Minh Phương ·
2 năm trước
 1707

Kon Tum: Động đất 3.8 độ richter

Sáng ngày 30/2, tại huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) tiếp tục xảy ra trận động đất có độ lớn 3.8, tọa độ 14.679 N-108.335E, độ sâu tâm chấn khoảng 10 km, không gây rủi ro thiên tai.

Đây là trận động đất lớn thứ 2 trong chuỗi động đất xảy ra liên tiếp tại huyện Kon Plông từ đầu tháng 4/2021 đến nay, tiếp ngay sau các trận động đất có độ lớn 3.9 vào ngày 21/5 và độ lớn 3.3 vào ngày 23/5.

Đặc biệt, theo thống kê của Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần thuộc Viện Vật lý Địa cầu, các trận động đất tại Kon Plông thời gian gần đây xảy ra với tần suất ngày càng nhiều và độ lớn ngày càng cao.

động đất tại kon tum

Theo đó, tại huyện Kon Plông, vào 21 giờ 0 phút 58 giây ngày 4/4, động đất xảy ra tại tọa độ 14.798N-108.155E với độ lớn 3.6, độ sâu chấn tiêu khoảng 16,6 km; vào 10 giờ 9 phút 42 giây ngày 15/4, động đất xảy ra tại tọa độ 14.869N-108.692E với độ lớn 2.8, độ sâu chấn tiêu khoảng 9,6 km; vào 21 giờ 12 phút 51 giây ngày 18/4, tại huyện Kon Rây (tỉnh Kon Tum), động đất xảy ra tại tọa độ 14.722N-108.142E với độ lớn 2.9, độ sâu chấn tiêu khoảng 18.1 km.

Đặc biệt, ngày 20/4, 2 trận động đất liên tiếp xảy ra tại huyện Kon Plông như sau: vào 13 giờ 23 phút 19 giây ngày 20/4, động đất xảy ra tại toạ độ 14.652N-108.369E với độ lớn 2.5, độ sâu chấn tiêu khoảng 12 km; vào 20 giờ 51 phút 30 giây, động đất xảy ra tại toạ độ 14.632N-108.312E với độ lớn 3.0, độ sâu chấn tiêu khoảng 12,1 km.

Từ ngày 21/4 đến nay, động đất tiếp tục xảy ra tại huyện Kon Plông với ít nhất 8 trận có độ lớn trên 2.5 được Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần ghi nhận. Trong đó, trận động đất có độ lớn 3.9 xảy ra vào sáng 21/5 là mạnh nhất, xảy ra tiếp ngay sau trận động đất có độ lớn 3.5 cũng tại khu vực này vào chiều 20/5.

Trao đổi với TTXVN, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) Nguyễn Xuân Anh cho biết, khu vực tỉnh Kon Tum nói chung và huyện Kon Plông nói riêng thuộc đới đứt gãy nhỏ. Các nghiên cứu trước chỉ ra rằng các trận động đất tại khu vực này có độ lớn không quá 5.0. Trận động đất lần này có độ lớn 3.8, không gây rủi ro thiên tai. Viện Vật lý Địa cầu đã và đang cử cán bộ theo dõi chặt chẽ các trận động đất tại khu vực này.

Các cán bộ thuộc Viện đang xử lý số liệu các trận động đất tại huyện Kon Plông và tiếp tục theo dõi thêm để có thể đưa ra kết luận chính xác nhất về nguyên nhân và ảnh hưởng của các trận động đất này.

Viện trưởng Nguyễn Xuân Anh khuyến cáo người dân và chính quyền khu vực này cần quan tâm đến các yếu tố kháng chấn trong xây dựng; các cấp chính quyền cần thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân các biện pháp phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra động đất mạnh.

PGS.TS Cao Đình Triều cho rằng, quy luật như vậy là phù hợp, động đất có thể tiếp tục gia tăng về tần suất và cường độ cho đến khi đạt kích động chính (trận động đất mạnh nhất trong chuỗi động đất kích thích).

Ông cho biết thêm, khu vực xảy ra động đất nằm trên đứt gãy đang hoạt động có tên Rào Quán – A Lưới, đây là đới đứt gãy chạy từ Lào, qua A Lưới, kéo dài tới Quy Nhơn. Đây là một đới đứt gãy mạnh. Trên đới đứt gãy này từng ghi nhận động đất kích thích xảy ra tại thủy điện sông Tranh 2 (Quảng Nam) và thủy điện Đắk Đrinh (Quảng Ngãi) khi các nhà máy này hoạt động tích nước hồ chứa.

Tuy nhiên, theo PGS Cao Đình Triều, động đất kích thích xảy ra trên cùng đới đứt gãy này lại khác nhau ở từng khu vực. Tại thủy điện sông Tranh 2, động đất xảy ra từ năm 2011, kéo dài đến tận bây giờ với kích động chính lên tới 4,7 độ. Trong khi tại Thủy điện Đắk Đrinh, động đất kích thích xảy ra thời gian ngắn hơn, cường độ và tần suất ít hơn. Vì vậy, với khu vực xảy ra động đất tại Kon Tum hiện nay, cần có những khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng.

Thông tin từ Tạp chí Kinh tế Môi trường Việt Nam