Vân Anh ·
2 năm trước
 1418

Làm thế nào để khai thác, chế biến và sử dụng tài nguyên bauxit một cách bền vững?

Ở các tỉnh phía Bắc và khu vực Tây nguyên, bauxite là nguồn tài nguyên có tiềm năng và đem lại lợi cish phát triển kinh tế. Tuy nhiên, chúng tôi đặt ra câu hỏi, rằng làm thế nào để khai thác, chế biến và sử dụng tài nguyên bauxit một cách bền vững?

Theo GS Đặng Trung Thuận, Hội Địa hóa Việt Nam, quặng bauxite phân bố chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc và khu vực Tây nguyên. Bauxite ở miền Bắc có nguồn gốc trầm tích, đôi nơi bị biến chất, với quy mô nhỏ, trữ lượng ít, hàm lượng Fe trong quặng cao, giá trị công nghiệp không đáng kể. Các thành tạo bauxite laterit nguồn gốc phong hoá nhiệt đới ẩm từ đá phun trào basalt Neogen cổ ở miền Nam có trữ lượng lớn, thuận lợi cho khai thác và chế biến tập trung.

Trong bối cảnh Tây Nguyên ngày nay, việc khai thác, sử dụng tài nguyên bauxite và phát triển ngành công nghiệp bauxite - nhôm trên địa bàn Tây Nguyên phải phù hợp với chiến lược phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn xã hội. Khai thác bauxite phải lấy hiệu quả kinh tế môi trường làm tiêu chuẩn cơ bản, gắn khai thác bauxite với chế biến tạo ra sản phẩm kim loại, hợp kim có giá trị và hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ vậy, khai thác bauxite hôm nay còn cần phải để dành nguồn tài nguyên này cho thế hệ mai sau.

quặng bauxite

Dự án bauxite ở Tân Rai và Nhân Cơ là hai dự án trọng điểm có quy mô lớn trong lĩnh vực khai thác và chế biến quặng bauxite tại Việt Nam.

Để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong khai thác, chế biến bauxite ở Tây Nguyên, GS Đặng Trung Thuận cho rằng cần phát triển Khu công nghiệp bauxite - nhôm. Theo đó, khu vực Đắk Nông được đánh giá là vị trí thích hợp nhất, vì đây là nơi tập trung nhiền mỏ bauxite có trữ lượng lớn và chất lượng cao, địa hình dạng đồi cao nguyên thuận lợi cho khai thác lộ thiên; đối tượng ưu tiên lựa chọn cho Khu công nghiệp là các mỏ Đắk Song, Bắc Gia Nghĩa, Nhân Cơ.

Hơn nữa, cần xây dựng tổ hợp bauxite - nhôm với quy mô vừa phải, sao cho đảm bảo hiệu quả tổng hợp cao về kinh tế - xã hội và môi trường, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường tự nhiên và xã hội; Bác bỏ công nghệ và thiết bị lạc hậu; Lựa chọn công nghệ Bayer châu Mỹ với thiết bị của Pháp. Công suất hàng năm cho tổ hợp dự tính: Khai thác quặng bauxite 3 - 4,6 triệu tấn; Sản phẩm alumina 1,3 - 2 triệu tấn (chủ yếu là để điện phân nhôm, một phần cho xuất khẩu); Nhôm kim loại 0,4 - 0,6 triệu tấn nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và tiết kiệm ngoại tệ.

Ngoài ra, phải quan tâm đến nguồn cung năng lượng điện. Sản xuất alumina và nhất là điện phân nhôm cần rất nhiều điện, nhưng Việt Nam đang còn thiếu điện. Giải pháp nguồn cung năng lượng điện là vấn đề cấp bách. Ngoài Thủy điện Đồng Nai 5 với công suất 150MW vận hành năm 2015, nguồn cung cấp điện khả thi nhất là mua điện của nước bạn Lào trong khuôn khổ hợp tác song phương Việt Nam - Lào theo Hiệp định liên Chính phủ Việt - Lào ngày 5/10/2016. Có thể mua điện từ Nhà máy thủy điện Don Sahong của Lào công suất 360 MW tại thác Khone trên dòng chính sông Mê Công. Việc truyền tải điện thuận lợi vì khoảng cách từ Thủy điện Don Sahong đến Khu công nghiệp Đắk Nông chỉ khoảng 245 km.

Hệ thống giao thông vận tải cũng được GS Đặng Trung Thuận đề cập. Phát triển ngành công nghiệp bauxite - nhôm ở Đắk Nông sẽ không bền vững nếu không có đường sắt để vận chuyển sản phẩm hàng hóa từ Tây Nguyên đến cảng biển và chuyển tải nhiên liệu, vật liệu theo chiều ngược lại. Chi phí vận chuyển alumina bằng đường bộ ra cảng xuất khẩu dao động ở mức 21 - 23 USD/tấn, làm tăng giá thành sản xuất alumina, lại gặp nhiều sự cố rủi ro và phí tổn khắc phục cao. Việc xây dựng tuyến đường sắt từ ga Dĩ An, tỉnh Bình Dương, trên trục đường sắt Bắc - Nam đến thị xã Gia Nghĩa, Đắk Nông khoảng 125 km là cần thiết, vừa kết nối phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên với miền Đông Nam Bộ, vừa phục vụ hoạt động của Khu công nghiệp bauxite - nhôm tại Đắk Nông.