Được xây dựng với kinh phí 53 triệu USD, tương đương khoảng 1.300 tỷ đồng để phục vụ SEA Games năm 2003 tổ chức tại Việt Nam, kể từ đó đến nay, sân vận động Quốc gia Mỹ Đình chưa từng được sửa chữa, chỉnh trang toàn diện lần nào.
Khu liên hợp thể thao quốc gia - là đơn vị quản lý sân vận động Mỹ Đình cũng là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng cục Thể dục thể thao. Từ năm 2009 đến nay, khi được giao thực hiện tự chủ tài chính 100%, nguồn thu của khu liên hợp đến từ việc cho thuê đất,và các dịch vụ.
Hàng loạt sai phạm nghiêm trọng dẫn đến thất thoát số tiền hàng trăm tỷ đồng của ngân sách nhà nước tại đơn vị quản lý sân vận động Mỹ Đình
Thế nhưng tại kết luận thanh tra toàn diện việc chấp hành các quy định của pháp luật về công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công tại KLHTTQG (đơn vị quản lý sân vận động Mỹ Đình, Cung thể thao dưới nước) trong giai đoạn 2009-2018 vào tháng 6/2021 vừa qua, kết luận đã cho thấy hàng loạt sai phạm nghiêm trọng dẫn đến thất thoát số tiền hàng trăm tỷ đồng của ngân sách nhà nước.
Xin miễm giảm 658 tỉ đồng tiền nợ thuê đất do không có khả năng truy thu?
Về hưu từ tháng 1/2018, trong thời kỳ giữ chức giám đốc Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình (từ năm 2009), ông Cấn Văn Nghĩa đã không làm đúng nhiều quy định của nhà nước về quản lý và sử dụng tài sản công.
Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình dưới thời ông Nghĩa làm giám đốc đã không thực hiện công khai (năm 2009-2012), cố ý không thực hiện công khai (từ năm 2013) các hợp đồng cho thuê mặt bằng tại các khu đất, vi phạm quy định của Bộ Tài chính.
Ông Cấn Văn Nghĩa
Mới đây, kiểm điểm về những sai phạm và thất thoát đã xảy ra, Ban giám đốc Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình vừa có báo cáo gửi Thanh tra Chính phủ, Bộ VHTT&DL, Tổng Cục TDTT, trong đó có đề xuất xin miễm giảm 658 tỉ đồng tiền nợ thuê đất do không có khả năng truy thu.
Trong thời gian đương chức, Giám đốc khu liên hợp thể thao đã giảm trừ tiền, thời gian tính tiền thuê mặt bằng cho 15 doanh nghiệp với lý do không rõ ràng, chưa khách quan, không được thông qua Đảng uỷ, Ban Giám đốc, Công đoàn; cho 7 doanh nghiệp thuê mặt bằng với đơn giá thấp hơn trong Quy chế quản lý, sử dụng, khai thác cơ sở vật chất; chưa thu được hết tiền cho thuê mặt bằng của 5 doanh nghiệp; hạch toán thiếu công nợ phải thu của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Đầu tư Kinh Bắc từ năm 2012, làm giảm nguồn thu của khu liên hợp với tổng số tiền gần 9,4 tỉ đồng.
Khu liên hợp đã thanh lý hợp đồng cho thuê ngày 30/4/2018 nhưng vẫn để một số doanh nghiệp tiếp tục cho thuê lại mặt bằng sau thời điểm thanh lý. Khu liên hợp cũng đã vi phạm quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, tài sản công. Không lập đề án sử dụng tài sản công theo quy định của Chính phủ.
Các DN và Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình đã không nộp tiền thuê đất cho ngân sách Nhà nước với con số lên tới 658 tỷ đồng.
Đến thời điểm này Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình đang không thể thực hiện truy thu và nhiều khả năng số tiền này có nguy cơ thất thoát. Vì vậy, Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình đề nghị Tổng cục TDTT báo cáo Bộ VHTT&DL thống nhất với Bộ Tài chính và UBND TP Hà Nội trình Chính phủ cho phép miễn truy thu nộp tiền thuê đất cho Nhà nước.
Vậy nếu như không thể thực hiện truy thu số tiền hàng trăm tỉ đồng thất thoát này, liệu có thể chỉ miễn truy thu và kiểm điểm trách nhiệm của Giám đốc khu liên hợp thể thao hay sao? Trong khi sai phạm diễn ra trong một khoảng thời gian rất dài, sai phạm cứ chồng sai phạm cho đến tận thời điểm thanh tra thì số tiền thất thu đã lên tới vài trăm tỉ đồng.
Vậy số tiền thất thu này đã đi về đâu, và ai là người đã được hưởng lợi từ số tiền này? Mong các cơ quan chức năng điều tra làm rõ trách nhiệm, để tìm ra nguồn cơn của những khoản mất mát ngân sách, kiểm điểm xử lý đúng người đúng tội và đúng quy định của pháp luật!
Đội giá thầu gây thất thu tiền tỉ nhưng vẫn... giảm lương nhân viên?
Bên cạnh đó, thanh tra còn chỉ rõ những sai phạm trong việc đầu tư xây dựng, mua sắm tại dự án. Cụ thể, Cỏ bermuda là loại cỏ được nhập khẩu từ Thái Lan. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, khi triển khai dự án cải tạo mặt sân tập số 2, giá loại cỏ này khi trúng thầu đã được nâng lên gấp hơn 6 lần so với giá cỏ nhập khẩu trên thực tế. Vì thế nếu không thu hồi được sẽ gây thất thoát hơn 2,3 tỷ đồng nguồn vốn nhà nước.
Mặt cỏ được truyền thông nước bạn miêu tả là "như bãi chăn bò" có giá cao gấp 6 lần thực tế
Quá trình thực hiện dự án cải tạo mặt sân tập số 1 cũng có nhiều khâu sai quy định khiến đội giá hơn 3,2 tỷ đồng so với giá trị trên thực tế.
Công ty TNHH Thể thao Quang Tuyến mặc dù không đủ điều kiện về năng lực, kinh nghiệmvẫn trúng thầu thi công dự án cải tạo mặt sân điền kinh. Giá vật liệu trong hợp đồng được nâng lên gần 2,5 lần so với giá nhập khẩu nên dự án đã đội giá hơn 11,6 tỷ đồng.
Tại bể bơi trong nhà Cung thể thao dưới nước, dù hệ thống làm nóng nước bể bơi đang sử dụng được nhưng vẫn được thay thế bằng hệ thống mới. Theo kết luận, chỉ riêng giá thiết bị khi quyết toán đã cao gấp 7,5 lần giá nhập khẩu, chênh lệch hơn 6,1 tỷ đồng.
Thất thoát số tiền lên đến hàng trăm tỉ đồng trong quá trình xây dựng, duy tu, vận hành và khó có khả năng thu hồi. Trong khi đó, trên thực tế rất nhiều hạng mục tại sân vận động Mỹ Đình đã xuống cấp nghiêm trọng, vẫn phải chờ để cải tạo sửa chữa.
Hệ thống phòng cháy chữa cháy tại sân vận động đã hư hỏng, không hoạt động nhiều năm nay. Tại khu vực khán đài C và D xuống cấp dẫn đến sụt lún nhưng dự án cải tạo chưa hoàn thành vì thiếu kinh phí.
Riêng mặt sân Mỹ Đình, mặt cỏ được thay cách đây 10 năm và đến nay chưa từng một lần thay mới. Đây cũng là một trong những yếu tố được nhắc đến trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Australia mới diễn ra vừa qua, truyền thông của đội bạn đã ví mặt sân Mỹ Đình như "bãi chăn bò", cơ sở vật chất tại SVĐ Mỹ Đình cũng khiến nhiều người xem thất vọng và cho rằng chính chất lượng mặt cỏ đã khiến đội tuyển Việt Nam thi đấu không đúng phong độ gây ra nhiều kết quả đáng tiếc.
Nhiều khán giả cho rằng chính chất lượng mặt cỏ đã khiến đội tuyển Việt Nam thi đấu không đúng phong độ gây ra nhiều kết quả đáng tiếc
Thậm chí, trên thực tế, từ tháng 8/2021, Khu liên hợp thể thao quốc gia đã phải giảm 50% lương của nhân viên vì thiếu kinh phí trang trải.
Vậy, với những sự việc "đội giá" từ vài tỉ cho đến hàng chục tỉ trên một hạng mục mua sắm đã xảy ra, câu hỏi đặt ra là có thể truy thu được không, ai là những người có trách nhiệm liên quan đến việc làm đội giá thầu này?
Số tiền thấy thoát đã lên tới hàng trăm tỉ đồng. Trong khi đó SVĐ Mỹ Đình - bộ mặt của thể thao Việt Nam lại xuống cấp thảm hại, thậm chí xuất hiện với hình ảnh nhếch nhác trên truyền thông quốc tế là một điều đáng buồn. Mặc dù sự việc quã qua nhiều năm, nhưng cần chế tài xử phạt nghiêm minh để tránh tiền lệ xấu trong việc quản lý và vận hành SVĐ Mỹ Đình trong tương lai.
Được biết, trong đề án đăng cai và tổ chức SEA Games 31, Chính phủ đã đồng ý cấp kinh phí để sửa chữa và nâng cấp Khu liên hợp thể thao quốc gia với số tiền khoảng 408 tỷ đồng. Theo dự kiến, một nửa trong số này được dùng để mua trang thiết bị thi đấu ở các bộ môn: điền kinh, bơi lội. Chi phí còn lại sẽ dùng để tu sửa hàng loạt hạng mục đang xuống cấp tại sân vận động Quốc gia Mỹ Đình.