LH ·
2 năm trước
 3874

Khơi thông dòng vốn tín dụng bất động sản nửa cuối năm

Trong quý I/2022, tốc độ giải ngân tín dụng bất động sản ghi nhận mức tăng trưởng rất mạnh mẽ. Nhưng sang đến quý II các ngân hàng đã hạ nhiệt trong việc bơm vốn cho các hoạt động cho vay nhà đất. Liệu có kỳ vọng sự hồi phục trở lại cho 6 tháng cuối năm.

Giao dịch nhà đất chậm dần khi khó tiếp cận vốn ngân hàng

Thị trường bất động sản vào cuối tuần vừa qua đã đón nhận một thông tin tích cực đó là tại Hội Nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo: "Không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý, nhưng tăng cường kiểm tra, giám sát, không buông lỏng quản lý nhà nước".

Thực tế, trước khi có chỉ đạo trên của Thủ tướng Chính phủ, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản đã gặp không ít khó khăn đối với cả doanh nghiệp và người mua nhà. Trong quý II vừa qua đã ghi nhận các giao dịch nhà đất chậm dần và có dấu hiệu chững lại, một phần nguyên nhân được cho là khó tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Các doanh nghiệp BĐS kỳ vọng nửa cuối năm nay, dòng vốn tín dụng cho BĐS sẽ được khơi thông trước chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. (Ảnh minh họa)

"Hạn chế cho vay, ngày trước cho vay 24 tháng, giờ cho vay 12 tháng, tác động rất mạnh tới bất động sản", bà Nguyễn Thanh Tuyền, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Bất động sản Trường Phát cho hay.

Anh Nguyễn Ngọc Hà - Thành phố Hà Nội cho biết: "Ngân hàng khó có thể phân định được đâu là người mua thật sự, đâu là người đầu cơ. Như vậy chúng tôi tiếp cận vốn vay rất khó mà lại eo hẹp".

Một số nguyên nhân khiến nhà đất bị chững đã được các chuyên gia chỉ ra đó là từ tháng 4, một số ngân hàng báo hết room cho vay với bất động sản. Trong khi, theo một thống kê, 70% người đi mua nhà đất đều cần tới vay ngân hàng, dù là mua để ở hay đầu cơ. Lý do thứ hai là do các tỉnh, thành siết bán nhà 2 giá, buộc các giao dịch mua, bán nhà đất phải kê khai nộp thuế sát giá thị trường, lợi nhuận của các nhà đầu tư bị giảm sút. Và cuối cùng, giá tăng quá cao ở nhiều nơi, khiến người mua lập tức chần chừ. Nhưng việc khó hoặc không tiếp cận được vốn ngân hàng vẫn được xem là nguyên nhân chính.

TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia nói: "Cần phải rất cẩn trọng trong việc kiểm soát thu hẹp thị trường tín dụng bất động sản nếu không sẽ khó khăn rất lớn. Hầu hết tài sản thế chấp tại ngân hàng là bất động sản nếu không nó sẽ ngay lập tức tác động tới ngân hàng".

Dòng vốn tín dụng cho bất động sản sẽ được khơi thông

Trước chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là "Không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý nhưng tăng cường kiểm tra, giám sát, không buông lỏng quản lý nhà nước", các doanh nghiệp kỳ vọng, trong nửa cuối năm nay, dòng vốn tín dụng cho bất động sản sẽ được khơi thông, gỡ khó cho thị trường.

Thời gian trước đây thực hiện một giao dịch mua bán nhà ở chỉ mất 1-2 ngày thì sau khi có thông tin kiểm soát tín dụng đã kéo dài đến 10 ngày, vì người mua phải tìm nguồn vốn vay thay thế. Do đó, khi có chỉ đạo không siết tín dụng một cách bất hợp lý giúp kỳ vọng hoạt động kinh doanh nửa năm còn lại sẽ khả quan hơn.

"Đối với doanh nghiệp mà hoạt động tín dụng không bị siết chặt hoặc kiểm soát trong phạm vi cho phép thì các hoạt động của doanh nghiệp sẽ tốt dần lên do có nguồn vốn sẽ lưu thông tốt hơn. Đối với nhà đầu tư, khách hàng thực tế có nhu cầu mua thực cũng dễ dàng tiếp cận nguồn vốn hơn", ông Nguyễn Hữu Quang, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Danh Khôi cho hay.

Các chuyên gia cho rằng, xét về nguồn vốn của doanh nghiệp hiện nay rất lớn so với các giai đoạn trước. Ngoài ra, các dự án đang hình thành trong tương lai cũng là dòng vốn lớn mà doanh nghiệp có thể huy động.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng TS Đinh Thế Hiển đánh giá: "Chỉ cần bỏ ra khoảng 10-15% chúng ta đã có những dòng tiền vô và nếu đến 30% trong đó có ngân hàng cho vay thì chúng ta đã bắt đầu thu tiền khách hàng. Nguồn vốn của các công ty bất động sản Việt Nam là rất thuận lợi và rất nhiều so với các công ty bất động sản khác trên thế giới".

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, nửa đầu năm, thị trường bất động sản TP.HCM đối diện với nhiều vấn đề thiếu hụt nguồn cung, lệch pha phân khúc, thanh khoản sụt giảm… thì khơi thông tín dụng rất cần thiết. Để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội kiến nghị ngân hàng tiếp tục cho các chủ đầu tư vay, dự án dự án có tính khả thi lẫn cá nhân, gia đình tiếp cận vốn vay.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nói: "Chúng tôi đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại vẫn tiếp tục xem xét giải quyết nguồn vốn tín dụng cho các doanh nghiệp mà đây là các doanh nghiệp - khách hàng tin cậy của các ngân hàng. Tức khách hàng có uy tín về tín dụng, những khách hàng thanh toán lãi, trả nợ vay đúng hạn".

Ngoài vốn tín dụng, kênh trái phiếu cũng đóng vai trò quan trọng. Hiệp hội bất động sản TP.HCM cũng thống nhất với Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định 153 theo hướng chấn chỉnh, uốn nắn hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu riêng lẻ, để làm sạch thị trường trái phiếu.

Ngân hàng tập trung tín dụng bất động sản cho vay mua nhà

Theo thông tin, một số ngân hàng cho biết, trường hợp khó tiếp cận vốn vay ngân hàng chỉ diễn ra tại một số ngân hàng đã hết room tín dụng, đặc biệt vào thời điểm cuối quý I. Tuy nhiên, từ đầu tháng 7, nhiều khách hàng cho biết, họ còn thậm chí nhận được điện thoại chào mời các gói vay từ phía ngân hàng.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, đến thời điểm 31/5, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản là 2,33 triệu tỷ đồng, tăng 12,31% so với cuối năm ngoái. Đây là mức tăng cao và chiếm tỷ trọng hơn 20% trong tổng dư nợ tín dụng chung của nền kinh tế.

Hơn 5.000 nghìn tỷ đồng vốn đã được Ngân hàng PvcomBank dành để cho vay tiêu dùng, trong đó có bất động sản cho người dân có nhu cầu mua nhà, hay sửa chữa nhà cửa. Với những khách hàng có thu nhập ổn định có thể được mức lãi ưu đãi từ 5%/năm trong những tháng đầu.

Tương tự, Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình (ABBANK) cũng dành ưu đãi vốn cho những người có nhu cầu ở thực. Còn đối với vốn kinh doanh bất động sản, ngân hàng cho biết chỉ những chủ đầu tư có uy tín, dự án pháp lý rõ ràng, hoặc các dự án có vốn đầu tư công, mới được xem xét giải ngân.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng lĩnh vực bất động sản tập trung chủ yếu vào mục đích tự sử dụng, tức nhu cầu nhà ở, chiếm 66,3% tổng dư nợ. Còn lại, kinh doanh bất động sản chiếm 33,7%.

Như vậy, đa số các ngân hàng được hỏi đều cho biết, đối với mảng bất động sản mua để ở, phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân việc cho vay vẫn đang diễn ra bình thường. Còn đối với lĩnh vực cho vay đầu tư các dự án mới, các chuyên gia cho rằng, cần phải phân loại và xem xét cấp vốn đối với các dự án tốt, tính khả thi cao. Bởi nếu tiếp tục thắt chặt việc cho vay không hợp lý sẽ dẫn đến nguồn cung dự án mới ngày càng khan hiếm, trực tiếp đẩy giá nhà tăng cao.

Theo: Kinh tế Môi trường