Mới đây, UBND tỉnh Long An đã xử phạt Công ty TNHH May Xuất Nhập khẩu Thành Trực do hành vi xả thải vượt quy chuẩn ra môi trường.
Theo đó, trước kiến nghị của người dân, Ủy ban Nhân Dân tỉnh Long An đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra tình hình xả thải của một số doanh nghiệp trên địa bàn Phường 6, thành phố Tân An.
Sở Tài nguyên và Môi trường Long An đã tiến hành thanh tra hoạt động xả thải của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn May Xuất Nhập khẩu Thành Trực. Đoàn thanh tra đã lấy mẫu nước thải, kết quả phân tích có 3 thông số vượt so với Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về nước thải công nghiệp. Ngành chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính doanh nghiệp này với tổng số tiền hơn 79 triệu đồng.
Công ty Trách nhiệm Hữu hạn may xuất nhập khẩu Thành Trực đã khẩn trương khắc phục việc rò rỉ nước thải và tiến hành thu gom toàn bộ nước thải phát sinh để xử lý theo quy định trước khi thải ra môi trường.
Sở Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu công ty trong quá trình hoạt động phải đảm bảo thu gom triệt để nước thải phát sinh đưa về hệ thống xử lý nước thải để xử lý, đảm bảo nước thải sau xử lý đạt Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nước thải công nghiệp trước khi xả ra môi trường; tuyệt đối không được xả nước thải chưa qua xử lý hoặc nước thải xử lý chưa đạt quy chuẩn quy định ra môi trường dưới bất kỳ hình thức nào.
Ảnh minh họa
Còn tại tỉnh Kon Tum, trước phản ánh của cơ quan báo chí về cơ sở chăn nuôi lợn của hộ kinh doanh Nguyễn Đức Thấn, tại thôn 5, xã Ngọk Wang có phát tán mùi hôi, làm ô nhiễm môi trường, UBND huyện Đăk Hà đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND xã Ngọk Wang tiến hành kiểm tra, tham mưu xử lý.
Tổ kiểm tra liên ngành của huyện Đăk Hà tiến hành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại cơ sở chăn nuôi này. Qua kiểm tra hiện trạng và đối chiếu với hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Tổ kiểm tra liên ngành xác định cơ sở chăn nuôi của ông Thấn đã vi phạm các quy định về đăng ký môi trường, giấy phép môi trường, đánh giá tác động môi trường theo điểm a khoản 2 Điều 1 của Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ.
Trước thực trạng trên, Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt là 35 triệu đồng. Đồng thời, buộc ông Nguyễn Đức Thấn, chủ cơ sở chăn nuôi lợn thực hiện xây dựng các hạng mục công trình xử lý chất thải theo đúng nội dung phê duyệt trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường và buộc phá dỡ công trình, thiết bị xây lắp trái quy định.
Thời hạn thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả trong 30 ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Cùng đó, thời gian tới, UBND huyện Đăk Hà chỉ đạo các cơ quan đơn vị có liên quan đôn đốc, kiểm tra quá trình khắc phục hậu quả đối với cơ sở vi phạm; chỉ đạo Tổ kiểm tra liên ngành huyện tiếp tục kiểm tra toàn diện các cơ sở chăn nuôi tập trung trên địa bàn huyện để kịp thời chấn chỉnh, xử lý hành vi vi phạm (nếu có).
Luật Bảo vệ Môi trường đang được phát triển theo cách thức tăng trách nhiệm của doanh nghiệp tương ưng với cấp độ tác động vào môi trường. Tác động ít thì trách nhiệm ít, tác động nhiều thì trách nhiệm nhiều. Trước khi có Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, cách chúng ta tiếp cận kinh tế tuần hoàn, kinh tế bền vững, trách nhiệm xã hội nó thiên về kêu gọi tự nguyện, tự giác. Nhưng kể từ 1/1/2022 sẽ là trách nhiệm pháp lý và doanh nghiệp phải thực hiện, không thực hiện anh phải chịu trách nhiệm chế tài
Bên cạnh xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật môi trường, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về Bảo vệ môi trường cho phù hợp với thực tế, nâng cao ý thức, trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thực hiện pháp luật môi trường.
Theo Minh Anh/Diễn Đàn Sự Thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7099207356805626/