Huyền My ·
1 năm trước
 3527

Liên hợp quốc kêu gọi khẩn cấp vì mục tiêu giải quyết khủng hoảng khí hậu

Tại cuộc họp riêng của những người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ vừa được tổ chức tại Liên hợp quốc (LHQ) ở New York, Mỹ, Tổng Thư ký LHQ António Guterres đã kêu gọi hành động và lãnh đạo quyết liệt hơn nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu.

Khủng hoảng toàn cầu

Tại cuộc họp, Tổng Thư ký Antonio Guterres cho biết, đã đến lúc để thực hiện những hành động ý nghĩa về vấn đề bồi thường thiệt hại do cuộc khủng hoảng khí hậu gây ra, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển.

Phát biểu với báo chí sau cuộc họp, người đứng đầu LHQ cho biết, ông đã trao đổi với các nhà lãnh đạo về tình trạng khẩn cấp của khí hậu và “cuộc khủng hoảng toàn cầu 3 chiều”: Lương thực, năng lượng và tài chính. Trao đổi với các nhà lãnh đạo, ông Guterres cho biết, sự tàn phá mà ông đã chứng kiến trong tháng này ở Pakistan – nơi lũ lụt bao phủ khoảng 1/3 đất nước ở mức đỉnh điểm – xảy ra khi sự ấm lên toàn cầu ở mức 1,2oC.

Pakistan bị tàn phá do lũ lụt ở các tỉnh Sindh và Balochistan. (Ảnh: LHQ)

Nhiên liệu hóa thạch đang hủy hoại cuộc sống con người

Liên quan đến mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu là hạn chế sự nóng lên toàn cầu trong thời gian dài ở mức 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp, ông Guterres cho biết: "Giới hạn mức tăng nhiệt độ ở mức 1,5 độ C có khả năng hỗ trợ sự sống, nhưng mục tiêu này lại đang biến mất một cách nhanh chóng... Tất cả mọi người đều đã chứng kiến những hình ảnh kinh hoàng từ lũ lụt ở Pakistan. Điều này đang xảy ra khi Trái đất nóng lên ở mức chỉ 1,2 độ C và chúng ta đang tiến tới mức tăng nhiệt trên 3 độ C".

Trước thực trạng đó, người đứng đầu LHQ kêu gọi các quốc gia giải quyết 4 vấn đề cấp bách từ nay cho đến COP27, bao gồm: giảm thiểu khí thải, tài chính khí hậu, thích ứng và mất mát, thiệt hại.

Đối với việc giảm thiểu khí thải, ông Guterres cho rằng, mặc dù, lượng khí thải sẽ được cắt giảm gần 50% trước năm 2030, nhưng chúng đang trên đà tăng 14%. Đồng thời, kêu gọi đại diện của các nền kinh tế lớn trên thế giới - các nước G20 - loại bỏ dần than đá và tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo, chấm dứt tình trạng phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Ông nhấn mạnh, ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch đang giết chết con người và các nhà lãnh đạo đang bị cô lập với người dân của họ, những người đang yêu cầu hành động khẩn cấp về khí hậu.

 Thỏa thuận Paris năm 2015 mang tính bước ngoặt về biến đổi khí hậu, các nước đang phát triển đã cam kết tài trợ 100 tỷ USD mỗi năm cho các sáng kiến nhằm giúp họ ứng phó với những tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Tuy vậy, đến nay, mục tiêu đó vẫn chưa đạt được.

Nhấn mạnh sự tàn phá của khí hậu và sự khổ cực của người dân, quan chức LHQ nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng gấp đôi hỗ trợ thích ứng lên 40 tỷ USD mỗi năm vào năm 2025, những cam kết hỗ trợ tài chính này cần phải được thực hiện đầy đủ và khẩn trương.

Hậu quả nặng nề do trận lũ lụt. 9Arnh Internet)

Thúc đẩy hợp tác quốc tế để giảm giá thành

Liên quan đến mất mát và thiệt hại, theo ông Guterres, đây đã trở thành một nội dung quan trọng trong các cuộc đàm phán về khí hậu. Vấn đề này liên quan đến những thiệt hại vốn đã được gây ra bởi những sự kiện thời tiết cực đoan đang gia tăng theo cấp số nhân, mà những biện pháp để giảm thiểu sự nóng lên toàn cầu và các biện pháp nhằm thích ứng với tác động của hiện tượng này đều không thể ngăn chặn được.

Vì thế, ông Guterres kêu gọi các nhà lãnh đạo đưa ra các quyết định quan trọng để giải quyết “cuộc khủng hoảng 3 chiều”. Lời kêu gọi này diễn ra trong bối cảnh Hội nghị Thượng đỉnh của các Nguyên thủ quốc gia và Chính phủ G20 tổ chức tại Bali vào tháng 11/2022, trong những ngày cuối cùng của COP27. Ông kêu gọi hợp tác quốc tế để giảm giá liên quan đến thị trường lương thực, năng lượng và tài chính vốn đã tăng cao kể từ đại dịch Covid-19 và cuộc chiến ở Ukraine, cũng như đẩy mạnh sự hỗ trợ cho các nước đang phát triển nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng lớn hơn trong năm 2023.

Ông Guterres cho rằng, các tổ chức tài chính quốc tế cũng phải đẩy mạnh và cung cấp các khoản giảm nợ cho các nước đang phát triển, đồng thời, củng cố và mở rộng các cơ chế mới để chuyển nguồn lực đến các nước có nhu cầu.