Lưu trữ năng lượng là ‘mắt xích’ ở Việt Nam
Theo các chuyên gia năng lượng, ở quy mô lưới điện, lưu trữ năng lượng là "mắt xích" còn thiếu trong hệ thống năng lượng tái tạo.
Bằng cách tích trữ năng lượng khi nó dồi dào, rẻ tiền và xanh, các nhà máy điện mặt trời và điện gió của Việt Nam sẽ không phải xả bỏ vào những buổi trưa vì quá dư thừa, lượng điện lưu trữ này sẽ được sử dụng vào buổi tối nhất là thời điểm cao điểm (17 giờ đến 20 giờ), thậm chí khi mặt trời bị mây che, vừa có lợi cho doanh nghiệp vừa có lợi cho ngành điện vì giảm chi phí phát điện do phải chạy dầu để bù đỉnh vào giờ cao điểm.
Mặt dù là quốc gia xuất phát sau, điện mặt trời ở Việt Nam chỉ bắt đầu phát triển vào năm 2018 sau khi Chính phủ ban hành chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời theo Quyết định 11/2017/QĐ-TTg, nhưng chỉ riêng trong năm 2020 Việt Nam đã làm cho thế giới phải kinh ngạc với việc tăng trưởng nhanh chóng trong lĩnh vực năng lượng mặt trời, với việc bổ sung thêm vào lưới điện hơn 4 GWp điện mặt trời mặt đất và 9 GWp điện mặt trời mái nhà chỉ trong thời gian rất ngắn, đưa tổng công suất các loại hình điện mặt trời ở Việt Nam lên tới gần 17 GW(ac).
Việc điện mặt trời phát triển quá nhanh này không khỏi làm cho các nhà hoạch định chính sách cho đến các chuyên gia năng lượng bất ngờ và ngạc nhiên.
Tuy nhiên cũng giống như các quốc gia đi trước Việt Nam cũng đối diện với vấn đề dư thừa do mất cân đối giữa cung và cầu ở một số thời điểm, cụ thể từ đầu tháng 1/2021 đến nay trong khi nhu cầu tiêu thụ điện sụt giảm do ảnh hưởng Covid-19 thì lượng điện mặt trời lại sinh ra dồi dào nhất là lúc giữa trưa, gây căng thẳng và nguy hiểm cho lưới điện… để đảm bảo kỹ thuật vận hành an toàn, buộc EVN phải cắt giảm bớt lượng điện phát lên lưới điện từ năng lượng mặt trời và cả các nguồn điện truyền thống khác, đồng nghĩa với lãng phí và thiệt thòi cho những nhà đầu tư.
Có 3 phương án lưu trữ điện mặt trời phổ biến nhất gồm: Lưu trữ quay/tụ điện (đáp ứng khoảng thời gian ngắn), lưu trữ điện hóa Batteries với thời gian lưu trữ trung bình từ vài giờ với dung lượng không quá lớn; Lưu trữ thủy điện tích năng có thời gian lưu trữ dài hơn lên đến hàng tháng, hàng năm và khả năng lưu trữ đến vài GW.
Bà Ngụy Thị Khanh – Giám đốc Trung tâm Phát triến Sáng tạo xanh GreenID dự báo, giá của pin lưu trữ năng lượng sẽ tiếp tục giảm khoảng hơn 80% vào 2030 so với mốc thời điểm năm 2020. Giá pin lưu trữ ở các dự án năng lượng tái tạo như Australia, Pháp… khoảng 70 USD/kWh.
Cần có cơ chế thúc đẩy thị trường pin tích trữ năng lượng
Để hướng tới cam kết Net Zero vào năm 2050 như cam kết của lãnh đạo Chính phủ tại Hội nghị COP 26, theo các chuyên gia, Việt Nam cần sớm có cơ chế để thúc đẩy thị trường pin tích trữ năng lượng phát triển.
Ông Nguyễn Văn Lượng cho hay, tại Việt Nam, quy hoạch tổng công suất thủy điện vào khoảng 2.400 MW; Trong đó, thủy điện tích năng Bắc Ái do EVN thực hiện là 1.200 MW. Tuy nhiên, hiện chưa có cơ chế cụ thể cho loại hình thủy điện này như: Cơ chế mua – bán điện, cơ chế vay vốn…
“Với hệ thống lưu trữ như pin, quy mô lắp đặt tối ưu cho hệ thống như thế nào và khu vực nào cần thiết lắp đặt? Việc phối hợp với đầu tư nguồn và lưới điện trong thời gian tới sẽ ra sao? Đây là bài toán tối ưu chi phí hệ thống điện và hiệu quả đầu tư. Tất cả vấn đề này cần có sự nghiên cứu, tính toán trong quy hoạch tổng thể và hiện trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII chúng ta vẫn chưa có”, ông Nguyễn Văn Lượng cho hay. Do vậy, Chính phủ cần tiếp tục triển khai các dự án thí điểm tại các khu vực có nguồn năng lượng tái tạo cao và hệ thống điện đang quá tải; Đưa vào Quy hoạch Điện VIII quy mô đầu tư hệ thống lưu trữ phù hợp với kịch bản phát triển nguồn và lưới điện. Đồng thời, có cơ chế và chính sách để phát triển lưu trữ đồng bộ với cơ chế phát triển năng lượng tái tạo như: Quy định cơ chế ưu đãi về giá mua bán, giá nạp điện, ưu tiên huy động, chính sách ưu đãi hoặc hỗ trợ vốn… |