pefki, trên đảo Evia, Hy Lạp. (Ảnh: Reuters)
Ông Mitsotakis nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng khí hậu đòi hỏi một cách tiếp cận khác biệt. Và, tình hình hiện nay đã biện minh cho sự lựa của ông, đó là "đưa môi trường trở thành một ưu tiên quốc gia”. Nhà lãnh đạo quốc gia này cũng cho biết thêm, Luật Môi trường mới sẽ được thông qua trong những tháng tới.
Các đám cháy bùng phát trong bối cảnh Hy Lạp đang trải qua đợt nắng nóng tồi tệ nhất trong hơn 30 năm qua. Theo đó, khoảng 1.000 lính cứu hỏa, 9 máy bay, 200 xe chữa cháy đã được gửi đến Hy Lạp từ các nước châu Âu để hỗ trợ dập lửa.
Theo báo cáo của IPPC, nhiệt độ toàn cầu về dài hạn sẽ tăng lên, với mức tăng 1,5 độ C đủ để gây ra nhiều đợt nắng nóng, lũ lụt và hạn hán. Việc mức nhiệt tăng 2 độ C có thể khiến hệ thống nông nghiệp và y tế trên thế giới thất thủ. |