Huyền My ·
2 năm trước
 3628

Kinh nghiệm quốc tế về xử lý nước thải cho các doanh nghiệp

Ngày 28/9, tại Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Hải Phòng đã diễn ra hội thảo “Tuần hoàn về nước thải”. Hội thảo cung cấp kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm quốc tế về xử lý nước thải cho các doanh nghiệp, kết nối các doanh nghiệp với chuyên gia,..

Hội thảo do Viện Chính sách Kinh tế Môi trường (EEPI), Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam tổ chức. Hội thảo được tổ chức theo phương thức trực tiếp và trực tuyến.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ chương trình tăng cường năng lực Kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2022 được triển khai bởi Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) với sự hỗ trợ từ Chính phủ Hà Lan, nhằm cung cấp kiến thức về kinh tế tuần hoàn, các chính sách của Chính phủ về phát triển kinh tế tuần hoàn và các yêu cầu về thương mại bền vững của các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA).

Toàn cảnh Hội thảo.

Sau các Khóa đào tạo Xây dựng năng lực Kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp, Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc Phối hợp với Đại sứ quán Hà Lan, Đại học Khoa học Ứng dụng Saxion, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Huế, Viện Chính sách Kinh tế Môi trường, Đại học Kinh tế Quốc dân, và Mạng lưới Kinh tế tuần hoàn Việt Nam tổ chức chương trình hỗ trợ sau đào tạo cho Các doanh nghiệp đã tham gia các khóa đào tạo Kinh tế tuần hoàn tại TP.HCM, Huế, Hà Nội và các doanh nghiệp khác trong mạng lưới đối tác đặc biệt là những doanh nghiệp quan tâm đến xử lý nước thải.

GS. Harry Futselaar Đại học Khoa học Ứng dụng Saxion, Hà Lan giới thiệu về sự ưu việt của công nghệ màng lọc.

Hội thảo được tổ chức nhằm cung cấp kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm quốc tế về xử lý nước thải và tuần hoàn nước thải cho các doanh nghiệp; Tìm hiểu hiện trạng xử lý nước thải, nhu cầu hỗ trợ của các doanh nghiệp; Kết nối các doanh nghiệp với mạng lưới chuyên gia trong nước và quốc tế, công nghệ tiên tiến về xử lý nước thải; Thảo luận và chia sẻ sự hợp tác tiềm năng về xử lý nước thải và nước thải tuần hoàn.

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Viện trưởng Viện Chính sách Kinh tế Môi trường (EEPI) phát biểu tại hội thảo.

Tham dự chương trình gồm PGS.TS Nguyễn Thế Chinh – Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Viện trưởng Viện Chính sách Kinh tế Môi trường; Th.S KHMT Lê Minh Toàn – Phó Viện trưởng Viện Chính sách Kinh tế Môi trường; ông Nguyễn Thái Dương – Giám đốc Trung tâm đào tạo, Viện Chính sách Kinh tế Môi trường; PGS.TS Lê Thị Trinh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường; PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Tuyết – Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ - Đại học Bách khoa Hà Nội; TS Nguyễn Công Thành – Trưởng Bộ môn Kinh tế - Quản lý Tài nguyên và Môi trường, khoa Môi trường và Biến đổi Khí hậu và Đô thị, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; TS Nguyễn Thị Xuân Thắng – Chuyên gia phát triển bền vững; TS Vũ Thị Mai - Giảng viên Khoa Môi trường Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường.

Chuyên gia UNDP Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Về phía Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP Việt Nam) có ông Đào Xuân Lai, Trưởng Ban Môi trường và Biến đổi Khí hậu (tham dự trực tuyến), bà Hoàng Thị Diệu Linh, Cán bộ về Chất thải và Kinh tế tuần hoàn và bà Nguyễn Thị Thu Thủy.

Về phía các chuyên gia quốc tế có GS Harry Futselaar, Đại học Khoa học Ứng dụng Saxion, Hà Lan. Hội thảo còn có sự góp mặt của đại diện các doanh nghiệp đến từ nhiều tỉnh thành trên cả nước đang quan tâm đến vấn đề xử lý nước thải.

Các đại biểu tham dự hội thảo chăm chú theo dõi phần giới thiệu tổng quan vè Khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền.

Sau phần khai mạc, GS. Harry Futselaar - Đại học Khoa học Ứng dụng Saxion, Hà Lan đã có bài phát biểu giới thiệu về các công nghệ quốc tế về xử lý nước thải và mô hình tuần hoàn nước thải.

Theo GS. Harry Futselaar thì hiện nay công nghệ màng lọc đang được áp dụng phổ biến trên nhiều quốc gia trên thế giới. Hiện các nước đang sử dụng 4 loại công nghệ màng lọc xử lý nước thải khác nhau bao gồm công nghệ lọc màng, công nghệ lọc nano, công nghệ lọc ultra,…

Đại diện Công ty Cổ phần SHINEC giới thiệu về chất lượng xử lý nước thải của KCN sinh thái Nam Cầu Kiền và nhu cầu sử dụng nước sản xuất của các doanh nghiệp trong KCN sinh thái Nam Cầu Kiền.

GS Harry Futselaar cũng giới thiệu về mô hình xử lý nước thải tuần hoàn mà ông và các chuyên gia khác đã cùng nhau tham gia xây dựng tại Indonesia. Sau khi xử lý nước, nước thải tại đây đã đủ điều kiện để có thể sử dụng làm nước uống, phục vụ cho các nhu cầu sinh hoạt của con người.

Trong phần phát biểu của mình, chuyên gia đến từ Đại học Khoa học Ứng dụng SAXION cũng khẳng định, công nghệ màng lọc đang được áp dụng phổ biến trên thế giới và tại Việt Nam. Theo chuyên gia, các doanh nghiệp đến từ Việt Nam hoàn toàn có thể lựa chọn công nghệ này để phục vụ cho hoạt động xử lý nước thải khi giá thành đầu tư, chi phí vận hành của hệ thống xử lý nước thải bằng công nghệ màng lọc ở mức chấp nhận được.

Các chuyên gia chụp ảnh cùng các đại biểu tham dự hội thảo.

Sau các bài phát biểu đến từ các chuyên gia quốc tế, Đại diện Công ty Cổ phần SHINEC, chủ đầu tư Khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền (Kiền Bái, Thủy Nguyên, Hải Phòng) đã có bài giới thiệu về hiện trạng Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền.

Theo đại diện SHINEC, Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền bao gồm các doanh nghiệp hoạt động trong chuỗi công nghiệp cơ khí chế tạo. Từ nhiều năm qua, SHINEC đã tự tìm tòi, phối hợp với các nhà khoa học trong nước nghiên cứu xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho toàn bộ các doanh nghiệp đang hoạt động tại đây.

Các chuyên gia thăm quan Thư viện tổng hợp của KCN sinh thái Nam Cầu Kiền.

Sau nhiều năm nghiên cứu, hiện nay hệ thống xử lý nước thải Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đã đảm bảo được việc xử lý nước thải cho toàn bộ doanh nghiệp đang hoạt động tại đây. Nước thải sau xử lý đảm bảo chất lượng, đạt tiêu chuẩn đầu vào phục vụ sản xuất cho các doanh nghiệp trong KCN sinh thái Nam Cầu Kiền. Hiện nay, nước thải sau xử lý được sử dụng bơm vào hồ điều hòa nuôi cá Koi, sử dụng để tưới cây, rửa đường trong khu công nghiệp.

Chụp ảnh lưu niệm tại thư viện tổng hợp KCN sinh thái Nam Cầu Kiền.

Cũng theo đại diện SHINEC thì hiện nay nhu cầu sử dụng nước của các doanh nghiệp trong KCN sinh thái Nam Cầu Kiền khoảng 18 -20 nghìn m3 nước mỗi tháng để phục vụ hoạt động sản xuất. Số nước này đang được lấy từ nguồn nước sạch. Do nước sạch đang được bán với giá cao khiến cho chi phí sản xuất của các doanh nghiệp tăng lên đáng kể. Trong khi đó, nước thải sau xử lý của KCN sinh thái Nam Cầu Kiền hiện nay đã đạt tiêu chuẩn phục vụ sản xuất đa ngành nghề.

Tuy nhiên do các hành lang pháp lý chưa cho phép nên chưa được phép sử dụng nước thải sau xử lý phục vụ sản xuất. Nếu tận dụng được nguồn nước thải sau xử lý sẽ góp phần đảm bảo quá trình tuần hoàn nước thải sau xử lý diễn ra khép kín, vừa góp phần làm giảm đáng kể chi phí sản xuất của doanh nghiệp tại đây.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm trong khuân viên vườn Nhật KCN sinh thái Nam Cầu Kiền.

Cũng trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia quốc tế và các chuyên gia trong nước cùng tham gia tư vấn cho Công ty TNHH Sản phẩm thiên nhiên Trà My (Thừa Thiên Huế) nên lựa chọn công nghệ nào để áp dụng cho quá trình xử lý nước thải phát sinh từ quá trình sản xuất của doanh nghiệp trong điều kiện quy mô nhỏ, diện tích nhà xưởng chưa đến 200 m2.

Trong phần thảo luận, các chuyên gia đã cùng nhau giải đáp các câu hỏi đến từ đại diện các doanh nghiệp tham gia hội thảo về chi phí đầu tư các hệ thống xử lý nước thải theo công nghệ màng lọc, sự ưu việt của công nghệ này so với công nghệ xử lý nước thải phổ biến mà các doanh nghiệp Việt Nam đang sử dụng hiện nay,…

Cuối chương trình hội thảo, các chuyên gia cùng với các đại biểu có mặt tại hội thảo cùng nhau đi tham dự Khu xử lý nước thải của Khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền.

Mô hình xử lý nước thải của Khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền nhận được sự đánh giá cao từ các chuyên gia, các đại biểu tham dự hội thảo “Tuần hoàn nước thải”.