Được biết, theo số liệu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới công bố tại Hội nghị Đẩy mạnh tín dụng ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024, tính đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,71% so với cuối năm 2022. Tuy vậy, bước sang tháng 1/2024, tín dụng toàn hệ thống giảm 0,6% so với cuối năm 2023.
Về nguyên nhân tín dụng tăng trưởng âm, Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết là do cầu tín dụng trong nền kinh tế còn thấp. Cùng với đó, với rủi ro nợ xấu tăng cao đồng thời Thông tư 02 sắp hết hiệu lực đã làm cho các tổ chức tín dụng thận trọng hơn khi cho vay.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng Giám đốc Vietcombank cũng cho hay, trong những tháng đầu năm tín dụng giảm là do cầu tín dụng trong nền kinh tế thấp, thị trường bất động sản trầm lắng do vướng mắc pháp lý chưa được giải quyết. Bên cạnh đó, việc đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu cũng làm cho các doanh nghiệp ngại kinh doanh, dẫn đến không có nhu cầu vay vốn.
Theo ông Đỗ Thanh Sơn - Phó Tổng Giám đốc VietinBank, hiện nay điểm nghẽn chính trong tăng trưởng tín dụng là sự giảm sút trong nhu cầu hấp thụ tín dụng của doanh nghiệp do tác động của các yếu tố kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước.
Điều kiện tiên quyết để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng là sự ổn định và phát triển trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng cũng như toàn nền kinh tế.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Bổ sung thêm các nguyên nhân khiến tín dụng giảm trong những tháng đầu năm 2024, ông Trần Long, Phó Tổng Giám đốc BIDV cho biết, các động lực tăng trưởng kinh tế (xuất khẩu, tiêu dùng, sản xuất công nghiệp, đầu tư tư nhân) còn chậm; hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn như vướng mắc về pháp lý, môi trường kinh doanh, chi phí logistics tăng lên do chiến tranh, trong khi thị trường đầu ra còn khó khăn.
Ông Long cho hay, không ít doanh nghiệp có khả năng quản trị thấp, sức khỏe yếu, có sự đan xen các báo cáo tài chính giữa văn bản và thực tế không đồng nhất, khiến cho việc đánh giá và cấp tín dụng cho các doanh nghiệp này còn gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng để giải bài toán tăng trưởng tín dụng nếu chỉ mình sự nỗ lực của ngành Ngân hàng là chưa đủ mà cần có sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương trong việc ban hành các giải pháp, cũng như tháo gỡ các khó khăn về pháp lý để kích cầu tiêu dùng trong nước, từ đó mới thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hiệu quả.
Còn Phó Tổng Giám đốc VietinBank đề xuất các bộ, ngành và các địa phương: Có các giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa; tiếp tục có các chính sách ưu đãi thu hút vốn đầu tư nước ngoài; tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp; nghiên cứu các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; đa dạng hóa nguồn cung - đối tác, nhà cung cấp nguyên, nhiên, phụ liệu, linh kiện đầu vào đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; thúc đẩy các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong năm 2024, ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết, Vietcombank sẽ tiếp tục chính sách lãi suất cho vay thấp so với thị trường, tiếp tục tháo gỡ khó khăn vướng mắc, rà soát các quy trình tín dụng, đơn giản hoá các quy trình cho vay…Cùng với đó, tiếp tục tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Tuy vậy, để các giải pháp của ngân hàng đạt hiệu quả cao, ông Nguyễn Thanh Tùng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì điều hành chính sách tiền tệ ổn định, cùng với đó hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong việc kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương tháo gỡ khó khăn về mặt pháp lý cho các dự án để các dự án nhanh chóng được triển khai.
Ông Phạm Toàn Vượng - Tổng Giám đốc Agribank cam kết, năm 2024, Agribank sẽ tiếp tục điều hành lãi suất huy động tương đồng với nhóm ngân hàng thương mại nhà nước góp phần bình ổn tâm lý thị trường. Chủ động tiết giảm chi phí hoạt động tạo cơ sở để giảm lãi suất cho vay và tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi hướng đến các nhóm khách hàng mục tiêu hoạt động trong lĩnh vực cho vay nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa,...
Bên cạnh đó, ông Phạm Toàn Vượng cũng cho rằng, để đạt hiệu quả cao, bên cạnh nỗ lực của hệ thống ngân hàng cũng cần có sự vào cuộc tích cực của các cấp có thẩm quyền từ trung ương đến địa phương trong công tác giải quyết các vấn đề về pháp lý đối với các dự án đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa quy trình đầu tư và thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7441866489206376/?