Thời gian vừa qua, tại Lâm Đồng, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các địa phương trong tỉnh thực hiện các biện pháp tăng cường công tác quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm liên quan đến động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh.
Mới đây nhất, ngày 21/3, địa phương này đã quyết định xử phạt hành chính đối với ông Trịnh Ngọc Đồng (sinh năm 1981, ngụ xã Gia Bắc, huyện Di Linh, Lâm Đồng) số tiền 355,5 triệu đồng về hành vi tàng trữ động vật rừng trái phép và vi phạm các quy định về bảo vệ động vật rừng.
Trước đó, qua tiến hành kiểm tra, Công an huyện Di Linh phát hiện và lập biên bản vi phạm ông Trịnh Ngọc Đồng đang nuôi nhốt 1 cá thể kỳ đà vân là loài động vật rừng thuộc danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm nhóm IB.
Cơ quan chức năng xác định ông Đồng còn tàng trữ 20 cá thể cheo cheo trọng lượng 24kg, 10 cá thể cầy vòi hương trọng lượng 33,2kg và 13 cá thể sóc đen nặng 14,3kg là động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIB.
Ngoài ra, người đàn ông này còn tàng trữ 5 cá thể don (họ nhím) trọng lượng 11,4kg và 22 cá thể dúi mốc lớn trọng lượng 19kg là động vật rừng thông thường.
Cụ thể, ngày 9/9/2021, tại km 77, Quốc lộ 28 đoạn qua xã Gung Ré, huyện Di Linh, lực lượng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Lâm Đồng đã bắt quả tang ông Trịnh Ngọc Đồng (40 tuổi, ngụ thôn Nao Sẻ, xã Gia Bắc, huyện Di Linh) đang vận chuyển 1 con tê tê còn sống, có trọng lượng 3kg, đựng trong bao lưới giấu trong cốp xe máy.
Bước đầu, ông Đồng khai nhận, con tê tê trên ông vừa săn bắt được. Trong quá trình làm việc, ông Trịnh Ngọc Đồng khai nhận đang nuôi nhốt và cấp đông nhiều cá thể động vật hoang dã.
Lực lượng chức năng đã tiến hành khám xét khẩn cấp nhà riêng và phát hiện người này đang nuôi nhốt 1 con kỳ đà vân trọng lượng 3kg, 20 con dúi có tổng trọng lượng 19kg.
Kiểm tra 3 tủ cấp đông trong nhà của đối tượng, lực lượng chức năng phát hiện 5 con nhím, 32 con chồn cây, 20 con cheo cheo… và 35kg thịt, xương của cá thể sơn dương đã được cấp đông.
Ông Đồng khai nhận đã mua số thịt và xương động vật rừng hoang dã nói trên của những người đi săn để bán lại kiếm lời.
Theo báo cáo đánh giá hiệu quả công tác xử lý vi phạm về động vật hoang dã (ĐVHD) do người dân thông báo của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), năm 2020, Lâm Đồng là một trong 5 địa phương đạt hiệu quả cao nhất trong công tác xử lý vi phạm liên quan đến động vật hoang dã còn sống; bao gồm: Đắk Lắk, Bình Dương, Đà Nẵng, Lâm Đồng và Đồng Nai.
Nguồn: Kinh tế Môi trường