Văn bản nêu rõ, thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 10/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng và trật tự đô thị trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 8232/KH-UBND ngày 15/11/2021 về thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 10/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tuy nhiên, qua kiểm tra, theo dõi, đến nay nhiều sở, ngành và địa phương vẫn chưa triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 10/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Đáng chú ý, công tác quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng sau quy hoạch trên địa bàn chưa đạt hiệu quả; tình trạng xây dựng công trình không phép, trái phép, sai quy hoạch, xây dựng lấn chiếm đất công, xây dựng công trình trên đất nông nghiệp, tự xây dựng đường giao thông trên đất nông nghiệp để phân lô, bán nền trái quy định.
Bên cạnh đó, tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè kinh doanh, buôn bán, đậu đỗ xe, quảng cáo, rao vặt tùy tiện, làm mất mỹ quan đô thị, gây mất an toàn giao thông; các địa phương chưa thực hiện nghiêm chế độ báo cáo theo quy định (hàng tháng, quý, năm)...
Do đó, để tăng cường công tác quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, hành lang an toàn đường bộ và chỉnh trang đô thị trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ngày 11/3, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu Giám đốc/Thủ trưởng các sở, ngành thuộc tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 8232/KH-UBND ngày 15/11/2021 của UBND tỉnh và quy định của pháp luật để tổ chức thực hiện đảm bảo đồng bộ với các địa phương; báo cáo kết quả thực hiện (thông qua Sở Xây dựng) trước ngày 10/4/2022.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và có hiệu quả Chỉ thị số 12CT/TU ngày 10/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch số 8232/KHUBND ngày 15/11/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 10/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 16/12/2020 và Văn bản số 2976/UBND-GT ngày 12/5/2021 của UBND tỉnh. Tổng hợp báo cáo UBND tỉnh về tình hình, kết quả thực hiện trước ngày 10/4/2022. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý trật tự xây dựng đô thị, nâng cao ý thức của người dân về trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn.
Tổ chức phát động tháng cao điểm tuyên truyền, vận động người dân (trước hết, cán bộ, đảng viên phải tiên phong, gương mẫu) tự giác chấp hành việc tháo dỡ, khắc phục vi phạm đối với các công trình, hạng mục công trình xây dựng trái phép, sai phép, cơi nới lấn chiếm lòng, lề đường, lộ giới; sau đó chỉ đạo đồng loạt các cấp ra quân, triển khai đến tất cả các hệ thống đường bộ (kể cả đường giao thông nông thôn) để tổ chức giải toả hoặc cưỡng chế giải toả, tổ chức cắm lại mốc lộ giới, khoảng lùi xây dựng theo quy định và theo phương châm bình đẳng, không có vùng cấm. Sau đợt thực hiện cao điểm, tiếp tục duy trì công tác kiểm tra để ngăn chặn vi phạm tái diễn.
Việc giải tỏa vi phạm hành lang, lộ giới, lấn chiếm lòng, lề đường, hè phố, trật tự đô thị,...trên địa bàn phải được tiến hành đồng bộ, quyết liệt, triệt để, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người dân tự giác chấp hành và phải đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân theo quy định.
Xây dựng kế hoạch, lộ trình để từng bước đầu tư xây dựng hoàn thiện vỉa hè, cây xanh, chiếu sáng, ngầm hóa hạ tầng dùng chung,...; trong đó, ưu tiên bố trí, huy động mọi nguồn lực, vận động nhân dân tham gia đóng góp cùng với Nhà nước để tập trung đầu tư tại những địa bàn, khu vực cấp bách, bức xúc (công sở, trường học, bệnh viện, nơi công cộng và những khu vực đông dân cư), góp phần làm cho bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, hiện đại.
Tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị và các văn bản hướng dẫn về cấp phép xây dựng, quản lý xây dựng theo giấy phép được cấp và quy hoạch đã được phê duyệt; tránh tình trạng điều chỉnh quy hoạch tùy tiện làm phát sinh cơ chế “xin - cho” trong việc cấp giấy phép xây dựng. Kiện toàn và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn (đặc biệt là xã, phường, thị trấn).
Thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn kiểm tra tình hình trật tự xây dựng trên địa bàn. Chỉ đạo rà soát, lập danh sách các tổ chức, cá nhân thực hiện xây dựng các công trình trên đất không được phép xây dựng, công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng hoặc xây dựng sai giấy phép được cấp tại địa phương.
Các tổ chức, cá nhân môi giới xây dựng các công trình không phép, sai phép trên địa bàn để nhắc nhở và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng. Chủ động cung cấp thông tin, phối hợp với cơ quan Công an để có biện pháp xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm đến mức phải xử lý theo quy định pháp luật.
Thực hiện nghiêm việc công bố, công khai các đồ án quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt, đặc biệt là các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng; đồng thời, tổ chức cắm mốc giới quy hoạch tại thực địa theo quy định để mọi người dân, tổ chức và doanh nghiệp biết, thực hiện và giám sát việc thực hiện theo quy hoạch.
Hàng năm, tổ chức kiểm điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có liên quan và Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; Làm tốt công tác biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể tiêu biểu trên địa bàn; xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý có hành vi vi phạm hoặc buông lỏng quản lý, để xảy ra các sai phạm.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng hướng dẫn UBND cấp huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn và UBND cấp xã trong việc quản lý, sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc quản lý sử dụng đất, xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền hoặc đề xuất xử lý các trường hợp lấn chiếm sử dụng đất trái phép, sử dụng đất không đúng mục đích hoặc các trường hợp hiến đất làm đường giao thông phục vụ mục đích phân lô, bán nền trái quy định của pháp luật và quy định của UBND tỉnh Lâm Đồng.
UBND tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh; Tổng hợp báo cáo kết quả kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép đối với các công trình đang xây dựng trên địa bàn (bao gồm cả việc xử lý các trường hợp sai phạm); Báo cáo đề xuất UBND tỉnh xem xét xử lý trách nhiệm đối với các địa phương không, chậm triển khai hoặc triển khai không hiệu quả, vẫn còn để xảy ra tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, trật tự đô thị trên địa bàn quản lý; tổng hợp báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30/4/2022.
Yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo, cử lực lượng tham gia, phối hợp với lực lượng Thanh tra Sở Xây dựng, chính quyền địa phương trong việc tổ chức giải toả hoặc cưỡng chế giải toả công trình vi phạm và đề xuất biện pháp xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm trật tự xây dựng đô thị đến mức phải xử lý theo quy định của pháp luật.
Nguồn: Kinh tế Môi trường - Thanh Tùng