Song Vũ ·
2 năm trước
 3670

Lâm Đồng: Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng

Là địa phương có diện tích rừng lớn nên Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng luôn chú trọng công tác quản lý, bản vệ rừng. Theo đó, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Nhiều kết quả tích cực

Theo số liệu thống kê, trong 7 tháng đầu năm 2022, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức được 103 cuộc với 7.401 lượt người tham gia, ký 3.459 bản cam kết bảo vệ rừng. Cũng với đó, ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng luôn duy trì việc tuyên truyền lưu động theo chuyên đề về quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng cùng với Trung tâm văn hóa - Thông tin huyện, thành phố. Đồng thời, tổ chức nhiều đợt tuyên truyền lưu động bằng xe loa tại các xã, phường, thị trấn có rừng.

Tỉnh Lâm Đông luôn quan tâm, chú trọng công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

Để quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Kế hoạch số 75/KH-SNN ngày 14/01/2022 về việc thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, trồng 50 triệu cây xanh năm 2022 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; Văn bản số 855/SNN-KL ngày 22/4/2022 về việc đề xuất UBND tỉnh tổ chức lễ phát động “Tết trồng cây” năm 2022 trên địa bàn tỉnh. Theo đó tổng số cây xanh theo kế hoạch của UBND tỉnh giao 6.580.000 cây/12 huyện, thành phố và tổng số cây xanh theo kế hoạch địa phương xây dựng 9.626.282 cây/12 huyện, thành phố.

Đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức thực hiện trồng được 2.969.462 cây các loại (đạt 45,13% so với kế hoạch được UBND tỉnh giao tại Kế hoạch 2209 và đạt 30,85% so với kế hoạch của các địa phương đã xây dựng). Hiện các địa phương đang tiếp tục thực hiện trồng cây xanh, trồng rừng đảm bảo mục tiêu đến hết năm 2022 toàn tỉnh sẽ trồng thêm được 9,6 triệu cây xanh theo kế hoạch các địa phương đã xây dựng.

Thiếu nhân lực khiến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gặp nhiều khó khăn

 

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, kể từ khi Luật Lâm nghiệp có hiệu lực, tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh giáp ranh đã tổ chức ký kết và thực hiện Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh. Đồng thời, giữa các đơn vị cũng thường xuyên trao đổi, góp ý sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện quy chế phối hợp đã ký kết để phù hợp đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng trong tình hình mới và đem lại sự nhịp nhàng, hiệu quả trong công tác phối kết hợp giữa các đơn vị. Cụ thể, đã ký với 6 tỉnh giáp ranh, ký với đơn vị cấp sở 7 quy chế.

Cùng với đó, những tháng vừa qua, Chi cục Kiểm lâm cũng tăng cường kiểm tra đột xuất tình hình quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, chỉ đạo kiểm lâm địa bàn chủ động bám nắm địa bàn được phân công nhằm phòng ngừa, ngăn chặn sớm các hành vi vi phạm ngay từ cơ sở. Trong 7 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 159 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Trong đó đã xử lý 135 vụ (xử lý hành chính 117 vụ, xử lý hình sự 18 vụ). Đặc biệt, một số vụ nghiêm trọng đã được chỉ đạo điều tra, xử lý nhanh để tăng cường tính răn đe.

Thời gian tới, lực lượng kiểm lâm cho biết sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp, tập trung tuyên truyền có chiều sâu và phổ biến sâu rộng Luật Lâm nghiệp. Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 10 của Tỉnh ủy và các văn bản chỉ đạo của cấp trên về quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn và xử lý kịp thời, có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, phối hợp giải tỏa và trồng lại rừng trên toàn bộ diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm mới.

Ngoài ra, tăng cường công tác thanh, kiểm tra, phấn đấu trong năm 2022 này, phải giảm 20% trở lên và diện tích rừng và khối lượng lâm sản thiệt hại so với năm 2021. Cùng với đó, số vụ không phát hiện đối tượng vi phạm giảm dưới 15% và đặc biệt sẽ tiếp tục đôn đốc chủ rừng trồng rừng để tăng tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh.

Cần bổ sung nhân lực cho công tác quản lý, bảo vệ rừng

Việc thiếu hụt nhân lực đang khiến cho nhiệm vụ giữ rừng trở nên khó khăn, xa hơn là nguy cơ mất rừng trong bối cảnh tình hình vi phạm lâm luật diễn ra phức tạp. Áp lực trách nhiệm đảm bảo an toàn cho những cánh rừng đang đè nặng trên vai những người ở lại. Vì vậy rất cần những chính sách phù hợp, vừa thu hút được nguồn nhân lực đầu vào vừa tạo sự yên tâm để người giữ rừng yên tâm làm việc.

Điển hình như Ban quản lý rừng phong hộ Đạ Nhim, phải quản lý tới 40.000ha rừng nhưng chỉ có ó 36 người, thiếu đến 16 người, trong đó 10 nhân viên làm việc hành chính, số còn lại phải luân phiên giữ rừng và kiêm nhiệm nhiều tiểu khu. Thu nhập thấp và áp lực công việc khiến  nhiều nhân viên kể cả trạm trưởng, người có thu nhập cao hơn cũng viết đơn xin nghỉ việc.