Đây chính là bộ tài liệu “Hướng dẫn thực thi pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã 2021” do Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) phát hành ngày 7/6/2021 vừa qua.
Tài liệu “Hướng dẫn thực thi pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã 2021” nhằm hỗ trợ cơ quan chức năng trong quá trình quản lý, bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) và xử lý các vi phạm có liên quan.
Tài liệu “Hướng dẫn thực thi pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã” của ENV đã ra mắt từ năm 2018 và được sửa đổi, bổ sung hàng năm trên cơ sở phân tích nội dung các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD có hiệu lực pháp luật tại thời điểm phát hành.
Tài liệu cung cấp đầy đủ căn cứ pháp lý, cách thức xử lý một số vi phạm thường gặp liên quan đến ĐVHD cũng như biện pháp xử lý ĐVHD sau khi bị tịch thu hoặc nhận chuyển giao từ người dân. Bên cạnh đó, tài liệu cũng đính kèm danh mục các loài ĐVHD theo các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, tình trạng bảo vệ của mỗi loài và hướng dẫn các giấy tờ, điều kiện để thực hiện hợp pháp các hoạt động liên quan đến ĐVHD.
Sau khi phát hành, ENV đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các cơ quan chức năng về tài liệu, đánh giá đây là một công cụ hữu ích hỗ trợ các cơ quan trong công tác quản lý bảo vệ ĐVHD và xử lý các vụ án, vụ việc vi phạm về ĐVHD.
Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa phát hành tài liệu “Hướng dẫn thực thi pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã 2021”
Những điểm mới đáng chú ý của ấn bản 2021 như sau:
• Cập nhật nội dung của một số văn bản quy phạm pháp luật mới có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2021 như Luật Đầu tư 2020 và Nghị định 38/2021/NĐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.
• Bổ sung hướng dẫn xử lý với các hành vi vi phạm liên quan đến những loài không có phân bố tự nhiên tại Việt Nam (loài ngoại lai).
• Bổ sung các quy định xử phạt có liên quan đến kiểm dịch ĐVHD và bảo vệ môi trường- là những vấn đề thường xảy ra trong hoạt động nuôi nhốt, buôn bán, vận chuyển ĐVHD.
• Đính kèm Danh sách các doanh nghiệp có khả năng thẩm định giá đối với động vật hoang dã nhằm hỗ trợ các cơ quan chức năng trong việc giải quyết các vụ án cần phải tiến hành định giá đối với ĐVHD.
Bà Bùi Thị Hà – Phó Giám đốc ENV cho biết: “Hiện nay, hoạt động nuôi nhốt, buôn bán, vận chuyển các loài ĐVHD không có phân bố tự nhiên tại Việt Nam (loài ngoại lai) phục vụ thú chơi “sinh vật cảnh” của một bộ phận người dân đang diễn biến phức tạp, gia tăng mạnh trong thời gian vừa qua. Các hoạt động này không những tiềm ẩn nhiều nguy cơ lớn đối với đa dạng sinh học mà còn mang rủi ro lan truyền các dịch bệnh nguy hiểm có nguồn gốc từ ĐVHD. ENV hi vọng trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ quan tâm xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến ĐVHD, đặc biệt là các vi phạm liên quan đến loài ĐVHD không có tự nhiên tại Việt Nam và loài ngoại lai xâm hại”.
1.000 bản in tài liệu này sẽ được gửi tới các cơ quan thực thi pháp luật, Tòa án, Viện Kiểm sát trên khắp cả nước để hỗ trợ hiệu quả các nỗ lực thực thi pháp luật, xử lý các vi phạm về ĐVHD tại Việt Nam.
Theo thông tin từ Tạp chí Môi trường Đô thị