Theo báo cáo tài chính vừa được 28 ngân hàng công bố, tính đến cuối quý IV/2022 các nhà băng đang cho khách hàng vay 8,56 triệu tỷ đồng, tăng gần 16% so với đầu năm.
Trong đó, top 10 nhà băng có khối lượng cho vay lớn nhất đang tài trợ hơn 6,7 triệu tỷ đồng cho các khách hàng, tăng gần 16%, chiếm tỷ trọng 78,9% trong tổng lượng cho vay của 28 ngân hàng.
BIDV, Vietcombank, VietinBank vẫn đang đứng đầu bảng xếp hạng với lượng cho vay khách hàng đạt hơn 3,94 triệu tỷ, tăng 14,4% so với đầu năm.
Với khối lượng cho vay khách hàng 1,52 triệu tỷ, tăng hơn 12,37% so với đầu năm, BIDV đang là đơn vị cho vay lớn nhất trong số 28 nhà băng.
VietinBank theo sau với khối lượng cho vay khách hàng gần 1,28 triệu tỷ đồng, tăng 12,75% so với đầu năm.
Vietcombank đứng vị trí thứ ba, với số dư cho vay khách hàng tính đến cuối năm là gần 1,15 triệu tỷ, tăng 19,18% so với đầu năm. Đáng chú ý, đây cũng là năm đầu tiên ngân hàng ghi nhận chỉ tiêu này vượt mốc 1 triệu tỷ đồng.
Dẫn đầu khối tư nhân là MB, tính đến cuối 2022, nhà băng này đã tung ra ít nhất 460,57 nghìn tỷ vay cho các khách hàng của mình, tăng 26,69% so với đầu năm.
Theo sau là Sacombank, với khối lượng cho vay khách hàng đạt hơn 438,62 nghìn tỷ, tăng 13,07% so với đầu năm
5 ngân hàng còn lại trên bảng xếp hạng 10 ngân hàng có khối lượng cho vay khách hàng lớn nhất là VPBank (~438,34 nghìn tỷ); Techcombank (420,52 nghìn tỷ); ACB (413,71 nghìn tỷ); SHB (385,63 nghìn tỷ); HDBank (263,86 nghìn tỷ).
Mặc dù vẫn đứng đầu bảng xếp hạng về khối lượng cho vay, song BIDV, VietinBank và Vietcombank không phải là các nhà băng ghi nhận chỉ tiêu này tăng trưởng nhanh nhất.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Các số liệu thống kê cho thấy, có hơn một nửa ngân hàng được khảo sát có tăng trưởng khối lượng cho vay khách hàng hơn 15% và 7 nhà băng ghi nhận con số này trên 20%
Trong đó, ngân hàng đang có tốc độ tăng trưởng khối lượng cho vay khách hàng nhanh nhất trong năm 2022 là BaoVietBank. Cụ thể, tính đến cuối năm 2022, nhà băng này đã cho các khách hàng vay 33,19 nghìn tỷ, tăng 31,53% so với đầu năm, gần gấp 2 lần tốc độ tăng trưởng bình quân của 28 ngân hàng.
HDBank theo sau với khối lượng cho vay khách hàng đã tăng từ 203,21 nghìn tỷ lên 263,86 nghìn tỷ vào cuối năm 2022, tương ứng mức tăng 29,84%/năm.
MB và VietBank cũng là một trong số ít các ngân hàng ghi nhận tốc độ tăng trưởng số dư cho vay khách hàng trên 25% trong năm vừa qua. Cụ thể chỉ tiêu này ở 2 ngân hàng này lần lượt là 26,69% và 25,93%.
Các ngân hàng còn lại trong danh sách có tăng trưởng số dư cho vay khách hàng trên 20% là VPBank (23,38%); Techcombank (21,07%); SeABank (20,67%).
Có 3 ngân hàng cũng có mức tăng trưởng cho vay khách hàng cao xuýt xoát 20% và nằm trong top 10 ngân hàng có chỉ tiêu này tăng trưởng tốt nhất trong hệ thống, cùng đạt 19% là Vietcombank, ABBank và MSB.
Theo các chuyên gia, tăng trưởng cho vay khách hàng của các nhà băng năm qua có cao hơn so với mặt bằng chung nhiều năm trở lại đây. Chủ yếu là vì nền kinh tế cần tái thiết hậu đại dịch, nhu cầu vốn theo đó cũng tăng lên nhiều hơn so với các giai đoạn khác. Room tín dụng cũng được nới lỏng hơn so với mọi năm. Mặt khác, hệ thống ngân hàng phải chịu tải thêm do sự tắc nghẽn ở các thị trường vốn khác như cổ phiếu, trái phiếu.