Tạ Nhị ·
2 năm trước
 3110

Kinh doanh "bết bát", FLCHomes lỗ 54 tỷ đồng trong quý II

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022, Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất Động Sản FLCHOMES (OTC: FHH) báo lỗ ròng 54 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính của Công ty CP Đầu tư Kinh doanh phát triển bất động sản FLCHomes (FHH) mới công bố cho biết, nhà phát triển bất động sản này vừa trải qua quý kinh doanh đầy khó khăn nhất với khoản lỗ ròng cao kỷ lục.

Cụ thể, trong quý gần nhất, doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Tập đoàn FLC chỉ ghi nhận hơn 96 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 68% so với cùng kỳ năm trước. Trái ngược với xu hướng giảm mạnh của chỉ tiêu doanh thu, biên lãi gộp FLCHomes lại cải thiện mạnh so với cùng kỳ khi tăng từ 11,6% lên 21,1%.

Kết quả này giúp lãi gộp FLCHomes thu về được trong quý vừa qua vẫn đạt hơn 20 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, trong quý vừa qua, không chỉ doanh thu từ hoạt động kinh doanh bất động sản sụt giảm, FLCHomes còn ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính giảm hơn 63%, chỉ mang về 19 tỷ đồng. Nguyên nhân do kỳ này công ty không còn ghi nhận lợi nhuận từ việc thanh lý các khoản đầu tư như năm 2021.

Ở chiều ngược lại, các chi phí phát sinh trong kỳ của công ty đều tăng đáng kể, từ lãi vay, chi phí bán hàng cho tới chi phí quản lý doanh nghiệp. Các khoản chi này đã tiêu tốn của FLCHomes hàng chục tỷ đồng và bào mòn toàn bộ lợi nhuận gộp và thu nhập từ hoạt động tài chính mà công ty ghi nhận được.

Sau cùng, nhà phát triển bất động sản này đã phải báo lỗ trước thuế 49,5 tỷ đồng quý II, trong khi cùng kỳ năm trước vẫn lãi dương gần 32 tỷ.

Sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, FLCHomes lỗ ròng tới 54 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi dương 19 tỷ đồng. Đây là mức lỗ lớn nhất mà nhà phát triển bất động sản này ghi nhận trong một quý kinh doanh.

Tính chung 6 tháng, FLCHomes ghi nhận hơn 400 tỷ đồng doanh thu và lỗ sau thuế gần 44 tỷ đồng, đều sụt giảm so với cùng kỳ bán niên 2021

Không chỉ riêng FLCHomes làm ăn thua lỗ, mới đây, báo cáo tài chính quý II/2022 và lũy kế 6 tháng đầu năm của FLC Stone cũng cho thấy, doanh thu thuần của FLC Stone chỉ đạt hơn 34 tỷ đồng - giảm 92% so với cùng kỳ. Đồng thời, doanh thu tài chính (cụ thể là lãi tiền gửi) giảm mạnh 64% về gần 5 tỷ đồng.

 Đáng chú ý, trong kỳ, chi phí quản lý của FLC Stone tăng gấp 10 lần cùng kỳ lên mức 29 tỷ đồng do Công ty đã trích lập dự phòng bổ sung một số khoản nợ phải thu khó đòi.

Kết quả, FLC Stone lỗ ròng gần 24 tỷ đồng, trong khi quý II/2021 ghi nhận lãi gần 6 tỷ đồng. Đây là quý đầu tiên FLC Stone ghi nhận lợi nhuận âm kể từ khi niêm yết.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, FLC Stone ghi nhận doanh thu đạt 404 tỷ đồng, giảm 49% so với cùng kỳ; lỗ sau thuế hơn 22 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 7,5 tỷ đồng.

Kết thúc quý II/2022, tổng tài sản của FLC Stone giảm 6% so với đầu năm xuống còn hơn 2.446 tỷ đồng. Trong đó, tiền và tiền gửi ngắn hạn giảm mạnh 93%, chỉ còn hơn 2 tỷ đồng. Đồng thời, khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất là các khoản phải thu ngắn hạn cũng giảm 9% về mức 1.399 tỷ đồng do tăng trích lập dự phòng phải thu khó đòi.

Điểm đáng chú ý trong danh sách trích lập dự phòng của FLC Stone chính là sự xuất hiện của công ty cùng hệ sinh thái FLC là CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways). Theo đó, FLC Stone phát sinh khoản phải thu hơn 6.5 tỷ đồng đối với Bamboo Airways, nhưng theo hạch toán thì giá trị có thể thu hồi chỉ hơn 3.3 tỷ đồng.

Tổng nợ phải trả của Công ty giảm 21% so với đầu năm, về mức 491 tỷ đồng. Trong đó, vay nợ ngắn hạn giảm đáng kể 33%, còn 215 tỷ đồng; trong khi vay nợ dài hạn vẫn ở mức gần 17 tỷ đồng. Mặt khác, Công ty phát sinh khoản phải trả, phải nộp khác 73 tỷ đồng dù đầu năm không ghi nhận khoản mục này.

Nguồn: Kinh tế Môi trường