Thành Phong ·
1 năm trước
 3512

Kiểm soát chất lượng môi trường trong hoạt động phát triển chăn nuôi

Công tác bảo vệ môi trường thời gian qua, thu gom, xử lý chất thải trong lĩnh vực nông nghiệp đã được cấp ủy, chính quyền địa phương, đoàn thể các cấp, các sở, ban, ngành tổ chức triển khai thực hiện bước đầu đã tạo được sự chuyển biến, khả quan.

Cùng với mục tiêu duy trì ổn định phát triển chăn nuôi trên địa bàn, các ngành, địa phương Quảng Ninh đang ngày càng chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, kiểm soát, xử lý các nguồn thải, hạn chế những tác động tới môi trường trong phát triển ngành chăn nuôi.

Thống kê của Sở NN&PTNT cho hay, toàn tỉnh hiện có 41.092 cơ sở chăn nuôi, trong đó có 1.244 trang trại chăn nuôi và 39.848 cơ sở chăn nuôi nông hộ. Tỷ lệ chất thải được thu gom, xử lý chiếm khoảng 79,6%. Trong đó, chất thải xử lý bằng sử dụng công trình khí sinh học (biogas) với trên 9.000 hầm Biogas (chiếm 22,6%). Hầu hết các trang trại đều có công trình xử lý chất thải, không xả thẳng ra môi trường; các doanh nghiệp, các trang trại chăn nuôi lớn đã quan tâm thực hiện xử lý môi trường.

Chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, kiểm soát, xử lý các nguồn thải, hạn chế những tác động tới môi trường trong phát triển ngành chăn nuôi. (Ảnh minh họa)

Tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo đảm bảo vệ sinh môi trường chăn nuôi, trong đó ban hành quyết định quy định mật độ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Theo đó, mật độ chăn nuôi của tỉnh đến năm 2030 tối đa không vượt quá 1,8 đơn vị vật nuôi/ha đất nông nghiệp.

Các địa phương triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm tuyên truyền phổ biến, giáo dục chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường cho các hộ chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm; vận động các hộ dân đầu tư xây dựng hầm bioga để xử lý chất thải trong chăn nuôi; hỗ trợ người dân di chuyển chuồng trại chăn nuôi ra xa nơi ở...

Các địa phương tích cực chuyển dịch chăn nuôi từ nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung theo trang trại, gia trại; duy trì chăn nuôi nông hộ theo hình thức công nghiệp và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến; chuyển dịch chăn nuôi tập trung trang trại từ vùng có mật độ dân số cao đến những vùng có mật độ dân số thấp, hình thành các vùng chăn nuôi trọng điểm tại các xã, huyện phù hợp với quy hoạch. Toàn tỉnh hiện có khoảng 240 trang trại chăn nuôi các loại; trong đó có 28 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAP.

Với những kết quả đạt được, theo đánh giá của Sở NN&PTNT, thực trạng thu gom, xử lý chất thải trong chăn nuôi tại tỉnh hiện nay còn nhiều bất cập. Trong đó, nhiều cơ sở chăn nuôi có sử dụng hệ thống xử lý chất thải nhưng lại vượt quá quy mô công suất, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường; tỷ lệ chăn nuôi nông hộ cao, theo tập quán một số hộ dân vẫn chăn nuôi theo hình thức (chăn thả, nhốt) gần khu sinh hoạt gia đình...

Thống kê cho thấy, chất thải trong hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm phát sinh trong quá trình chăn nuôi ước tính 650 tấn/ngày, đêm. Trong đó, một phàn được xử lý qua hệ thống Biogas, số còn lại xả thẳng ra môi trường và tập trung chủ yếu ở các vùng đông dân cư, vùng nông thôn, miền núi.

Nhằm kiểm soát chất lượng môi trường trong hoạt động chăn nuôi, đặc biệt tại các huyện miền núi, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung triển khai các giải pháp trọng tâm, trong đó, đa dạng hóa các loài vật nuôi để phát huy lợi thế của từng tiểu vùng và nhu cầu đa dạng của từng thị trường, tập trung chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng phát triển các sản phẩm chủ lực có lợi thế của tỉnh. Đồng thời, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ vào trong sản xuất, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm làm giảm chi phí, tạo giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững.

Để đảm bảo vệ sinh môi trường trong chăn nuôi trong thời gian tới, Sở NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở chăn nuôi, kiên quyết xử lý trường hợp vi phạm; mở các lớp tập huấn về an toàn sinh học trong chăn nuôi. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các cơ sở chăn nuôi chấp hành tốt việc bảo vệ môi trường, có ý thức trong việc đầu tư hệ thống xử lý chất thải hiện đại, hiệu quả.

Đồng thời, tiếp tục triển khai hiệu quả “Hướng dẫn việc thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp tái sử dụng cho mục đích khác” (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2022) của Bộ NN&PTNT; trong đó có hướng dẫn về thu gom, xử lý chất thải trong chăn nuôi, Sở NN&PTNT sẽ phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của thông tư đến các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động chăn nuôi được biết và thực hiện theo đúng quy định

Quảng Ninh đã ban hành kế hoạch phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2030, 100% các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi phải có giải pháp kiểm soát môi trường phù hợp, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường và sử dụng có hiệu quả nguồn chất thải cho nhu cầu trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, sản xuất năng lượng tái tạo.

Cùng với đó, địa phương này ban hành cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng trang trại sản xuất với quy mô công nghiệp, tập trung, tạo ra sản phẩm chất lượng an toàn, có sản lượng sản phẩm lớn làm hàng hóa, đặc biệt là áp dụng đồng bộ các biện pháp đảm bảo môi trường, an toàn trong chăn nuôi.

Cần xây dựng mô hình về cơ sở sản xuất gắn với kiểm soát ô nhiễm môi trường hiệu quả trong từng lĩnh vực, có lộ trình để nhân rộng đưa vào sản xuất; Đẩy mạnh công tác nghiên cứu phát triển, chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ về khoa học, công nghệ thân thiện với môi trường, công nghệ thu gom và xử lý chất thải đối với cơ sở chăn nuôi và giết mổ tập trung, nuôi trồng thủy sản tập trung, sản xuất chế biến khác trong lĩnh vực nông lâm thủy sản hiệu quả và phù hợp với điều kiện của từng vùng miền.

Nguồn: Kinh tế Môi trường