TM ·
2 năm trước
 4617

Khoa học đang nghiên cứu về cách nấm “trò chuyện”

Nằm khuất dưới lớp đất mục trong rừng hoặc âm thầm mọc lên từ thân cây gỗ, nấm thường được coi là loài sống khép kín và luôn im lặng. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra nấm thực sự là bậc thầy giao tiếp.

Nấm chân chim 

Nằmkhuất dưới lớp đất mục trong rừng hoặc âm thầm mọc lên từ thân cây gỗ, nấm thường được coi là loài sống khép kín và luôn im lặng. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra nấm thực sự là bậc thầy giao tiếp.

Phân tích các tín hiệu xung điện mà nấm phát ra, các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều đặc điểm tương đồng với giọng nói của con người.

Các nghiên cứu trước đây thường cho rằng nấm dẫn truyền xung điện qua những sợi nấm dài – tương đương tế bào thần kinh ở người. Xung điện này chính là phương tiện giúp nấm chia sẻ thông tin về thức ăn, những tổn thương và kết nối với những người anh em nằm trong cùng hệ thống.

Tuy nhiên, hoạt động dẫn truyền này có gì giống với tiếng nói giao tiếp của con người?

Giáo sư Andrew Adamatzky tại Đại học Tây Anh Quốc đã tiến hành phân tích các dạng xung điện phát ra từ sợi của bốn loại nấm, bao gồm nấm kim châm (enoki), nấm chân chim, nấm ma và đông trùng hạ thảo.  Các vi điện cực với kích thước rất nhỏ đã được thêm vào chất nền của những sợi nấm.

“Không thể biết được liệu những xung điện này có mối liên quan nào với giọng nói của con người hay không. Có lẽ là không. Mặt khác, có rất nhiều điểm tương đồng trong cách xử lý thông tin của nhiều bộ, họ, loài khác nhau. Vì vậy, tôi rất tò mò muốn so sánh.”

Kết quả của nghiên cứu được công bố trên tạp chí Royal Society Open Science cho thấy những xung điện này thường tụ lại, hoạt động theo chuỗi, tương đương với khoảng 50 từ dùng trong giao tiếp. Độ dài của những “từ ngữ nấm” này cũng rất khớp với ngôn ngữ của con người.

Đặc biệt, nấm chân chim - thường mọc trên thân gỗ mục với vẻ ngoài khá giống một rạn san hô - có khả năng giao tiếp bằng những “câu” phức tạp nhất.

“Mặc dù thú vị nhưng phải mất rất nhiều thời gian và công sức nghiên cứu nữa mới có thể khẳng định đây có phải ngôn ngữ giao tiếp của nấm hay không.”