Thu hút gần 3,2 tỷ USD vốn FDI
Bộ Xây dựng cho biết, tính đến cuối tháng 6/2022, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai trong thu hút đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư trên 3,15 tỷ USD, chiếm 22,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Ông Đỗ Duy Thành, Quản lý Bộ phận Tư vấn Đầu tư (Savills Hà Nội) phân tích về những yếu tố hút các nhà đầu tư ngoại, cho hay, số lượng khách hàng tầng lớp trung lưu và thượng lưu ngày càng tăng, đi kèm với quá trình đô thị hóa nhanh tại các thành phố lớn sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu về nhà ở tại Việt Nam.
Kinh doanh bất động sản tiếp tục được đánh giá là lĩnh vực an toàn, hấp dẫn và tiềm năng đối với các “đại gia” ngoại. (Ảnh minh họa)
Song song đó, dù bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch, nhưng bất động sản nghỉ dưỡng cũng là phân khúc mà các nhà đầu tư thông minh có thể tìm kiếm cơ hội để gia nhập thị trường, đặc biệt là ở Phú Quốc, Nha Trang, Phan Thiết… Ngoài ra, sự xuất hiện của phân khúc bất động sản chăm sóc sức khỏe - loại hình còn rất mới mẻ tại Việt Nam, cũng sẽ là một cơ hội lớn cho những nhà đầu tư có tầm nhìn và khả năng nắm bắt cơ hội.
Hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài đang dành sự quan tâm đặc biệt tới bất động sản nhà ở và văn phòng. Xu hướng này đến từ nhu cầu của khách hàng ngày một cao, trong khi mức giá vẫn hợp lý khi so sánh Hà Nội và TP.HCM với các thị trường lân cận như Singapore, Thượng Hải, Thâm Quyến… Đặc biệt, không thể không kể đến sự bứt phá của bất động sản công nghiệp, hứa hẹn sẽ trở thành điểm sáng của ngành bất động sản thời gian sắp tới.
Điểm sáng vẫn là bất động sản công nghiệp
Nhận định của ông Đỗ Duy Thành cho biết, dòng vốn FDI vào Việt Nam thời gian tới còn lớn hơn nữa do các doanh nghiệp nước ngoài vẫn đặt niềm tin vào thị trường Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam là một trong những đất nước phòng chống dịch tốt nhất với tỷ lệ bao phủ vắc-xin cao - một ưu điểm lớn mang lại lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam so với các quốc gia khác.
Đáng chú ý, Việt Nam đã ký kết 2 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, gồm Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Nổi lên như một thị trường lớn mạnh với lực lượng lao động trẻ, năng động, chất lượng nhân lực ngày càng cao…, Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh thu hút FDI với các nước khác trong khu vực.
Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam ông Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, thị trường bất động sản đang có những chỉ dấu về sự phục hồi, trong đó bất động sản công nghiệp vẫn là điểm sáng trong ngắn và trung hạn.
Không chỉ thu hút nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào bất động sản công nghiệp, Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền các địa phương và các doanh nghiệp còn quan tâm tới các loại hình dịch vụ cho công nghiệp, như nhà ở cho công nhân các khu, cụm công nghiệp, bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí nhằm cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân. Điều này cũng tác động tích cực tới sự phát triển của phân khúc bất động sản công nghiệp, ông Hà cho hay.
Bà Thanh Phạm, Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, CBRE Việt Nam chia sẻ thêm về triển vọng thị trường cho biết, tình hình cam kết thuê trước lành mạnh tại các khu công nghiệp mới được kỳ vọng sẽ tiếp tục tại các khu công nghiệp có vị trí tốt hoặc có lợi thế riêng. Thêm vào đó, nguồn cung đất công nghiệp và nhà kho, nhà xưởng sẽ tăng lên tại các khu vực được hỗ trợ bởi nhu cầu ngày càng gia tăng trên nhiều lĩnh vực.
Đồng thời, bà Thanh Phạm cho hay, khách thuê nên nắm bắt cơ hội mở rộng trong đàm phán các điều khoản tốt hơn. Trong khi đó, các chủ đầu tư nên điều chỉnh chiến lược cho thuê phù hợp với từng vị trí. Giá thuê đất công nghiệp dự kiến duy trì mức cao ở nhiều khu vực. Nhà kho, nhà xưởng nhiều tầng sẽ được mở rộng ở các khu vực có nguồn cung đất công nghiệp hạn chế.
Ông Đỗ Duy Thành, Quản lý Bộ phận Tư vấn đầu tư, Savills Hà Nội cho biết, dòng tiền FDI vào Việt Nam trong thời gian tới sẽ còn lớn hơn nữa, bởi các doanh nghiệp nước ngoài vẫn đặt niềm tin vào thị trường Việt Nam. Việt Nam là một trong những đất nước phòng chống dịch tốt nhất với tỷ lệ bao phủ vaccine cao. Đây là một trong những ưu điểm lớn, mang lại lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia khác. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng ký kết 2 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, bao gồm Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Nổi lên như một thị trường lớn mạnh với lực lượng lao động trẻ, năng động, chất lượng nguồn nhân lực ngày càng nâng cao, Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh khả năng thu hút FDI với các nước khác trong khu vực”. |
Nguồn: Kinh tế Môi trường