Chiếm đất công trong thời gian dài
Sáng ngày 24/3/2022, ông Nguyễn Trọng Khương – Chủ tịch UBND xã Cam Hải Đông, huyện Cam Đông, tỉnh Khánh Hoà thông tin tới Tạp chí Kinh tế Môi trường về việc chính quyền địa phương đang tổ chức phương án xử lý tình trạng lấn chiếm đất công, biểu hiện xây dựng trái phép, chắn lối xuống biển của người dân tại dự án The Anam Resort. Đây là dự án do Công ty TNHH MTV Biển Đông Bãi Dài (doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái của Tập đoàn Anam do doanh nhân Phạm Văn Hiến điều hành) làm chủ đầu tư.
Dự án The Anam Resort được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2019 với diện tích gần 12 ha. Mới đây, đại diện Phòng TN&MT – UBND huyện Cam Lâm xuống dự án này kiểm tra, đối chiếu với hồ sơ giao đất cho doanh nghiệp làm dự án, phát hiện: Công ty TNHH MTV Biển Đông Bãi Dài đã lấn chiếm một phần đất ven biển để trồng cây tạo cảnh quan, rào chắn làm lối đi riêng và sử dụng vào mục đích kinh doanh. Phần cuối đường N4, Công ty TNHH MTV Biển Đông Bãi Dài đã xây dựng tường cao hơn 3 mét, dài khoảng 100 mét và lát đá làm lối đi riêng. Trong đó có một đoạn đã chắn lối đi xuống biển của người dân.
Theo phản ánh của người dân, phần đất bị Công ty TNHH MTV Biển Đông Bãi Dài lấn chiếm có bảo vệ túc trực thường xuyên. Công trình sai phạm trên đã lấn chiếm lối xuống biển, che gần hết tầm nhìn ra biển. Hiện sai phạm này của Công ty TNHH MTV Biển Đông Bãi Dài chưa được xử lý.
Phần tường cao hơn 3m, dài khoảng 100m và lát đá làm lối đi riêng
của dự án chắn lối đi xuống biển của người dân - Ảnh: MINH CHIẾN
Phần rào chắn của dự án The Anam Resort lấn chiếm đất ngoài ranh giới - Ảnh: MINH CHIẾN
Chủ tịch UBND xã Cam Hải Đông cho biết, khu vực dự án The Anam Resort do BQL Khu du lịch bán đảo Cam Ranh quản lý nên sai phạm của Công ty TNHH MTV Biển Đông Bãi Dài có thể diễn ra trong thời gian dài nhưng chỉ khi có kết luận kiểm tra của Phòng TN&MT huyện Cam Lâm thì chính quyền xã mới biết được.
Bên cạnh đó, UBND xã Cam Hải Đông không có đầy đủ công cụ để đo đạc nên việc xác định mốc giới, ranh giới đất tại các dự án The Anam Resort còn gặp nhiều khó khăn.
Nhiều dự án ở Khánh Hoà che lấp tầm nhìn biển
Được biết, không chỉ có dự án The Anam Resort bị phản ánh che lấp tầm nhìn, chắn lối xuống biển gây ra nhiều bức xúc trong dư luận. Trước đó, hàng loạt các công trình như Sailing Club, Louisiane, Four Season, khu resort Ana Mandara... bị phản ánh che lấp tìm nhìn biển ở Khánh Hoà.
Tại dải công viên phía đông đường Trần Phú, Khu phức hợp Ana Mandara Nha Trang (thuộc phường Lộc Thọ) là dự án chắn biển Nha Trang có quy mô lớn nhất hiện nay. Mặc dù UBND tỉnh Khánh Hòa đã ra “tối hậu thư” yêu cầu chủ đầu tư muộn nhất là cuối quý 4/2021 phải di dời, nhưng chủ đầu tư vẫn trì hoãn.
Khu giải trí Bốn Mùa - E-land Four Seasons nằm dọc theo bờ biển đường Trần Phú, TP. Nha Trang, được xây dựng từ năm 2014. Khi đi vào hoạt động, dự án cũng gặp phải sự phản đối quyết liệt của dư luận. Được biết, dự án do Công ty TNHH Bốn Mùa Nha Trang làm chủ đầu tư với số vốn khoảng 150 tỷ đồng.
Cuối năm 2013, giai đoạn 1 của công trình đi vào hoạt động gồm: Nhà hàng nổi có diện tích gần 800 m2 kinh doanh ăn uống; tầng hầm có tổng diện tích 2.785m2, sâu 4,51m là khu spa, bar, sàn nhảy… Tuy nhiên, do khu nhà hàng như một khối bê tông che khuất hoàn toàn tầm nhìn ra biển nên vấp phải phản ứng của người dân.
Sau đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phải yêu cầu chủ đầu tư sửa chữa, cải tạo theo hướng giảm mật độ xây dựng, bỏ bớt các công trình che chắn tầm nhìn ra biển Nha Trang.
Dự án Công viên Phù Đổng Nha Trang (do Công ty TNHH Invest Park Nha Trang làm chủ đầu tư) có vốn hơn 120 tỉ đồng, triển khai xây dựng từ năm 2014. Trong quá trình làm dự án này, chủ đầu tư đã cho xây dựng nhiều công trình bê tông kiên cố, làm chắn tầm nhìn ra biển, bị người dân và báo chí phản ánh mạnh mẽ.
Dự án Khu du lịch và nghỉ dưỡng Năm Sao Đại Lãnh với diện tích hơn 19,8 ha do Công ty Cổ phần Du lịch Năm Sao làm chủ đầu tư. Khi triển khai dự án, doanh nghiệp đã xây tường rào chắn lại đường đi, không cho người dân đi khu vực này nữa. Trong khi, con đường mới xuống bãi biển Đại Lãnh nằm ở vị trí không thuận tiện cho nhu cầu đi lại, sinh hoạt và làm ăn, người dân địa phương đã đập bỏ một phần tường rào chắn nằm trong khu vực của dự án để đi lại.
Trước phản ánh từ dư luận về không gian biển bị “cát cứ”, đầu năm 2021, tỉnh Khánh Hòa quyết định thu hồi 10.000 m2 mặt nước biển tại khu vực Bãi Dương, đường Trần Phú để phục vụ dân sinh (khu này trước đây được cho Công ty Sovico Khánh Hòa thuê sử dụng). Đến tháng 3/2021, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã giao Sở KH-ĐT rà soát, tham mưu UBND tỉnh để tiến hành thu hồi gần 22.000 m2 đất tại dự án công viên Phù Đổng
Chiếu theo luật Di sản văn hóa và quy hoạch hiện hành đã được Chính phủ phê duyệt, phía Đông bãi biển Nha Trang (nằm trong quần thể danh thắng vịnh Nha Trang) không được xây dựng các công trình kiên cố, bê tông làm ảnh hưởng chung đến bãi biển. Tuy nhiên, không hiểu vì sao đến nay, tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa tổ chức di dời hết các công trình trên để trả lại không gian chung cho người dân.
Theo ông Bùi Dũng, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa, vẫn tồn tại các công trình che chắn tầm nhìn ra biển thì cũng làm khó người dân và du khách khi xuống biển. Bởi các nhà hàng, resort dù không cấm, nhưng người dân cũng không ai đi xuyên qua đó để xuống tắm biển mà phải đi vòng phía ngoài.
“Tôi đồng tình là cần có các dịch vụ, quầy giải khát dọc bờ biển để phục vụ người dân và du khách vui chơi, tắm biển, nhưng phải nhẹ nhàng, thông thoáng, chứ không thể bịt cả tầm nhìn ra biển được. Như thế có cảm nhận như “khoanh” riêng cho một doanh nghiệp chứ không phải dành cho cộng đồng nữa”, ông Dũng nói.
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng Khánh Hòa, nói thêm: “Bãi biển Nha Trang rất đẹp nhưng có đặc điểm là hẹp, nếu đầu tư các công trình dọc công viên bờ biển thì dễ phá vỡ cảnh quan”.
Nguồn: Kinh tế Môi trường